Những người đàn ông muốn làm lễ phải “dọn mình” thật sạch sẽ trước khi bước vào vòng “tắm than”. Họ sẽ bất chấp lao mình vào đống lửa, dùng than nóng để “tắm”, gột rửa hết những “nhơ bẩn” của cuộc sống trần tục để tiếp xúc với thế giới tâm linh. Được biết, để thành một thầy mo của người Dao đỏ cần qua 3 lễ Pút tồng.
Nghi lễ truyền thống linh thiêng
Theo tiếng Dao đỏ, “Pút tồng” có nghĩa là một điệu nhảy xuất thần, thể hiện sự hòa quyện giữa cõi dương và âm trong tiếng kèn pí lè và tiếng trống âm vang với mục đích đón tổ tiên, thần linh dành cho những người muốn làm thầy mo. Sau ba lần làm lễ Pút tồng (hay còn gọi là lễ “tắm than”) nhân vật đó sẽ được các thầy mo truyền nghề.
Người Dao đỏ tổ chức Pút tồng vào ngày đầu năm mới theo Âm lịch. Công việc chọn ngày do trưởng họ quyết định và thường tránh các ngày kiêng kỵ của dòng họ. Địa điểm tổ chức nghi lễ thường là gia đình trưởng họ của các dòng họ người Dao đỏ. Đây là nghi lễ quan trọng nhất trong tín ngưỡng thờ cúng tổ tiên người Dao đỏ, nên việc chuẩn bị luôn được thực hiện trước khi tổ chức khá lâu, chu đáo và nghiêm túc. Trưởng tộc đứng ra lo liệu chính, cả về lễ vật và đạo cụ. Lễ vật dâng cúng chính gồm có gà, rượu, gạo, bánh trái,… Đồ nghi lễ gồm có tranh thờ, kiếm bùa, trang phục thầy cúng, cờ, binh khí,…
Vì là nghi lễ quan trọng nhất trong tín ngưỡng thờ cúng tổ tiên người Dao đỏ nên việc chuẩn bị luôn được thực hiện trước khi tổ chức khá lâu, chu đáo và nghiêm túc. Trưởng tộc đứng ra lo liệu chính, cả về lễ vật và đạo cụ. Lễ vật dâng cúng chính gồm có gà, rượu, gạo, bánh trái. Đồ nghi lễ gồm có tranh thờ, kiếm bùa, trang phục thầy cúng, cờ, binh khí”.
Theo một vị cao niên làm nghề thầy cúng ở xã Phìn Ngan (huyện Bát Xát, tỉnh Lào Cai), nguồn gốc của nghi lễ Pút tồng gắn với một số truyền thuyết về cuộc di cư của người Dao. Trong chuyến di cư vượt biển sang Việt Nam tìm đường sống của 12 họ thuộc tộc người Dao, sau nhiều tháng lênh đênh trên biển mà chẳng tới bờ, bất ngờ đoàn thuyền của các họ Dao gặp bão, sóng to, gió lớn như muốn nhấn chìm thuyền, tính mạng bị đe dọa.
Trong cơn nguy cấp, các họ Dao chắp tay khấn cầu, xin Bàn Vương và tổ tiên giúp đỡ họ vượt qua cơn hoạn nạn, vào đến đất liền an toàn và hứa sẽ làm lễ tạ ơn. Không ngờ, lời cầu nguyện linh ứng, tất cả họ đều thoát nạn. Từ đó trở đi, các dòng họ người Dao ai cũng tổ chức nghi lễ Pút tồng một lần trong đời để thể hiện lòng biết ơn đối với tổ tiên Bàn Vương đã cứu mạng. Riêng người muốn theo nghề thầy cúng phải làm ba lần mới được truyền nghề, mục đích để có khả năng giao tiếp với tổ tiên nhằm xin phù hộ, che chở cho người thân, con cháu.
Ông Lý Pá Sinh (60 tuổi, một thầy mo ở huyện Bát Xát, Lào Cai) cho hay: “Lễ Pút tồng gồm tất cả 11 bước, điều đặc biệt là họ dùng các động tác nhảy múa để thay cho các phần nghi lễ cúng bái. Thầy cúng, thầy nhảy là người đặt ra những quy tắc bí mật để bảo vệ vai trò độc tôn của nam giới trong buổi nghi lễ”.
Cũng theo ông Sinh, trong nghi lễ Pút tồng thì âm nhạc và ngôn từ cũng là thành tố nghệ thuật rất quan trọng. Trong đó, nhạc cụ được sử dụng gồm có trống, thanh la, não bạt. Khác với các nghi lễ khác, âm nhạc trong lễ Pút tồng không có nguyên tắc, luật lệ bắt buộc phải tuân theo, nhịp phách trong nhạc cụ cũng không có bài bản mà thể hiện theo trạng thái cảm xúc nhanh, chậm bất thường khác nhau. Một phần cũng không kém quan trọng đó là ngôn từ sử dụng trong Pút tồng được thầy cúng đọc xì xầm cửa miệng và những tiếng hô to của người nhảy, làm cho không khí càng thêm sôi động.
Nghi lễ gột rửa bụi trần
Nghi lễ Pút tồng có màn nhảy lửa, tắm than cũng khá giống với dân tộc Pà Thẻn ở vùng Tây Bắc, được tổ chức chu đáo tỉ mỉ ở một khoảng sân rộng. Trước khi bắt đầu thầy cúng chuẩn bị đồ lễ rồi xin phép tổ tiên, thần linh được tổ chức nhảy lửa. Nếu như dân tộc Pà Thẻn tổ chức nhảy lửa dành cho cả dân làng như một trò chơi, thì người Dao đỏ ở huyện Nguyên Bình (Cao Bằng) lại tổ chức nhảy lửa, “tắm than” chỉ dành cho nam giới làm lễ Pút tồng và các thầy mo, thầy cúng như một tập tục, nghi thức bắt buộc. Hơn nữa, với người Pà Thẻn thì đã làm thầy cúng thì phải kiêng không nhảy vào đống lửa mà chỉ được phép truyền bí quyết cho trò và gõ đàn cho trò nhảy, còn với người Dao đỏ thì thầy cúng là nhân vật quan trọng nhất trong nghi thức nhảy lửa trong lễ Pút tồng.
Ông Lý Phủ Dùng (53 tuổi, ở xã Thành Công, huyện Nguyên Bình (Cao Bằng) chia sẻ: “Trước khi làm Pút tồng thì gia đình phải chuẩn bị nước thơm nhằm tẩy uế để bước vào làm lễ. Nước thơm gồm một chậu nước nóng, lá bưởi và một nắm hạt vừng bỏ vào trong chậu. Trong suốt thời gian làm lễ Pút tồng, người học trò phải ngồi bên cạnh thầy mo để lấy que gõ liên tục vào chiếc đàn cho đến khi thần linh đồng ý cho nhảy lửa. Đợi cho đến khi ngọn lửa tắt lửa, chỉ còn một đống than đỏ rực thì cơ thể của những người tham gia nhảy lửa bắt đầu rung lên bần bật. Đây gọi là thời điểm báo hiệu rằng họ sắp có sức mạnh, sắp có sự dũng cảm để nhảy vào đống than đỏ hồng đang bốc nhiệt.
Lúc này có một thầy mo làm nhiệm vụ chỉ dẫn, dẫn đầu trong màn nhảy lửa, đồng thời tay cầm thanh tre gõ để thôi thúc tinh thần, dũng khí của học trò khi nhảy lửa. Khi bước chân vào giữa đống than, thầy mo và người học trò không còn biết cảm giác sợ là gì, như có một nguồn năng lượng nào đó đưa bước chân của họ lao vào giữa đám than đang cháy rừng rực. Họ như trong cơn điên dại nhảy múa với đôi chân trần trong đống lửa mà không hề có cảm giác bỏng rát hay sợ hãi. Khi nhảy vào than lửa, nhân vật làm lễ Pút tồng đã tâm niệm sẽ không vướng bận đến bụi trần, dùng than đỏ để xua đuổi, gột rửa nó đi ra khỏi người”.
Lễ “tắm than” của người Dao đỏ chỉ kéo dài khoảng 30 phút nhưng đây lại là phần quan trọng nhất trong nghi lễ Pút tồng. Khi lửa đã tàn, than đã nguội, thầy mo làm lễ thu quân về và tiễn thần linh và các con ma về chốn cũ. Cả ông thầy và những người học trò tham gia lễ “tắm than” lại trở về trạng thái bình thường. Xong phần nhảy lửa, thầy mo báo cáo với tổ tiên để nói cảm ơn, đồng thời tuyên bố với thần linh, dòng họ và dân làng rằng, từ nay nhân vật được tổ chức lễ Pút tồng sẽ chính thức đi theo hành nghề thầy mo, được truyền dạy phù phép, khả năng giao tiếp với thần linh và con ma.
Từ đời này qua đời khác, nghi lễ Pút tồng đã trở thành tục lệ không thể thiếu trong đời sống tín ngưỡng của đồng bào dân tộc Dao đỏ ở vùng rẻo cao các tỉnh miền miền núi phía Bắc. Mặc dù mang nhiều màu sắc tâm linh và huyền bí, nhưng tục Pút tồng truyền thống của dân tộc Dao đỏ là minh chứng cho sức mạnh, khả năng chế ngự, khuất phục thiên nhiên để sinh tồn và phát triển của con người. Đây không chỉ là tập tục có ý nghĩa gắn kết dòng họ, cộng đồng mà còn bảo lưu được rất nhiều giá trị văn hóa truyền thống từ đời này qua đời khác.