Đất được múc từ bãi rác xã Đăk Kan để vận chuyển đi nơi khác. |
Thời gian qua, Báo Pháp luật Việt Nam nhận được thông tin của người dân sống trên địa bàn huyện Ngọc Hồi phản ánh về tình trạng xe ben ngày đêm chở “đất lậu” lưu thông trên đường Hồ Chí Minh để san lấp nền tại dự án đường tránh của huyện Ngọc Hồi.
Các xe ben chở đất chạy tốc độ nhanh. Nhiều xe không che bạt khiến đất rơi vãi trên đường, gây nguy hiểm cho người dân tham gia giao thông.
Anh T.V.N, một người dân sống tại xã Đăk Kan cho biết, việc khai thác đất, vận chuyển đất từ trong khu vực dự án bãi rác của huyện diễn ra trong thời gian gần đây, làm ảnh hưởng đi lại của người dân, gây hư hỏng đường sá. Tuyến đường đi lại của người dân vào khu vực làm sản xuất xuống cấp nghiêm trọng. Những xe chở đất đi trên đoạn đường này làm rơi vãi xuống đường, che chắn sơ sài, gây khói, bụi bay mù mịt.
Xe chở đất đến công trình dự án tuyến đường trung tâm thị trấn Plei Kần. |
Những chiếc xe chở đất qua mặt lực lượng CSGT tuần tra. |
Theo ghi nhận của phóng viên (PV), trên trục đường Hồ Chí Minh đoạn qua địa bàn thị trấn Plei Kần, những xe tải chở đất chạy theo hướng Đăk Tô – Ngọc Hồi.
PV theo dõi một xe tải BKS 82- 151.60 mang logo “SINOTRUK Việt Nam”, bất chợt rẽ phải vào hướng Bến xe huyện Ngọc Hồi. Tiếp chở đầy đất chạy trên đường Hồ Chí Minh theo hướng Ngọc Hồi. Chiếc xe này lại rẽ trái vào con đường đất khoảng 300m thì bắt đầu đổ đất để san lấp mặt bằng. Tiếp đó, 2 chiếc xe ben khác cũng chở đất vào đổ tại dự án này.
Xe ben chở đất đổ tại dự án tuyến đường Trung tâm thị trấn Plei Kần. |
Một người đàn ông tên Trường tiếp cận với PV và giới thiệu là người của Công ty TNHH MTV Bảo Trân. Ông Trường cho biết, đây là Dự án đường trung tâm phía Nam thị trấn Plei Kần, có tổng kinh phí đầu tư 77 tỷ đồng, do Công ty TNHH MTV Bảo Trân liên danh với 1 đơn vị khác để thi công. Những xe này chở đất về san lấp mặt bằng thuộc gói thầu của công ty đang thi công.
PV đặt vấn đề rằng đất này được chở từ đâu. Ông Trường cho hay: “Vấn đề thiết kế mỏ đất thì huyện không thiết kế được. Bây giờ để có đất thực hiện dự án, chúng tôi phải đi mua đất từ chỗ khác chở về, chỗ nào bán thì chúng tôi mua. Không có đất thì chúng tôi chở đất thải từ dự án khác về đây đắp”.
Để tìm hiểu nguồn đất mà Công ty TNHH MTV Bảo Trân lấy từ đâu và có được cơ quan chức năng cấp phép hay không, PV theo những chiếc xe tải vừa đổ đất từ dự án. PV phát hiện vị trí múc đất nằm tại khu vực xã Đăk Kan, huyện Ngọc Hồi. Khu vực này nằm trong dự án Khu liên hiệp xử lý chất thải rắn liên hợp, do Ban quản lý dự án đầu tư xây dựng huyện Ngọc Hồi làm chủ đầu tư. Đơn vị thi công là Công ty TNHH MTV Bảo Trân Kon Tum (địa chỉ tại Thôn 1, thị trấn Sa Thầy, huyện Sa Thầy, Kon Tum).
Hiện trường cho thấy có 1 chiếc máy múc đang hoạt động liên tục để đưa đất lên các xe tải mang BKS: 82C- 5403, 82C - 060.92, 82C -062.33. Đầu xe 1 số xe có dòng chữ “SINOTRUK Việt Nam”.
PV đã liên hệ với ông Lê Thế Hà, Quyền Giám đốc Ban quản lý dự án xây dựng huyện Ngọc Hồi để đăng ký làm việc liên quan đến Công ty Bảo Trân khai thác đất san lấp mặt bằng. Tuy nhiên, ông Hà báo bận họp và liên hệ lại sau.
Ông Trần Văn Nhứt, Trưởng phòng Tài nguyên Môi trường huyện Ngọc Hồi cho biết, khu đất mà người dân phản ánh tại xã Đăk Kan thuộc dự án bãi rác của huyện Ngọc Hồi.
“Lượng đất tại khu vực dự án này chỉ được san lấp sử dụng trong khu vực của dự án đã có hồ sơ thiết kế. Nếu có dư thừa thì sẽ đem đổ tới các điểm quy hoạch bãi thải có sẵn của huyện. Không được vận chuyển hay sử dụng đất tới các dự án khác”, ông Nhứt cho biết thêm.
Ngày 1/4/2022, Sở Tài nguyên và Môi trường (TN và MT) tỉnh Kon Tum cho biết, Sở đã đề nghị UBND tỉnh chỉ đạo UBND huyện Ngọc Hồi tổ chức kiểm tra, làm rõ việc khai thác, vận chuyển đất san lấp trái phép diễn ra trên địa bàn huyện.
Sở TN và MT tỉnh Kon Tum còn nhận định rằng, công tác quản lý, bảo vệ tài nguyên khoáng sản của UBND huyện Ngọc Hồi còn thiếu chặt chẽ, chưa kịp thời, gây bức xúc cho người dân trên địa bàn dẫn đến việc phản ánh, kiến nghị nhiều lần.
Việc tăng cường công tác quản lý, bảo vệ tài nguyên khoáng sản tại huyện Ngọc Hồi là vấn đề cấp bách. Các cơ quan chức năng, sở ngành liên quan cần kiểm tra, xử lý các vi phạm nếu có. Bởi vì, việc khai thác tài nguyên khoáng sản trái phép sẽ làm cạn kiệt tài nguyên, thất thu ngân sách nhà nước.