Ngày trước, mỗi khi đội chiếu bóng lưu động về làng trên xóm dưới rộn rã hẳn lên. Người làm đồng giục nhau: "Đi làm về sơm sớm, ăn cơm rồi còn đi xem chiếu bóng!". Còn bọn trẻ chúng tôi ngay từ chiều đã kéo nhau ra bãi xem các chú trong đội chuẩn bị buổi chiếu.
Bãi chiếu bóng làng tôi ngay cạnh chợ. Phía sau là chùa, hai bên đông tây nhà dân san sát nhau, chỉ có hai lối vào chính nên dễ kiểm soát vé. Khi đội chiếu bóng về chừng vài tiếng đồng hồ, hai cô gái tóc ngang vai ra cổng bán vé. Vậy mà còn phải xếp hàng dài dằng dặc. Những buổi chiếu phim hay còn tranh nhau mua vé. Vì thế chúng tôi được người lớn "cử" đi mua vé từ chiều. Đội chiếu bóng lưu động lúc ấy có đến gần chục người: hai kỹ thuật máy, một thuyết minh và 5, 6 người phục vụ. Chúng tôi đứng xem các chú thanh niên lực lưỡng khuân hai chiếc máy to tướng từ trên xe xuống. Thấy mấy cô tóc đuôi gà cũng đến xem, một chú lém lỉnh xuất khẩu thành "thơ": "Khuân máy vất vả mà vui/ Đến đâu cũng rộn tiếng cười, người quây". Nghe mấy câu có vần ấy, các cô đỏ mặt lảng ra chỗ khác. Còn chúng tôi đứng sát vào chỗ để máy tò mò xem những chiếc máy chiếu trên đề chữ nước ngoài mà hoa cả mắt.
Tôi nhớ có lần đang xem bộ phim "Hỉ Nhi" của Trung Quốc… giữa lúc Hỉ Nhi bị tên địa chủ hành hạ bỗng trời đổ mưa. Bà con yêu cầu cứ chiếu, ướt cũng đứng xem. Anh em trong đội chiếu bóng phải dùng nilon che mưa bảo vệ máy, còn người thì chịu ướt. Thấy vậy, mấy người nhà gần, chạy về lấy áo mưa. Chúng tôi đứng 4 góc căng áo mưa lên che cho cô thuyết minh và tận mắt được xem cô cười, khóc, vui buồn cùng nhân vật trong phim. Cho đến bây giờ tôi vẫn còn nhớ giọng cô lên cao, xuống trầm khi thuyết minh bộ phim "Cô gái bán hoa" của Triều Tiên, "Với cả tâm tình" của Liên Xô. Thuở nhỏ chúng tôi thích xem phim chiến đấu, nhất là phim "Chiến thắng Điện Biên Phủ" thì xem đi xem lại không biết chán. Lúc cô thuyết minh hô "xung phong" chúng tôi cũng hô theo. Sau này xã tôi xây hẳn hai cái cột bằng xi măng để các chú trong đội chiếu bóng không phải chôn cột luồng nữa.
Bây giờ cuộc sống ngày càng đi lên, gia đình nào cũng có ti vi, đầu VCD muốn xem phim lúc nào cũng được nhưng mỗi lần qua phố chợ, tôi lại nhớ những buổi chiều xếp hàng mua vé xem chiếu bóng ngoài trời... Nhớ những buổi xem phim ở chỗ này... có khi đầu ráo, áo ướt vẫn say mê theo dõi những thước phim nhựa của đội chiếu bóng lưu động ngày ấy./.
Nguyễn Đức Hoè