Sáng 29-3, tại sân vận động Chi Lăng, Thành ủy, HĐND, UBND, UBMTTQ thành phố Đà Nẵng long trọng tổ chức lễ kỷ niệm 35 năm ngày quê hương hoàn toàn giải phóng (29-3-1975 – 29-3-2010).
Dự lễ kỷ niệm có nguyên Tổng Bí thư Lê Khả Phiêu; Ủy viên Bộ Chính trị, Thường trực Ban Bí thư Trương Tấn Sang; Phó Thủ tướng Chính phủ Hoàng Trung Hải… cùng hơn 5 vạn đồng bào, chiến sĩ thành phố.
Trong diễn văn tại lễ kỷ niệm, Bí thư Thành ủy Đà Nẵng Nguyễn Bá Thanh đã nêu bật chặng đường đấu tranh anh dũng, kiên cường chống giặc ngoại xâm cũng như năng động, sáng tạo trong kiến thiết xây dựng quê hương của quân dân Đà Nẵng.
Với vị trí chiến lược, Đà Nẵng đã trở thành nơi thực dân Pháp và đế quốc Mỹ chọn làm mục tiêu tấn công và đổ bộ binh lính, mở màn cho các cuộc chiến tranh xâm lược. Nhưng với tinh thần quật khởi, vì nền độc lập tự do của Tổ quốc, quân dân Đà Nẵng cùng với đồng bào chiến sĩ cả nước đã không tiếc máu xương, dũng cảm đứng lên đánh bại mọi âm mưu thâm độc của kẻ thù, lập nên những chiến công chói lọi, đặc biệt là chiến thắng ngày 29-3, giải phóng hoàn toàn thành phố, tạo tiền đề cho Chiến dịch Hồ Chí Minh lịch sử giải phóng miền Nam thống nhất đất nước.
Sau ngày giải phóng, nhất là từ năm 1997, khi trở thành thành phố trực thuộc Trung ương, Đà Nẵng đã tạo nên bước đột phá trong công cuộc đổi mới, tăng tốc chỉnh trang đô thị, xây dựng cơ sở hạ tầng, phát triển kinh tế xã hội.
Sự đồng thuận của lòng dân đã biến những mục tiêu mà đảng bộ và chính quyền thành phố đề ra trở thành hiện thực, làm đổi thay bộ mặt của Đà Nẵng. Hơn 90 ngàn hộ dân chấp nhận giải tỏa, di dời, định cư nơi ở mới đã góp phần tạo nên một Đà Nẵng phát triển nhanh, mạnh mẽ, trẻ trung và hiện đại.
Tốc độ tăng GDP bình quân trong giai đoạn 2006-2010 của Đà Nẵng từ 11-12%, GDP bình quân đầu người đạt 2.000 USD. Cơ cấu kinh tế của thành phố chuyển dịch theo hướng tích cực: công nghiệp-xây dựng chiếm tỉ trọng 47,59%; ngành dịch vụ 49,4%; ngành nông, lâm nghiệp, thủy sản 3,01%. Với phương châm chủ động mở rộng thị trường theo hướng đa phương hoá quan hệ kinh tế, tích cực thâm nhập các thị trường truyền thống và phát triển thị trường mới, đến nay các sản phẩm của Đà Nẵng đã có mặt ở hơn 90 quốc gia và vùng lãnh thổ trên thế giới. Ngoài ra, quan hệ thương mại giữa Đà Nẵng với các nước nằm trên tuyến Hành lang kinh tế Đông Tây như Lào, Thái Lan... hiện cũng đang được chú trọng phát triển.
Có một điều thú vị là Đà Nẵng được cả nước biết đến như một đô thị xanh-sạch-đẹp tiêu biểu. Ấy chính là kết quả của tư duy và ý chí con người. Những mục tiêu và tiêu chí thân thiện với môi trường đã được hình thành và duy trì từ lâu, đã kịp ngấm sâu vào nếp sống thường nhật của cả chính quyền, người dân bản địa.
Phát biểu tại lễ kỷ niệm, đồng chí Trương Tấn Sang, thay mặt Đảng, Nhà nước đánh giá cao những cống hiến to lớn của Đảng bộ, chính quyền và quân dân thành phố trong cuộc đấu tranh giải phóng dân tộc cũng như trong xây dựng, phát triển kinh tế - xã hội.
Đồng chí tin tưởng rằng với những thành quả đã đạt được, nhất là bài học lớn về “ sự đồng thuận của lòng dân” được rút ra trong thực tiễn, Đà Nẵng sẽ giành nhiều thành quả to lớn hơn nữa, để xứng đáng lòng tin của Đảng, Nhà nước và đồng bào chiến sĩ cả nước.