Đám cưới diễn ra trước khi bố mẹ cô gái đồng ý 4 ngày. 4 ngày để hai người đi chụp ảnh cưới, mời bạn bè, chuẩn bị tiền bạc, cỗ bàn, rồi quần áo, giường chiếu… Kỳ lạ, ngày cưới vợ, sau bao năm gắn chặt với xe lăn, Tuấn gượng đứng dậy được.
Đó là chuyện tình của vợ chồng anh Phạm Văn Tuấn (chủ hiệu Ảnh viện áo cưới Tuấn Hello tại xóm 14, xã Phúc Thành, Yên Thành, Nghệ An).
Chàng trai tật nguyền bất ngờ đứng dậy trong ngày cưới. |
Căn bệnh quái ác dập tắt ước mơ cậu bé nghèo
Tuấn sinh ra trong một gia đình nông dân nghèo quê lúa Yên Thành. Lúc mới lọt lòng Tuấn bụ bẫm, khỏe mạnh như những đứa trẻ cùng trang lứa. Lớn lên một chút, một mình anh gánh vác việc nhà cho đến việc đồng áng vì các em còn nhỏ, bố mẹ đau yếu, nhưng vẫn học rất giỏi, là niềm hy vọng lớn của gia đình.
Nhưng bao dự định ước mơ bất ngờ bị dập tắt. Trưa một ngày mùa hè cách đây hơn 20 năm trước, tan học về, cậu bé bỗng dưng thấy nhói đau ở lưng, cứ tưởng do thay đổi thời tiết nên cũng không để ý. Mấy ngày sau cơn đau thêm nặng, khiến lưng không thể cúi xuống được, không ngồi, không ăn uống gì được.
Gia đình vay mượn, bán lúa gạo đưa con đi bệnh viện. Kiểm tra từ bệnh viện huyện, bệnh viện tỉnh rồi ra Bệnh viện Bạch Mai (Hà Nội), bác sĩ kết luận cậu bé bị viêm đa khớp cấp tính, cơ hội chữa khỏi chỉ là 1%. Thương con, gia đình vẫn để Tuấn lại tiếp tục điều trị theo dõi. Số tiền vay mượn mỗi ngày một tăng lên, của cải trong nhà đội nón ra đi, tiền vay ngân hàng rồi cũng hết sau hơn một năm điều trị mà không tiến triển gì. Gia đình đành nuốt nước mắt đưa con về quê.
Ngày đầu về nhà, cơ thể đứa bé lạnh ngắt, không ăn uống được gì. Tuấn từng hứa với bố mẹ là sẽ cố gắng học thật giỏi, rồi thi vào Đại học Y, ra trường sẽ cứu giúp những người nghèo bị bệnh, kiếm nhiều tiền để nuôi các em ăn học và chăm sóc bố mẹ lúc về già. Nay cậu bé nghị lực ấy chỉ nằm một chỗ, nếu di chyển cũng nhờ xe lăn.
Sau này, nhờ sự nỗ lực động viên của mọi người, Tuấn mới ngồi được, dù các khớp xương cột sống, xương cổ vẫn cứng. Ngồi được xe lăn, cậu lại khát khao đến trường. “Hơn một năm nghỉ học để điều trị bệnh, nhớ trường nhớ lớp, nhớ bạn bè kinh khủng, thèm được đi học lắm nhưng đành chịu. Con đường đèn sách cũng phải dừng lại từ đó. Nằm liệt giường một chỗ, không thèm ăn uống chi vì khi đó tôi tuyệt vọng hẳn rồi”, Tuấn nhớ lại.
Tuấn bàn với gia đình xin đi học nghề gì đó nhẹ nhàng một chút để sau này còn có ích, chứ không thể ăn bám mãi. Chàng trai quyết định đi học nghề chỉnh sửa ảnh cưới, photoshop tại Vinh.
Vì thương con, gia đình cắt cử người thay nhau đi theo con lên thành phố học. Trong hai tháng học nghề, Tuấn làm cho thầy dạy nghề phải ngạc nhiên về khả năng tiếp thu và những sáng tạo. Vững nghề, Tuấn mở lớp dạy học tại nhà để có thêm chi phí thuốc thang.
Cặp đôi này đã vượt bao sóng gió để đến với nhau |
Cô học trò phải lòng thầy giáo nghị lực
Lớp học nhanh chóng được mọi người biết đến, các học viên sau khi học xong đều nhanh chóng có việc làm. Tiếng lành đồn xa, có khi có cả chục người cùng đến học.
Trong những người học trò đó, có cô gái cùng quê là Cao Thị Phương (SN 1986). Ban đầu là đồng hương, Phương thường xuyên trò chuyện với thầy. Sau đó, cảm phục nghị lực phi thường của chàng trai, trái tim cô trò nhỏ thầm yêu trộm nhớ thầy khi nào không hay. Phương thường ở lại dọn dẹp, chia thuốc, lo bữa ăn cho thầy xong mới yên tâm ra về.
Tình yêu được cô gái chính thức thổ lộ. “Trước đó, cũng để ý Phương nhưng thấy thân phận mình tật nguyền nên không dám nhìn ngó đây đó. Nghe Phương nói yêu mình, lại càng khó tin hơn. Cô ấy xinh đẹp khỏe mạnh như thế, mình bệnh tật là thế”, Tuấn cười kể lại.
Chàng trai nói rõ cho cô trò nhỏ chuyện yêu người tật nguyền, sẽ được gì, mất gì. Nhưng tình yêu không tính toán thiệt hơn, hai người không nén lòng được nữa. cặp đôi từng có rào cản tưởng chừng không thể vượt qua. Đó là sự phản đối kịch liệt của gia đình Phương. Ai chấp nhận đứa con gái xinh đẹp, nết na, khỏe mạnh lại đi yêu một người đàn ông tàn tật, mỗi năm đi bệnh viện mấy lần kiểm tra. Đã có lúc bố mẹ cô gái đòi từ mặt con vì dám cãi lời.
Tuấn nhớ lại: “Hồi đó, bố mẹ vợ tôi phản đối kịch liệt lắm, có lần còn nói “Nếu cháu thương con Phương thật lòng thì cháu hãy làm cách gì đó cho nó ghét cháu đi, nếu không thì cháu là người gây họa cho cuộc đời Phương đó”. Tôi chỉ nói được câu: “Cháu không thể làm được bác ạ. Cháu biết cháu là người không lành lặn, tàn tật, nhưng cháu với Phương yêu nhau thật lòng, chúng cháu không thể sống thiếu nhau được”.
Đôi trẻ táo tợn lập kế hoạch “ăn cơm trước kẻng”, mong đặt gia đình vào “sự đã rồi”. Cô gái có bầu, vậy mà thời gian đầu gia đình vẫn không đồng ý. Phải đến khi cái thai được 3 tháng, bố mẹ cô gái mới gọi chàng trai: “Cháu về gọi bố mẹ lên đây”. “Lúc đó thực sự không có gì có thể miêu tả được cảm xúc vui mừng của mình”, Tuấn nhớ lại.
Sức mạnh kỳ diệu của tình yêu
Đám cưới diễn ra trước khi bố mẹ cô gái đồng ý bốn ngày. Bốn ngày để hai người đi chụp ảnh cưới, mời bạn bè, chuẩn bị tiền bạc, cỗ bàn, rồi quần áo, giường chiếu… Kỳ lạ thay, ngày cưới vợ cũng là lúc Tuấn gượng đứng dậy được, tuy các khớp xương vẫn cứng. Tuy nghèo, nhưng đám cưới diễn ra đầm ấm hạnh phúc. Vài mâm cơm mời bạn bè uống chén rượu hỷ, bạn bè, gia đình vây quanh, với hai người như vậy là quá đủ.
Sau đám cưới, cả hai họ đều hồi hộp hơn khi chờ ngày Phương sinh em bé, vì sợ là đứa bé không lành lặn như bố nó. Hạnh phúc đã mỉm cười, đứa bé khỏe mạnh bụ bẫm.
Để động viên và chia sẻ bớt khó khăn cho đôi vợ chồng trẻ, UBND xã đã tạo điều kiện cho anh chị mượn miếng đất để mở cửa hàng ảnh mang tên “Tuấn Hello”. Giờ hạnh phúc của Tuấn là sống bên vợ con, là nghề chụp ảnh cưới. Từ ngày vợ chồng sinh con, con cái ngoan ngoãn, ông bà ngoại đều quý con rể thêm. Tuấn cũng không hề trách giận ông bà ngoại. Có như vậy, tình yêu của hai người mới chín muồi hơn, thương nhau hơn.
Con trai đầu của Tuấn đã hơn bốn tuổi, người vợ đã lại đang bụng bầu lùm lùm. Hạnh phúc của vợ chồng anh, nghị lực của anh càng minh chứng sự kỳ diệu của tình yêu không viên thuốc nào hiệu nghiệm bằng.
Ngô Toàn