Giống nhau về hình dạng
Bà Nguyễn Thị Từng (SN 1947, mẹ của Vương, Long) cho biết: “Vợ chồng tôi có tổng cộng 10 đứa con gồm 5 trai, 5 gái. Trong đó, 6 đứa con đầu và 2 đứa con út đều lành lặn, riêng 2 đứa thứ 7 và 8 lại có dị tật bẩm sinh khác thường. Mỗi bàn tay, bàn chân của tụi nó đều có 6 ngón, tổng cộng mỗi đứa có 24 ngón tay, chân. Vậy nên ở địa phương, người ta thường gọi tụi nó là người 6 ngón”.
Theo lời kể của bà Từng, vào một buổi sáng tháng 8/1983, bà chuyển dạ và được người thân đưa đến Trạm Y tế xã Hoài Thanh để “vượt cạn”. Tuy nhiên, khi cháu bé ra đời, các y bác sĩ nơi đây hết sức ngạc nhiên khi thấy ở mỗi bàn tay, bàn chân của cháu bé đều có 6 ngón nhưng trừ ngón cái thì các ngón còn lại giống nhau như đúc, không phân biệt được ngón nào là ngón thừa.
“Sau khi sinh, các bác sĩ bảo con tôi bị dị tật, tôi hoảng hồn sợ không biết cháu có bị sao không nhưng rất may là những ngày sau đó sức khỏe của cháu vẫn bình thường. Thương cháu kém may mắn, vợ chồng tôi thay nhau chăm sóc kỹ lưỡng từng miếng ăn, giấc ngủ”, bà Từng tâm sự.
Tưởng dị tật là do số phận kém may mắn của của người con này, nào ngờ đâu trong lần trở dạ tiếp theo vào năm 1985, vợ chồng bà Từng lại đón thêm một đứa con trai dị dạng giống y hệt như Vương. Cũng từ đó, người dân địa phương đặt 2 anh em Vương, Long là “người 6 ngón”.
Hôm chúng tôi đến, 2 anh em “người 6 ngón” đang lụi cụi phơi rơm ở phía sau nhà. Đúng như lời bà Từng, đập vào mắt chúng tôi là 2 chàng trai giống nhau về chiều cao, hình thể, sự dị dạng về những ngón tay, chân. Nếu có khác thì khác đôi chút về gương mặt nhưng nhìn kỹ vẫn thấy giống nhau.
Gặp chúng tôi, 1 trong 2 người hỏi: “Anh biết ai anh, ai em không?”. Một cái lắc đầu làm hài lòng 2 anh em “người 6 ngón” và họ mỉm cười như để khẳng định câu hỏi của họ không đến nỗi ngớ ngẩn.
Cận cảnh bàn chân 6 ngón của 2 anh em “người 6 ngón”. |
Không chỉ dị tật bẩm sinh 6 ngón tay, 6 ngón chân, hai anh em này còn bị chậm phát triển trí tuệ. “Lúc nhỏ, bạn bè cùng trang lứa vui đùa, nhảy nhót chơi trò này trò kia thì 2 tụi nó lại cứ lủi thủi ở nhà. Khi đến tuổi đi học, tôi đưa chúng đến trường học nhưng khi đi làm về đã thấy 2 đứa ở nhà, tôi hỏi thì chúng bảo: “Con không đi học đâu. Anh em tụi con ở nhà làm ruộng với bố mẹ cho khỏe”. Vì thế nên bây giờ tụi nó không biết con chữ là gì”, bà Từng cho biết
...Và cả miếng ăn, giấc ngủ
Không chỉ giống nhau về dị dạng, mỗi lần đi làm việc gì, bà Từng phải để cho 2 người con làm cùng công việc họ mới chịu. “Nếu đi chơi hoặc đi làm mà bảo 1 đứa đi, còn 1 đứa ở nhà hoặc làm việc khác thì chẳng bao giờ tụi nó đi. Một lần tôi cố tình bảo thằng Vương đi cuốc đất với tôi, còn thằng Long đi phơi rơm với bố nó, thằng Vương liền bảo:
Để 2 tụi con đi cuốc đất, bố mẹ đi phơi rơm hoặc 2 tụi con đi phơi rơm, bố mẹ đi cuốc đất. Không được thì bố mẹ ở nhà, để tụi con làm xong việc này, rồi làm việc kia sau. Tôi cố tình bảo 2 đứa phải nghe lời tôi thì tụi nó khóc òa lên”, bà Từng cho biết.
Chưa dừng lại ở đó, lời nói và ý nghĩ của cả 2 cũng giống nhau. Cả hai cùng có giọng rồ rồ, khi nói chuyện khó phân biệt là tiếng của người anh hay người em. “Nếu anh Vương nói về một sự việc gì, dù đúng hay sai thì ngay tức khắc anh Long cũng đồng ý và ngược lại, anh Long nói như thế nào thì anh Vương cũng gật đầu.
Khi đi ngủ, tư thế, cử chỉ của 2 “người 6 ngón” cũng giống nhau như đúc. Anh Khánh cho biết: “Phát hiện ra điều này là vì từ nhỏ 2 anh đã ngủ chung giường, để ngủ riêng là không chịu. Nếu 1 anh nằm ngủ nghiêng, 1 tay để dưới đầu làm gối, tay kia để ngang trước bụng thì anh còn lại cũng giống tư thế đó. Giờ giấc đi ngủ cũng giống nhau, khi đi ngủ thì cả 2 cùng đi, có khi cả 2 cùng thức một lúc. Nếu buổi trưa nào không đi ngủ là cả 2 cùng thức, rồi cùng đi loanh quanh đâu đó để chơi”.
Bà Từng kể về dị tật của 2 con. |
Không những thế, việc ăn uống hàng ngày cũng giống nhau đến từng hương vị, từng chén cơm, miếng cá. “Đôi mắt của 2 đứa con tôi lờ đờ không nhìn rõ, chúng nó quét nhà thì chỗ được chỗ mất nên chẳng làm gì được nhiều. Vì thế nên khi ăn cơm, tụi nó phải ăn bằng tô, tôi xới cho mỗi đứa một tô, rồi bỏ thức ăn cho tụi nó ngồi xúc ăn.
Có điều là tôi phải bỏ đồ ăn giống nhau, ngửi trong tô mà thấy hương vị khác với tô kia là tụi nó không ăn. Tụi nó ăn một lúc thì khi hết cũng cùng một lúc, tôi không hiểu tại sao tụi nó lại giống đến thế nữa. Điều đặc biệt là tụi nó không bao giờ ăn thịt bò, thịt heo, hàng ngày chỉ ăn cá và rau thôi”, bà Từng cho biết.
Đi tìm nguyên nhân
Khi được hỏi về 2 bên nội ngoại có trường hợp nào bị dị tật tương tự như hai người con của mình không thì bà Từng khẳng định là không. Tuy nhiên, bà Từng cũng cho biết, vào năm 1964 bà tham gia đào hầm cho bộ đội ở địa phương nhưng một lần không may bị địch phát hiện và bắn về phía bà 19 phát đạn. Khi đến phát thứ 19 thì trúng vào đùi trái của bà làm bị thương nặng và từ đó không còn tham gia đào hầm nữa.
Sau khi sinh ra 2 người con bị dị tật, gia đình có đưa bà và Vương, Long đi khám bác sĩ thì được lý giải, rất có khả năng bà bị ảnh hưởng của chất độc màu da cam rồi di truyền sang hai con. Thế nhưng việc những người con khác không bị di truyền từ bà thì không lý giải được.
Về sự việc này, bác sĩ Phạm Gia Cát (nguyên Giám đốc Bệnh viện Đa khoa khu vực Bồng Sơn, huyện Hoài Nhơn, tỉnh Bình Định) cho biết: “Thừa ngón tay, ngón chân không phải là hiếm, nhưng trường hợp của 2 anh em Vương và Long là rất hiếm thấy, cần phải tìm hiểu, nghiên cứu. Tuy nhiên, cần phải hiểu đây là dị tật thừa ngón chứ không phải bệnh tật gì, nó hoàn toàn không ảnh hưởng đến sức khoẻ cũng như sự phát triển của cơ thể”.
Cũng theo bác sĩ Cát, dị tật thừa ngón là một dị tật bẩm sinh của con người. Ngón thừa thường là một mô nhỏ, phần lớn có xương mà không có khớp, hiếm khi hoàn thiện đầy đủ chức năng của một ngón. Ngón thừa phần lớn nằm về phía gần xương cẳng tay, hiếm khi ở về phía xương quay (ngón cái) và cực kỳ hiếm gặp nó nằm ở giữa. Ngón thừa thường tạo thành một cái chạc với ngón đã có và hiếm khi bắt nguồn từ cổ tay như các ngón thông thường.
“Việc thị lực yếu kém, kém phát triển về trí tuệ, ngơ ngơ ngác ngác của 2 anh em Vương, Long là do bệnh riêng biệt, gia đình cần đưa con em đi bệnh viện thăm khám và có hướng điều trị. Còn về sự giống nhau đến từng chi tiết nhỏ trong sinh hoạt hàng ngày cũng như ăn uống thì khó có thể lý giải được”, bác sĩ Cát cho biết thêm.