[links()]Hai thanh niên vừa được gia đình gửi tiền chuộc về chia sẻ với phóng viên Xa lộ Pháp luật chuỗi ngày bị "cầm tù" và những chiêu thức bóc lột dã man người lao động của các trung tâm môi giới. Họ đã tìm cách trốn, thậm chí trèo lên xe ô tô đi được gần 50 km nhưng vẫn bị bắt lại.
Phải nộp phạt vì… công ty không xin được việc
Anh Lê Văn Đức và Nguyễn Hoàng Lực (SN 1996, ngụ tỉnh Vĩnh Long) cho biết mới về đến TP.HCM được hai ngày. Nhưng khác với "nhân vật" Tú ở bài đầu chỉ mới bị nhốt ở "trại tập trung" chờ người đến "mua", hai người này đã cố gắng qua nhiều việc làm được văn phòng bên Lâm Đồng môi giới, nhưng vẫn không thể trụ nổi.
Hai chàng trai lên TP HCM từ một tháng trước. Mới đầu hai người đi làm cho một công ty may với mức lương 3 triệu đồng một tháng, bao ăn ở. Tuy nhiên, làm được hai tuần thì chỗ làm hết việc. Không có việc, họ lang thang đi bộ ra cầu vượt An Sương vì nghe nói ở đây có nhiều trung tâm giới thiệu việc làm miễn phí.
Hai nhân vật vừa được giải cứu |
Vào công ty Mưa Sao Băng xin việc, người tư vấn giữ lại chứng minh nhân dân (CMND) của cả hai rồi hẹn "khi nào tìm được việc thì gọi". Chờ vài ngày vẫn thấy công ty gọi, hết tiền, cả hai đành đến xin lại CMND để đi xin việc khác.
Lúc này người tư vấn cho biết "muốn lấy lại CMND thì phải đưa 1 triệu đồng “tiền phạt” vì “tội phá hợp đồng”. Xin việc không được, còn bị mất 1 triệu đồng, hai thanh niên năn nỉ nhân viên tư vấn "giơ cao đánh khẽ" nhưng người đàn ông này vẫn lạnh lùng từ chối.
Cuối cùng, Đức viện cả lý do: "Em với anh cùng đồng hương Vĩnh Long, lẽ nào anh lại không giúp tụi em một lần". Chiêu "đồng hương" có vẻ có hiệu quả, người đàn ông đồng ý bớt cho cả hai một nửa.
Hai chàng trai trẻ dốc hết các túi, tổng cộng còn 536.000 đồng. Vậy là vừa không xin được việc, vừa mất tiền oan, cả hai chỉ còn 36.000 đồng trong túi. Hai chàng trai thất thểu lang thang vô định.
Đúng lúc nay, Đức gặp một người bạn cũ. Người này cho biết mình đang làm cho công ty cung ứng việc làm Phước Tiến, khẳng định: "Bên đó làm ăn đàng hoàng, đảm bảo". Tin tưởng "người quen", hai chàng trai xách túi sang văn phòng Phước Tiến ở chân cầu vượt An Sương.
Tiếp Đức và Lực cũng là người đàn ông to béo. Sau khi thống nhất mức lương 2,5 triệu đồng/ tháng, công việc "bón phân, làm cỏ rẫy, bao ăn ở”, hai chàng trai được đưa đến khách sạn chờ công ty bố trí xe đưa lên Lâm Đồng.
Suốt hai ngày đợi xe, họ cũng bị một thanh niên tầm hơn 20 tuổi giám sát như hình với bóng, đi một bước là anh ta theo một bước. Sau đó hai người được đưa lên xe ô tô, chạy thẳng lên công ty Tuấn Sơn, bị giam lỏng ở căn phòng cuối cùng kín mít cùng nhiều người lao động khác.
Những ngày “đi đày”
Ngày đầu tiên, hai anh được một chủ trang trại nhận, công việc là hái quả, bón phân cho cà chua, mức lương thỏa thuận là 2,3 triệu đồng, bao ăn ở. Đức và Lực được người chủ chở xe máy vào địa phận huyện Lâm Hà, cách công ty Tuấn Sơn chừng 30 km.
Ở trang trại, hai anh được giao hái cà chua trên diện tích khoảng 500 m2. Sau một buổi sáng cặm cụi còng lưng với thành phẩm là gần hai tạ quả, buổi chiều cả hai lại được giao đi cắt, tháo dỡ dây ở những mảnh vườn su su đã hết trái, rồi ròng dây bơm nước tưới cho những luống rau mới trồng.
Hàng ngày từ tờ mờ sáng đến khi trời đã tối sẫm, hai anh làm luôn chân luôn tay mà không hết việc. Hai công đất (2.000 m2) được người chủ thâm canh trồng nhiều loại rau củ với vô số công việc, lại chỉ có hai người làm nên vô cùng vất vả.
Công việc nặng nhọc, hai chàng trai thân hình nhỏ thó chưa tới 17 tuổi làm đến ngày thứ tư thì không chịu nổi, đành xin nghỉ. Ông chủ trang trại "áp tải" hai người lao động quay lại công ty Tuấn Sơn.
Trước đó, công ty này đã bảo hành cho người thuê "dùng lao động trong bảy ngày, nếu không ưng ý thì trả người, công ty sẽ hoàn tiền lại, người thuê chỉ phải trả cho lao động tiền những ngày đã dùng". Sau bốn ngày lao động cật lực, mỗi người được trả chủ cho 150.000 đồng tiền công.
Hai ngày sau Đức và Lực lại được nhận làm công việc ở rẫy cà phê. Lần này địa điểm xa hơn lần trước, heo hút thưa người.
Ngày đầu tiên người chủ giao công việc phun thuốc sâu cho cà phê. Mỗi người vác một bình thuốc sâu 20 lít, leo khoảng 200m đường đồi. Lên đến đỉnh đồi thì quay trở lại phun thuốc xuống. Xuống đến chân đồi, lại pha thuốc sâu cõng lên. Một buổi sáng mỗi người phải phun hết tám bình thuốc sâu như vậy.
Sau khi mỗi người "tiêu thụ" hết khoảng gần hai tạ thuốc sâu, chủ nhà giao cho họ việc ròng dây bơm nước tưới cà phê. Ống nước rất nặng, một người phải kéo, người còn lại gỡ dây. Lại tiếp tục leo lên đồi tưới xuống. Cả hai cố gắng làm được 1,5 ngày thì kiệt sức, bước chân không nổi.
Lực tâm sự: "Lúc đó bọn tôi biết mình bị lừa. Những người này chỉ thuê tụi tôi làm những công việc nặng nhọc nhất. Lúc hết việc cũng là lúc tụi tôi kiệt sức, họ lại trả về.
Thế là bao nhiêu việc cần, họ đã giải quyết xong hết, chỉ phải trả mỗi người 50 - 70 ngàn tiền công một ngày. Công ty môi giới lao động cũng lừa tụi tôi, giao cho tụi tôi những công việc bóc lột như vậy để bọn tôi không thể làm được, muốn về thì gia đình phải gửi tiền lên chuộc. Như vậy, công ty cũng được lợi, người thuê cũng được lợi, chỉ có tụi tôi là bị bóc lột".
Cuộc “đào ngũ” thất bại
Sau khi “giác ngộ" ra chân lý đó, hai chàng trai bàn nhau trốn về TP HCM. Cả hai chấp nhận bỏ lại CMND ở công ty Tuấn Sơn, lội bộ từ rẫy cà phê ra đường lớn, bắt xe taxi bỏ trốn. Lúc đó trong túi cả hai chỉ còn mấy ngàn tiền lẻ, Đức đành đưa cho lái xe chiếc điện thoại đen trắng với đề nghị: "Anh chở tôi ra chỗ nào có xe khách về TP HCM".
Ra bến xe, còn chiếc điện thoại của Lực, cả hai đưa cho nhà xe cắm nốt với đề nghị "cho chúng tôi về Sài Gòn".
Sau khi đã yên vị trên xe đâu vào đấy, cả hai thở phào nhẹ nhõm vì thoát nạn. Tuy nhiên, xe chạy được chừng 50 km, những "kẻ bỏ trốn" đang thiu thiu ngủ thì đột ngột xe phanh gấp dúi dụi. Một chiếc xe máy từ phía sau vọt lên chặn đầu xe, chủ công ty Tuấn Sơn bước lên xe dõng dạc "mời" hai kẻ "đảo ngũ" xuống xe.
Cả hai được "di lý" quay trở lại công ty. Về đến văn phòng, người đàn ông to lớn mặc áo rằn ri quát lớn: "Chúng mày làm không làm, muốn trốn hả mày, tin tao đánh chết không". Sau khi khóc lóc xin xỏ, cả hai được đưa về căn phòng phía sau nhà "sẽ xử lý chúng mày sau".
Biết không thể làm nổi, lại không sao thoát được, hai thanh niên này đành xin chuộc thân. Những người ở công ty Tuấn Sơn yêu cầu mỗi người phải trả 1,75 triệu đồng. Chiều 13/5, tiền được chuyển vào tài khoản của bà chủ công ty, cả hai được thả về.
Ngày 15/3, phóng viên gặp hai người vừa mới được “trao trả tự do” ở TP HCM. Khi được hỏi sao không về Vĩnh Long, Đức chia sẻ: "Nhà tôi nghèo lắm, không có việc, vì chuyện của tôi mà đã phải vay nợ gần hai triệu để chuộc, tôi về rồi lấy tiền đâu mà trả".
Còn Lực nhăn nhó: "Khi nghỉ việc ở công ty ở Sài Gòn, trong túi tụi tôi mỗi thằng còn được một triệu đồng. Nửa tháng lăn lộn, tiền hết sạch, gia đình còn phải vay nợ gần hai triệu để chuộc. Mấy bữa nay tụi tôi hết sạch tiền, phải ngủ ở vỉa hè, ban ngày ăn cơm ké của người bạn cùng quê, chờ xin việc".
Đây không phải là lần đầu tiên những đường dây lừa đảo đưa người lao động lên Tây Nguyên bị phanh phui. Cách công ty Tuấn Sơn được kề cập trong bài chừng 200m là một công ty tư vấn đã bị báo chí đề cập đến trong vụ lừa đảo, ngược đãi, đánh đập người lao động cách đây không lâu.
Bên cạnh đó, văn phòng tư vấn ở Sài Gòn là Mưa Sao Băng và Phước Tiến nằm ngay trên quốc lộ 1A và quốc lộ 22 giáp bến xe An Sương nhưng hoạt động công khai, trắng trợn.
Vấn đề đặt ra là có hay không cơ quan chức năng nào đó của hai địa bàn trên đã "bảo kê" cho những cá nhân và tổ chức này lộng hành, lừa đảo người lao động?.
Theo Xa lộ pháp luật