Đây là thông điệp quan trọng nhất được lãnh đạo ASEAN và giới nghiên cứu gửi tới cộng đồng doanh nghiệp trong phiên khai mạc diễn đàn kinh tế lớn nhất của khu vực trong năm 2010.
Với những phát biểu này, lãnh đạo ASEAN đã phát đi một thông điệp mạnh mẽ cũng như kỳ vọng vào những đóng góp của khu vực tư nhân trong việc thực hiện mục tiêu phát triển chung của toàn khu vực. Đây cũng là một trong những nội dung chính sẽ được thảo luận tại ASEAN-BIS 2010.
Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng phát biểu tại Hội nghị. Ảnh: NM |
Được đánh giá là một trong những hội nghị lớn nhất trong 7 lần tổ chức ASEAN-BIS, sự kiện diễn ra trong 2 ngày 27-28/10 tại Hà Nội sẽ có sự góp mặt đầy đủ của đại diện 10 nền kinh tế trong khu vực cũng như 7 đối tác lớn của ASEAN là Australia, New Zealand, Trung Quốc, Ấn Độ, Nhật, Hàn Quốc và Nga. Bên cạnh đó là sự tham gia của 500 doanh nghiệp trong và ngoài nước.
Theo dự kiến của ban tổ chức, nội dung chính của hội nghị lần này sẽ tập trung chủ yếu vào việc thúc đẩy hoạt động đầu tư giữa ASEAN và các đối tác, tăng cường giao dịch thương mại nội khối và phát triển khu vực kinh tế tư nhân. Hội nghị sẽ làm việc trong khuôn khổ 3 diễn đàn chính là Cộng đồng kinh tế ASEAN và quốc tế, Khả năng cạnh tranh của ASEAN và Động cơ tăng trưởng của ASEAN.
Bên cạnh đó, các nền kinh tế ASEAN cũng sẽ tiến hành đối thoại riêng với các đối tác lớn để tăng cường hoạt động đầu tư trong tương lai. Ban tổ chức cũng sẽ tiến hành trao giải thưởng Doanh nghiệp ASEAN (ABA) lần thứ ba. Giải thưởng này sẽ được trao cho 8 doanh nghiệp (4 tập đoàn lớn và 4 đại diện của khu vực kinh tế vừa và nhỏ).
Phát biểu trong lễ khai mạc, Thủ tướng Việt Nam Nguyễn Tấn Dũng khẳng định vai trò quan trọng của diễn đàn ASEAN-BIS, coi đây là cơ hội tốt để thúc đẩy hoạt động thương mại và đầu tư trong cộng động ASEAN, đặc biệt trong bối cảnh các thành viên đang nỗ lực tối đa để phục hồi kinh tế sau khủng hoảng.
Ngay sau phiên khai mạc, Hội nghị đã bước vào thảo luận chủ đề đầu tiên: Cộng đồng kinh tế ASEAN và quốc tế. Tại diễn đàn này, các diễn giả sẽ tranh luận xung quanh những cơ hội và thách thức đối với các nền kinh tế cũng như doanh nghiệp, đặc biệt là việc thúc đẩy thương mại và đầu tư nội khối (hiện chỉ lần lượt chiếm 25% và 12% tổng giá trị thương mại và đầu tư của ASEAN).
Tron phiên buổi chiều, Hội nghị đã tập trung thảo luận xung quanh vấn đề năng lực cạnh tranh của các nền kinh tế tư nhân, đặc biệt là việc đẩy mạnh giá trị xuất khẩu tại khu vực dịch vụ. Theo số liệu được các chuyên gia tại hội nghị cung cấp, đây là một lĩnh vực đầy tiềm năng đối với các doanh nghiệp ASEAN nhưng hiện chỉ chiếm khoảng 15% tổng giá trị xuất khẩu toàn khối.