Một sào đất cấp hàng chục sổ đỏ!
Trình bày với PV Báo PLVN, anh Nguyễn Việt Thanh (47 tuổi), trú tại xã Hòa Bình, TP Kon Tum cho biết gia đình mình chỉ có 2,5 sào ruộng nhưng có tới 17 sổ đỏ. “Năm 2013, khi Nhà nước có chủ trương cấp giấy chứng nhận quyền sử dụng đất (gọi tắt là sổ đỏ), gia đình tôi cũng rất phấn khởi, tiến hành kê khai, đăng ký làm sổ đỏ cho khoảng 2,5 sào ruộng tại thôn Trà Lét. Đơn vị đo đạc, tiếp nhận đăng ký là Cty TNHH MTV Địa chính Bình Nguyên. Đến khi nhận, thay vì chỉ có một sổ đỏ cho cả thửa đất thì tôi bất ngờ nhận tới 17 sổ bìa đỏ, sổ nhiều nhất chỉ khoảng 200m2, còn sổ ít nhất chỉ vỏn vẹn 32,7m2”.
Tại xã Hòa Bình (TP Kon Tum) có hàng chục hộ chỉ có vài sào ruộng nhưng lại được cấp hàng chục sổ đỏ. Đơn cử như hộ anh A Bưnh (38 tuổi), trú tại thôn Kép Ram có tới vài chục sổ đỏ; hộ ông Lê Văn Y (thôn 2) có 23 sổ đỏ; hộ anh A Nglưnh có 10 sổ đỏ...
“Trước đây khi họp HĐND xã, người dân đã nêu ý kiến là Cty Bình Nguyên (Cty TNHH MTV Địa chính Bình Nguyên-PV) làm như vậy sẽ không hợp lý và kiến nghị phải dồn lại sổ đỏ cho dân để ổn định sản xuất”, anh Nglưnh – Chủ tịch HĐND xã Hòa Bình cho biết.
Không những thế, nhiều sổ đỏ thông tin còn bị sai lệch. Sổ đỏ nhà anh A Giáo (Trưởng thôn Kép Ram) ghi sai số chứng minh nhân dân; sổ nhà anh A Nglưnh khi gom các sổ đỏ lại và cộng dồn thì lại thiếu hơn 1 sào đất ruộng; thậm chí có hộ sổ đỏ ghi sai cả tên chủ hộ đất.
Trao đổi với PV Báo PLVN, ông Phạm Phước (Chủ tịch UBND xã Hòa Bình) cho biết: “Việc chia nhỏ đất thành nhiều bìa sẽ rất khó khăn trong việc quản lý của địa phương. Bên cạnh đó, người dân sẽ rất khó khăn khi vay vốn ngân hàng. Chúng tôi kiến nghị cấp trên xem xét để hợp thửa cho bà con sớm ổn định sản xuất”.
Phải chăng cán bộ “non kinh nghiệm”?
Theo tìm hiểu của PV Báo PLVN, năm 2013, Sở TN&MT tỉnh Kon Tum đã kí kết hợp đồng với Cty TNHH MTV Địa chính Bình Nguyên tiến hành đo đạc, đăng kí và cấp sổ đỏ trên địa bàn 6 xã và 2 phường (TP Kon Tum). Tuy nhiên, không hiểu Cty TNHH MTV Địa chính Bình Nguyên hướng dẫn người dân đăng kí như thế nào mà khi đo đạc lại chia một thửa đất thành nhiều sổ đỏ.
Về vấn đề này, ngày 28/9, Sở TN&MT đã có Văn bản số 1371 gửi UBND các huyện, TP trên địa bàn. Theo đó, Sở phối hợp với UBND TP Kon Tum kiểm tra, xác minh và đã báo cáo UBND tỉnh nội dung một mảnh đất sở hữu hàng chục sổ đỏ là có thật. Qua kiểm tra rà soát thì không chỉ riêng xã Hòa Bình (TP Kon Tum) đối với đất sản xuất nông nghiệp (lúa nước) cấp giấy chứng nhận theo hiện trạng đến từng thửa đất mà được thực hiện hầu khắp trên địa bàn các huyện, thành phố theo thiết kế kĩ thuật-dự toán thuộc Dự án Tổng thể xây dựng hệ thống hồ sơ địa chính và cơ sở dữ liệu về đất đai; quản lý theo dõi chính lý biến động, tra cứu thông tin đến từng thửa đất. Tuy nhiên, đối với người SDĐ thì gặp khó khăn trong việc bảo quản và giao dịch khi thế chấp quyền SDĐ.
Cũng nhằm tháo gỡ khó khăn của hàng chục hộ dân khi sở hữu hàng chục sổ đỏ trên một thửa ruộng, Sở TN&MT đề nghị UBND các huyện, TP chỉ đạo UBND cấp xã, phường, thị trấn đẩy mạnh công tác tuyên truyền. Đồng thời, thông báo đến người dân đang sử dụng nhiều thửa đất nông nghiệp tại cùng một xã, phường, thị trấn mà có yêu cầu cấp một sổ đỏ thì liên hệ với UBND cấp xã hoặc trực tiếp tại Chi nhánh Văn phòng Đăng kí đất đai cấp huyện để tham mưu cấp lại sổ theo quy định.
Rõ ràng việc cấp hàng chục sổ đỏ trên cùng một thửa đất ruộng chỉ vỏn vẹn vài sào đã khiến công tác quản lý của chính quyền địa phương gặp không ít khó khăn. Bên cạnh đó, dư luận cũng bức xúc khi không thể ổn định sản xuất và hoài nghi về năng lực trình độ của Cty TNHH MTV Địa chính Bình Nguyên.
Báo PLVN sẽ tiếp tục thông tin khi có diễn biến mới.