Thành phố bên bờ sông Hàn Ảnh: Duy Lân |
35 năm qua, đặc biệt trong 13 năm, kể từ ngày thành phố trực thuộc Trung ương (1-1-1997), với những nỗ lực to lớn, Đảng bộ, chính quyền và nhân dân thành phố Đà Nẵng vượt mọi khó khăn, thử thách đạt những thành tựu rất to lớn và toàn diện. Bằng những việc làm cụ thể, sáng tạo, thiết thực, hiệu quả và an dân, vì dân, Đà Nẵng đã tạo được sự đồng thuận xã hội, và đó chính là cơ sở để thành phố mạnh dạn triển khai nhiều chủ trương nhằm xây dựng thành phố không ngừng phát triển.
Năm 2003, Đà Nẵng được Thủ tướng Chính phủ quyết định công nhận là đô thị loại 1 cấp quốc gia. Bộ Chính trị, Ban Bí thư đã về làm việc với thành phố và ra Nghị quyết 33 về “Xây dựng và phát triển thành phố Đà Nẵng trong thời kỳ công nghiệp hóa, hiện đại hóa đất nước”. Từ đây, Đà Nẵng có điều kiện và cơ hội mới để phát huy tiềm năng, xây dựng thành phố trở thành một trong những đô thị lớn của cả nước. Kinh tế thành phố tăng trưởng liên tục qua các năm, thực sự tạo ra bước chuyển biến có ý nghĩa quan trọng trong quá trình phát triển của thành phố theo hướng công nghiệp hóa, hiện đại hóa.
Màn bắn pháo hoa của đội Nhật Bản |
Trong đó, nổi bật nhất là công cuộc quy hoạch, xây dựng cơ sở hạ tầng gắn liền với chỉnh trang và phát triển đô thị. Chi ngân sách địa phương cho đầu tư xây dựng cơ bản năm 1997 là 176,9 tỷ đồng, năm 2005 là 3.931 tỷ đồng, đến năm 2009 là 4.535 tỷ đồng. Năm 2009, tổng vốn đầu tư phát triển trên địa bàn đạt 15.300 tỷ đồng, tổng thu ngân sách là 7.362,2 tỷ đồng. Thành tựu trên lĩnh vực này đã làm cho thành phố mỗi ngày thêm mới hơn, đẹp hơn, rộng ra và cao thêm từng ngày. Những chiếc cầu mới bắc qua sông Hàn, những con đường mới khang trang, những khu dân cư mới hiện đại, cùng với những ngôi trường, nhà máy, siêu thị, khu du lịch, khu công nghiệp mới nối tiếp nhau ra đời thay thế cho những xóm nhà chồ, những khu dân cư ổ chuột, những con hẻm chật chội và thiếu ánh sáng… Hạ tầng viễn thông, cảng biển, sân bay, điện lực, cấp thoát nước… đều có bước phát triển rất mạnh mẽ. Nông thôn cũng thay đổi từng ngày. Hệ thống điện, đường, trường, trạm được xây dựng nhanh chóng và đồng bộ. Hàng loạt các công trình mới ra đời luôn gắn liền với sự đồng thuận của người dân thành phố. Hơn 85 nghìn hộ gia đình vui lòng giao đất, chuyển đến nơi ở mới vì sự ra đời của các công trình, vì sự phát triển đi lên của thành phố.
Sự tăng trưởng kinh tế của thành phố gắn liền với tiến bộ và công bằng xã hội. Sự nghiệp giáo dục-đào tạo, y tế, văn hóa, thông tin, thể dục-thể thao không ngừng phát triển. Chương trình thành phố “5 không”, “3 có” cùng với các chính sách xóa đói, giảm nghèo, an sinh xã hội, chăm sóc người có công, giúp đỡ các đối tượng xã hội… đem lại những hiệu quả rõ rệt về cải thiện đời sống nhân dân, nâng cao dân trí, củng cố quốc phòng-an ninh; giữ ổn định bền vững về chính trị và trật tự xã hội.
Công tác xây dựng Đảng, cải cách hành chính được tăng cường; hoạt động của hệ thống chính trị được đổi mới và nâng cao chất lượng. Vai trò của Mặt trận và các đoàn thể chính trị xã hội được nâng cao; quy chế dân chủ cơ sở được triển khai thực hiện có kết quả; sức mạnh của khối đại đoàn kết toàn dân ngày càng được phát huy. Từ năm 2006 đến nay, việc triển khai thực hiện “Cuộc vận động Học tập và làm theo tấm gương đạo đức Hồ Chí Minh” do Trung ương Đảng phát động thu hút đông đảo cán bộ, đảng viên và các tầng lớp nhân dân thành phố hưởng ứng, làm theo. Cuộc vận động đã và đang đi vào đời sống, lan tỏa trong xã hội, góp phần ngăn chặn, đẩy lùi sự suy thoái về tư tưởng chính trị, đạo đức trong xã hội, củng cố niềm tin vào một tương lai tốt đẹp của đất nước.
Nếu tốc độ tăng trưởng GDP của Đà Nẵng trong 4 năm 1997-2000 mới chỉ đạt 9,6% thì trong 5 năm 2001-2005 đã đạt 13% và trong 5 năm 2006-2010 đạt 12%. GDP bình quân đầu người năm 2000 là 628 USD, năm 2005 là 980 USD và năm 2010 dự kiến trên 2.000 USD. Quy mô sản xuất công nghiệp thành phố tăng nhanh, giá trị sản xuất công nghiệp năm 2005 tăng 5,5 lần so với năm 1995 (8.162.685/1.475.552 tỷ đồng), năm 2009 là 11.336 tỷ đồng. Giá trị sản xuất thủy sản-nông-lâm nghiệp năm 2009 đạt 634 tỷ đồng.
Ngành Du lịch được tập trung đầu tư và phát triển nhanh, hướng đến mục tiêu ngành kinh tế mũi nhọn của thành phố. Giai đoạn 1996-2000, lượng khách du lịch tăng bình quân 10,9%, doanh thu tăng 7,9%; giai đoạn 2001-2005 lượng khách tăng bình quân 12,5%, doanh thu tăng 9,9%; năm 2009, tổng lượng khách du lịch đạt 1,35 triệu lượt du khách, doanh thu 900 tỷ đồng; giá trị sản xuất các ngành dịch vụ ước thực hiện 8.375 tỷ đồng, tăng 15,3%.
Tổng kim ngạch xuất khẩu có tốc độ tăng trưởng cao, giai đoạn 1996-2000 tăng bình quân 16,5%, giai đoạn 2001-2005 bình quân 17,5%. Năm 1997, thành phố chỉ xuất được chưa đến 50 triệu USD thì đến năm 2005 tăng 6 lần, đạt 346 triệu USD. Năm 2009, giá trị kim ngạch xuất khẩu hàng hóa và dịch vụ thực hiện 1.005 triệu USD; bán lẻ hàng hóa và dịch vụ đạt 21.520 tỷ đồng, tăng 16,3%.
Kinh tế đối ngoại thành phố tiếp tục phát triển, đặc biệt trong lĩnh vực thu hút đầu tư nước ngoài. Năm 2005, trên địa bàn thành phố có 79 dự án đầu tư trực tiếp nước ngoài (FDI), với tổng vốn đầu tư trên 506 triệu USD. Đến cuối năm 2009, thành phố có 164 dự án FDI, tổng vốn đầu tư 2,62 tỷ USD; vốn thực hiện đạt 1,29 tỷ USD, chiếm 49,2% tổng vốn đầu tư, với 96 dự án đã đi vào hoạt động, chiếm 58,5% số dự án được cấp phép.
|
Thành tựu đạt được trong những năm qua tạo tiền đề vững chắc cho những bước phát triển của thành phố cao hơn, nhanh hơn, bền vững hơn, để nhanh chóng xây dựng Đà Nẵng trở thành một trong những đô thị lớn của cả nước, là trung tâm kinh tế-xã hội lớn của miền Trung với vai trò là trung tâm công nghiệp, thương mại du lịch và dịch vụ; là thành phố cảng biển, đầu mối giao thông quan trọng về trung chuyển vận tải trong nước và quốc tế; trung tâm bưu chính-viễn thông và tài chính-ngân hàng; một trong những trung tâm văn hóa-thể thao, giáo dục-đào tạo và khoa học công nghệ của miền Trung; là địa bàn giữ vị trí chiến lược quan trọng về quốc phòng-an ninh của khu vực miền Trung và cả nước.
Phạm Phú Bình