[links()] Trong gian nhà lộng gió nơi vùng biển Quỳnh Nghĩa (huyện Quỳnh Lưu, tỉnh Nghệ An), thứ duy nhất gợi nhớ một thời oanh liệt của chủ nhân chính là bức hình đen trắng chụp người dân quân với cây súng trường tại hầm trực chiến. Ông Phạm Hữu Hân cho biết đây là tấm ảnh duy nhất do một nhà báo về địa phương chụp lại sau ngày ông bắn rơi máy bay. 45 năm đã trôi qua, tấm ảnh đã hoen mờ như chính cuộc đời thăng trầm của người xạ thủ từng bắn hạ chiếc máy bay F4H với vận tốc âm thanh của không lực Mỹ chỉ bằng… một phát súng trường.
Người hùng Phạm Hữu Hân |
Cả làng mổ trâu mừng chiến công
Trong cuốn sách “Lịch sử lực lượng vũ trang nhân dân huyện Quỳnh Lưu” (NXB Quân đội nhân dân) có ghi: “Ngày 27/12/1967, lực lượng dân quân xã Quỳnh Nghĩa trực chiến tại mỏm Đầu Rồng bằng 3 viên đạn súng trường quật tan xác một máy bay F4H, máy bay rơi cách trận địa khoảng 300 mét” (T197).
Tuy nhiên, ông Phạm Hữu Hân, người trực tiếp bắn rơi máy bay hôm đó đến nay vẫn khẳng định mình chỉ hạ máy bay bằng duy nhất một viên đạn.
Ở tuổi 87, ông Hân vẫn còn tráng kiện lạ thường. Gương mặt ông rạng ngời khi nhắc đến những ngày đi dân quân chống Mỹ. Đó là chiều ngày 27/12/1967, như thường lệ ông có mặt trong tổ dân quân du kích gồm 3 người trực chiến tại mỏm Đầu Rồng làm nhiệm vụ cảnh giới máy bay bằng mắt thường.
Bỗng tiếng gầm rú của máy bay từ xa bay đến mỗi lúc một gần, rồi cứ thế chúng lượn đi vòng lại như khiêu khích. Một chiếc máy bay lao vụt qua, lại tiếp một chiếc nữa lượn xuống sát sàn sạt mỏm Đầu Rồng. Gió rít ghê rợn, cây cối ngả nghiêng cả.
Lão ngư kể lại: “Khi ấy tôi nắm chặt cây súng, mắt không chớp theo dõi chiếc máy bay lượn qua lượn lại, chộ (nhìn) rõ cả tên phi công. Vừa lúc nghe tiếng người đội trưởng hô “Bắn”, tôi ngắm thẳng trên đầu máy bay rồi bóp cò.
Chiếc máy bay trúng đạn bốc khói, lảo đảo ít giây như thằng say rượu rồi lao thẳng xuống biển cách hầm bắn chừng 300m. Tôi vẫn còn nhớ khoảnh khắc viên đạn từ nòng súng của mình bay ra nhắm trúng đích, rồi chiếc máy bay lao xuống, mọi người nhảy cẫng lên hò reo”.
Cuộc tìm xác máy bay diễn ra rất nhanh. Đều là ngư dân sống trên sóng nước, chỉ cần nhìn váng dầu nổi trên mặt biển là đội dân quân đã xác định chính xác vị trí máy bay rơi. Sau khoảng 3 giờ đồng hồ, các thợ lặn là ngư dân chuyên nghiệp xã nhà đã vớt được xác máy bay gồm những mảnh vỡ nát.
Sáng hôm sau ông Hân được đại diện tổ dân quân mang những mảnh vỡ máy bay về trụ sở UBND xã để đơn vị chức năng của Quân chủng Phòng không – Không quân lấy làm bằng chứng.
Sự góp mặt của những cao niên trong xóm đến chơi khiến câu chuyện của người dân quân năm xưa thêm phần sôi nổi. Tất cả các bậc cao niên đều nhắc đến ngày ăn mừng sự kiện ông Hân bắn hạ máy bay địch bằng một phát súng trường.
Ông Hân cười: “Xã năm đó đã cho mổ một con trâu của Hợp tác xã để ăn mừng thắng lợi. Cả làng vui như có hội, ai cũng phấn khởi vui vẻ”.
Tiệc mừng được tổ chức hai ngày một đêm, thanh niên nhảy múa hát ca, người già uống rượu đọc thơ để mừng chiến công của người ngư dân anh hùng. Trên đất biển Quỳnh Nghĩa, chưa có bữa tiệc liên hoan nào “hoành tráng” như tiệc mừng chiến công bắn hạ máy bay ngày đó.
Ba người trong tổ dân quân của ông Hân còn được thưởng, mỗi người được nhận một bộ quần áo, một chiếc chăn dù vì đã lập được chiến công hiển hách.
Theo ông Hân, sau này ông mới nghe người ta nói chuyện về chiếc máy bay ông bắn hạ là loại F4H được mệnh danh là “bóng ma trên bầu trời” với vận tốc siêu âm, hỏa lực mạnh và hiện đại bậc nhất trong không lực Mỹ.
Ông khẳng định: “Tôi mới chỉ bắn duy nhất một viên đạn. Loại súng tôi sử dụng là súng trường K44, chỉ bắn tỉa từng phát một, lên đạn bằng khóa nòng thủ công. Khi bắn xong một phát, muốn bắn tiếp phải giật khóa lên đạn lại”. Ông chưa kịp lắp viên đạn thứ hai thì chiếc máy bay vừa trúng đạn đã đâm đầu xuống biển.
“Tình huống bất ngờ quá, viên phi công không cả kịp nhảy dù. Mọi người vẫn nói nếu thoát chết chắc hắn ngủ mơ cũng không thể tin chiếc chiến đấu cơ siêu hạng lại bị bắn rơi bởi một viên đạn từ khẩu súng trường cổ lỗ sĩ của những ngư dân quen đánh cá hơn đánh trận”, lão ngư cười.
Nhận định về nguyên nhân khiến “siêu phi cơ” tan xác chỉ vì dính một viên đạn súng trường, có người cho rằng ông Hân đã bắn phải “chỗ hiểm” của máy bay như thùng dầu, thùng dầu phụ hoặc một “huyệt” nào đó; lại thêm ở cự li cực gần nên máy bay mới rơi tại chỗ như vậy.
Ông Hân bên hầm trực chiến năm xưa |
Kỳ tích bị lãng quên
Là người đã lập kỳ tích khiến cả thế giới phải ngạc nhiên, nhưng lạ là nhắc đến chiến công của ông, nhiều người trẻ trong làng nói chưa từng nghe. Ngoài một vài cụ cao niên nay đều đã gần 90 tuổi, hầu như mọi người đều lắc đầu không biết người từng bắn rơi máy bay bằng một phát súng trường nay ở đâu.
Theo lời giải thích của lớp trẻ, những nhân vật có “công trạng” thường được nhắc tới trong các dịp kỷ niệm hoặc các sự kiện gặp mặt, nói chuyện, nhưng không thấy ông Hân xuất hiện bao giờ. Kỳ tích của ông vì thế không được nhắc tới thường xuyên, rồi dần dần bị lãng quên.
Ông Hân là người duy nhất trong tổ dân quân anh hùng năm xưa còn sống sót. Mỏm Đầu Rồng vẫn còn đó, một ngọn núi vươn mình ra biển có dáng oai hùng như hình đầu rồng, ngay dưới chân là bãi tắm Quỳnh Nghĩa long lanh cát mịn.
Trận địa cũ không còn nữa, hầm trực chiến nay không còn dấu vết. Những lần tha thiết trở lại kỷ niệm xưa, ông Hân lại băng băng leo lên đỉnh núi, nhưng lần nào ông cũng thất thần vì sự quạnh vắng lạc lõng của địa danh lịch sử ngay sát bên cạnh những trung tâm thương mại, bãi tắm ngày một náo nhiệt.
Ông Hân không buồn vì thành tích không được nhớ đến. Ngoài chuyện bắn rơi máy bay, ông kể nhiều về những năm tháng cùng anh em dân quân trực chiến trên biển. Ngày ấy khi những máy bay bị pháo của bộ đội bắn hạ, lính Mỹ thường nhảy dù xuống biển thoát thân. Ông Hân cùng anh em nhận nhiệm vụ “đón lõng” những giặc lái này để bắt sống. Đó thực sự là công việc của những chiến sỹ cảm tử trên mặt biển.
Trên đầu máy bay giặc lượn rát rạt hòng cứu người của chúng, nhiều chiếc thuyền ngư dân trúng bom bị phá nát, anh em ngư dân hy sinh rất nhiều. So với sự hy sinh của những anh em ngày đó, ông Hân cho rằng mình còn sống và lập chiến công đã là một sự may mắn lớn.
Nhắc chuyện xưa rồi chuyện nay, người ngư dân anh hùng để lộ tâm sự về một nỗi ân hận khiến ông canh cánh buồn phiền trong suốt cuộc đời. Người làng Quỳnh Nghĩa vừa tham gia dân quân vừa lao động sản xuất. Những ngày yên bình buông tay súng, ông Hân lại cùng người làng giong thuyền thả lưới.
Trong một lần đi lưới trúng đậm, mỗi hộ dân trong đoàn thuyền hôm ấy khi chia cá đều lấy thêm vài kg về cho gia đình. Nhưng chính từ việc này, ông đã bị quy kết là tham ô, bị kiểm điểm. Sự việc xảy ra sau khi ông lập thành tích bắn rơi máy bay Mỹ được một thời gian, đang làm hồ sơ để xét cấp Huân chương. Vụ “tham ô mấy kg cá” của ông Hân ngày đấy không khác gì “xì – căng - đan”, ông bị kỷ luật, không được xét cấp Huân chương.
Cả quãng đời sau này ông Hân chỉ lặng lẽ đi biển, kiếm cá về nuôi vợ con. Vợ mất cách đây sáu năm, ông hiện sống cùng người cháu trong ngôi nhà giữa làng biển Quỳnh Nghĩa.
F - 4H (Con ma) là một loại máy bay tiêm kích - ném bom tầm xa siêu âm hai chỗ ngồi hoạt động trong mọi thời tiết được hãng McDonnell Douglas thiết kế chế tạo trước tiên cho Hải quân Hoa Kỳ. Loại máy bay này đã được dùng trong quân đội Hoa Kỳ từ năm 1960 đến năm 1996, và là máy bay tiêm kích ưu thế trên không chủ yếu cũng như là máy bay chiến đấu ném bom chính của Không quân, Hải quân và Thủy quân lục chiến. F – 4H cũng được trang bị cho quân đội của nhiều nước khác, và \đến năm 2001 vẫn còn hơn một ngàn chiếc đang được sử dụng ở 11 nước trên thế giới. |
Tuyết Lan – Đào Bình