Bộ Giao thông Vận tải (Bộ GTVT) vừa có văn bản yêu cầu Tổng cục Đường bộ Việt Nam có giải pháp tạm thời tham mưu cho lãnh đạo Bộ để quản lý, bảo trì các tuyến đường đầu tư theo hình thức BOT trong thời gian dừng thu phí đến khi hoàn tất thủ tục xác lập quyền sở hữu toàn dân về tài sản.
Cụ thể, Bộ GTVT yêu cầu Tổng cục Đường bộ Việt Nam nghiên cứu kỹ quy định, quy trình của pháp luật về tiếp nhận và thủ tục xác lập quyền sở hữu toàn dân về tài sản, tổ chức tiếp nhận đúng quy định pháp luật; hoàn tất thủ tục cần thiết, xây dựng phương án xử lý tài sản trình Bộ phê duyệt. Chi phí cho công tác này thực hiện theo quy định của Nghị định số 29/2018 của Chính phủ và các quy định pháp luật có liên quan.
Theo lãnh đạo Bộ GTVT, Thủ tướng Chính phủ đã giao Bộ Tài chính xem xét, hướng dẫn Bộ GTVT thực hiện việc tiếp nhận, quản lý, bố trí kinh phí bảo quản, bảo trì các công trình thuộc dự án BOT đến khi hoàn tất thủ tục xác lập quyền sở hữu toàn dân về tài sản, bảo đảm an toàn trong khai thác, vận hành công trình và theo quy định của pháp luật. Hiện, Bộ Tài chính đang triển khai thực hiện chỉ đạo của Thủ tướng Chính phủ.
Trước đó, theo thống kê của Tổng cục Đường bộ Việt Nam, hiện có 9 dự án BOT đang tạm dừng thu phí là những dự án sắp kết thúc hợp đồng. Trong số này, có 4 dự án nhà đầu tư dừng không thực hiện bảo trì là dự án Quốc lộ 2 đoạn Nội Bài-Vĩnh Yên, Quốc lộ 1 đoạn tránh Hà Tĩnh, Quốc lộ 1K đoạn Km2+478-Km12+971 và Quốc lộ 1 đoạn tránh Cai Lậy.
Có 2 dự án nhà đầu tư bảo trì cầm chừng không đạt chất lượng là dự án Quốc lộ 1 đoạn tránh thành phố Thanh Hóa và Quốc lộ 91 đoạn Km14-Km 50+889. Có 3 dự án nhà đầu tư vẫn tiếp tục bảo trì là dự án xây dựng cầu Đồng Nai, Quốc lộ 20 đoạn qua các thị trấn và Quốc lộ 1 đoạn Hòa Cầm-Hòa Phước và Tứ Câu-Vĩnh Điện.
Trong thời gian vừa qua, để đảm bảo an toàn vận hành khai thác, duy trì chất lượng bảo trì trong giai đoạn chuyển giao công trình của dự án thực hiện theo hình thức Hợp đồng BOT, đặc biệt trong thời gian tạm dừng thu phí để thực hiện công tác quyết toán, bàn giao tài sản, Tổng cục Đường bộ Việt Nam đã yêu cầu Cục quản lý đường bộ, nhà đầu tư tăng cường kiểm tra, thực hiện công tác quản lý, khai thác và bảo trì công trình đường bộ để bảo đảm giao thông an toàn và thông suốt; tránh trường hợp chậm trễ khắc phục các tồn tại (vá ổ gà, vệ sinh mặt đường, chiếu sáng cảnh báo trong phạm vi trạm thu phí...) gây mất an toàn giao thông.
Tuy nhiên, một số nhà đầu tư (Quốc lộ 1K, cầu Đồng Nai…) vẫn có đề nghị chấm dứt thực hiện công tác bảo trì công trình do trong phương án tài chính chưa có quy định về chi phí quản lý, bảo trì công trình sau khi dừng thu phí.
Để bảo đảm giao thông an toàn, liên tục và êm thuận (Điều 4 Luật Giao thông đường bộ), Tổng cục Đường bộ Việt Nam đề nghị Bộ GTVT giao cho Tổng cục tiếp nhận bảo quản tài sản trong thời gian chờ xử lý, chuyển giao dự án khi nhà đầu tư/doanh nghiệp dự án từ chối (không đủ khả năng, bất khả kháng). Trong đó, chi phí bảo quản tài sản chỉ bao gồm công tác quản lý, bảo dưỡng thường xuyên; sửa chữa đột xuất (nếu có) và không bao gồm công tác sửa chữa định kỳ.