Tạm xa những ngôi làng cổ kính của vùng ngoại thành Hà Nội, nơi có cây đa, bến nước… để đến với hai mùa mưa nắng của Tây Nguyên đất đỏ. Hành trang của những chàng trai, cô gái đất Thăng Long trong hành trình đến Nam Tây Nguyên xây dựng kinh tế mới chỉ có ý chí và niềm tin. Những người đầu tiên đi mở đất của hơn 30 năm về trước bây giờ đã là ông là bà, có người hạnh phúc, viên mãn, có người vẫn tất bật lo toan với cuộc sống thường ngày. Nhưng nhiệt huyết, ký ức hào hùng của một thời trai trẻ vẫn trực trào và vẹn nguyên trong họ.
Thành đoàn Hà Nội khởi công xây nhà tình nghĩa tặng thanh niên tiền trạm Thủ đô. Ảnh: website ĐCSVN |
Cách đây hơn 30 năm, ngay sau khi cuộc kháng chiến chống Mỹ cứu nước toàn thắng, đất nước thống nhất. Thực hiện Nghị quyết của Trung ương Đảng về phân bố và sắp xếp lại lao động, dân cư, xây dựng kinh tế gắn với quốc phòng, thực hiện nhiệm vụ chính trị. TP. Hà Nội và tỉnh Lâm Đồng đã chọn địa bàn Đức Trọng để xây dựng vùng kinh tế mới Hà Nội.
Từ những ngày đầu đi tiền trạm, khảo sát năm 1976 đến sự ổn định và mở rộng các vùng đất năm 1985, 1986… ngày càng có nhiều hộ dân ở Đông Anh, Gia Lâm, Thanh trì, Từ Liêm… di chuyển vào Lâm Đồng sinh sống. Sự khai sinh cho một vùng đất mới được mở ra trong sự kỳ vọng của các cấp lãnh đạo cũng như niềm tin về sự thay đổi của những người đi mở đất.
Những người đầu tiên đi xây nền móng cho mảnh đất Lâm Hà bạt ngàn cà phê và phồn thịnh như ngày hôm nay giờ đều đã đi gần trọn cuộc đời. Tôi đã từng được chứng kiến những dịp gặp lại của họ, những người của một thời đi mở đất. Ngày hạnh ngộ thường không ồn ào, náo nhiệt bởi họ đều là những con người đã từng kinh qua gian khó, không thiếu những trải nghiệm.
Cảm xúc được vỡ òa trong những cái ôm xiết, trong từng giọt nước mắt, trong cả những kỷ niệm về nơi chốn ngày xưa họ từng đặt chân đến, hay đó là sự thay đổi từng ngày trên vùng quê hương mới mà họ đã phải đánh đổi bằng cả máu và nước mắt để đặt những viên gạch đầu tiên.
Người thanh niên Nguyễn Văn Ký của 30 năm về trước giờ đây mái tóc đã chuyển màu, ông đang sống hạnh phúc với con cháu ở thị trấn Nam Ban, bên những rẫy vườn cà phê xanh tốt chia sẻ: “Tôi rời quê hương Cổ Loa - Đông Anh vào đây năm 1976 cùng với rất nhiều thanh niên tiền trạm của Hà Nội đi xây dựng kinh tế mới.
Đối với tôi, đây là quãng thời gian không bao giờ quên, chúng tôi những người lính vừa mới trở về trong bom đạn đã ngay lập tức lên đường làm nhiệm vụ mới, xây dựng và phát triển quê hương. 30 năm đã trôi qua, từ những ngày “nếm mật nằm gai” chúng tôi luôn tự hào về những điều đã làm, càng hạnh phúc hơn khi chứng kiến sự phát triển của mảnh đất này”.
Bác Nguyễn Thị Yến - năm nay đã gần 70 tuổi vẫn một năm vài lần từ Gia Lâm - Hà Nội vào Gia Lâm - Lâm Hà (Lâm Đồng). Ngoài việc thăm nom con cháu ở 2 miền đất cách nhau hơn 1000 cây số, có lẽ bà còn hoài nhớ lại những kỷ niệm không bao giờ phai nhạt của một thời tuổi trẻ mà bà đã từng cống hiến. Không giống như bác Yến, bác Nguyễn Duy Phác - một trong những người trong đoàn tiền trạm, hiện đã an cư tại xã Tân Hà.
Ngoài ngôi nhà khang trang, rộng rãi ở cùng với con cháu, bác còn sở hữu vài ba mẫu cà phê cho thu nhập hàng năm vài trăm triệu đồng. Bác tâm sự: “Hơn 30 năm sau ngày đặt chân đến đây với tôi như một giấc mơ đẹp. Công sức của những người đi trước, thế hệ tiếp theo đã không ngừng gìn giữ, phát huy, cống hiến cho mảnh đất này.
Đã từng có máu của đồng đội tôi thấm xuống, cũng như biết bao mồ hôi, nước mắt của rất nhiều con người đổ xuống, mảnh đất này mới có được ngày hôm nay. Chúng tôi luôn cảm thấy hạnh phúc và mãn nguyện về một thời đi mở đất”.
Ký ức về một thời gian khổ, đạp chân trần đi mở đất. Chống chọi với sự khắc nghiệt của thời tiết, những trận sốt rét rừng và cả những trận chiến với Fulro… vẫn còn hiển hiện trong tâm thức. Nhưng dường như vẫn có một niềm vui, sự hạnh phúc lớn hơn tất cả trong họ, đó là sự trù phú và yên bình của mảnh đất Lâm Hà hôm nay.