Năm 2021 là năm đầu tiên triển khai thực hiện kế hoạch phát triển KT-XH 5 năm (2021-2025), do đó ngay từ đầu năm, UBND tỉnh Thừa Thiên Huế đã ban hành hàng loạt chỉ thị, kế hoạch, chương trình trọng điểm và đôn đốc triển khai thực hiện các nhiệm vụ phát triển KT-XH, đạt được những kết quả quan trọng.
Theo Chủ tịch UBND tỉnh Thừa Thiên Huế Nguyễn Văn Phương, với sự chỉ đạo quyết liệt và quyết tâm cao của Đảng bộ, chính quyền, sự chung sức, đồng lòng của doanh nghiệp và các tầng lớp Nhân dân đã giúp tỉnh đạt được những thành tựu trong tăng trưởng kinh tế, thu ngân sách và đặc biệt là xuất, nhập khẩu đạt mức kỷ lục từ trước đến nay, hoàn thành những mục tiêu phát triển KT-XH và Nghị quyết Đảng bộ đề ra.
Cụ thể, có 9/13 chỉ tiêu chủ yếu đạt kế hoạch đề ra. Tốc độ tăng trưởng kinh tế (GRDP) đạt 4,36%, cao gấp đôi tốc độ trung bình của cả nước; thu ngân sách lần đầu tiên đạt gần 11.000 tỷ đồng, vượt 80% dự toán. Tổng vốn đầu tư toàn xã hội đạt hơn 25.500 tỷ đồng, tăng 4,5% so cùng kỳ. Kim ngạch xuất nhập khẩu đạt 1,87 tỷ USD, tăng 30% so với năm 2020 (1,45 tỷ USD), riêng xuất khẩu vượt mốc 1 tỷ USD, tăng 13% so với năm 2020 (950 triệu USD).
Trong năm 2022, Thừa Thiên Huế phấn đấu tốc độ tăng trưởng GRDP là 6,5 - 7,5% so với năm 2021. |
Công nghiệp - xây dựng tăng 7,74%, trong đó công nghiệp ước đạt 8,42%. Nông - lâm - ngư nghiệp tăng 3,62%. Thị xã Hương Thủy được công nhận hoàn thành nhiệm vụ xây dựng nông thôn mới. Có 4 xã đạt chuẩn nông thôn mới, nâng toàn tỉnh có 63/94 xã đạt chuẩn.
Trong xúc tiến đầu tư đã cấp phép cho 25 dự án cấp mới với tổng vốn đầu tư 12.500 tỷ đồng. Một số nhà đầu tư lớn khác đang nghiên cứu đầu tư vào địa bàn tỉnh như CTCP Hàng hải Vsico, CTCP Tập đoàn FLC, Công ty CP Western Pacific... Đặc biệt, mới đây, tỉnh ký kết Bản ghi nhớ với Công ty TNHH AEONMALL Việt Nam, thực hiện dự án đầu tư Trung tâm thương mại AEON MALL tại Thừa Thiên Huế.
Đặc biệt, tỉnh đang triển khai điều chỉnh mở rộng địa giới hành chính TP. Huế theo Nghị quyết 1264 của Ủy ban Thường vụ Quốc hội. Quốc hội đã thông qua Nghị quyết số 38/2021/QH15 về thí điểm một số cơ chế, chính sách đặc thù phát triển tỉnh Thừa Thiên Huế. Các cơ chế, chính sách này đều tập trung vào việc tạo thêm cho Thừa Thiên Huế có điều kiện phát huy tính tự lực, tự cường để tạo ra nguồn lực nhằm thực hiện thành công Nghị quyết 54. Đồng thời khẳng định sự quyết tâm của Trung ương trong việc tạo những điều kiện thuận lợi nhất cho Thừa Thiên Huế phát triển; đánh dấu một bước ngoặt quan trọng đối với Đảng bộ, chính quyền tỉnh trong việc nỗ lực tối đa để vượt qua thử thách, khó khăn, chớp lấy cơ hội để đưa toàn tỉnh phát triển đột phá lên tầm cao mới.
Ngoài ra, các hoạt động văn hóa, xã hội được tổ chức theo hình thức phù hợp với tình hình dịch bệnh, nhất là tăng cường các hoạt động trực tuyến. Tỉnh đã triển khai nhiệm vụ năm học 2021 - 2022, chủ động các kịch bản để tổ chức dạy và học đảm bảo an toàn dịch bệnh; tổ chức thành công kỳ thi tốt nghiệp THPT quốc gia; đến nay, toàn tỉnh hiện có 378 trường đạt chuẩn quốc gia, đạt tỷ lệ 66,32%. Đã ưu tiên nguồn lực cho công tác phòng, chống và kiểm soát tình hình dịch COVID-19; công tác khám chữa bệnh và chăm sóc sức khoẻ ban đầu cho người dân cơ bản thực hiện tốt.
Đồng thời tỉnh cũng chú trọng đến công tác an sinh xã hội, đảm bảo các chính sách lớn của Đảng và Nhà nước được triển khai kịp thời, đồng bộ đến người dân; tỷ lệ hộ nghèo giảm còn 3%.
Hướng đến năm 2022, ông Nguyễn Văn Phương cho biết, chính quyền sẽ nỗ lực nhằm kiểm soát dịch bệnh để người dân, doanh nghiệp yên tâm lao động, tăng gia sản xuất; du lịch mở cửa đón khách trở lại; học sinh, sinh viên được đến trường… Các nhà đầu tư lớn, năng lực cao, ứng dụng kỹ thuật công nghệ hiện đại tham gia nghiên cứu, đầu tư nhiều dự án tại Huế tạo thêm nhiều việc làm, đóng góp vào thu ngân sách địa phương; Các dự án được triển khai nhanh chóng, đảm bảo tiến độ.
Trong năm 2022, UBND tỉnh Thừa Thiên Huế đã đề ra 14 chỉ tiêu để phấn đấu. Trong đó một số chỉ tiêu nổi bật như tốc độ tăng trưởng GRDP là 6,5 - 7,5% so với năm 2021. GRDP bình quân đầu người 2.350 - 2.400 USD. Cơ cấu kinh tế: dịch vụ 46 - 47%; công nghiệp - xây dựng 34 - 35%; nông nghiệp 10,5 - 11%. Vốn đầu tư toàn xã hội 28.000 - 28.500 (tăng 10 - 12%). Thu ngân sách đạt 6.861 tỷ đồng, tăng 12% so với cùng kỳ. Kim ngạch xuất khẩu 1.130 triệu USD (tăng 10 - 12%). Tỷ lệ hộ nghèo giảm 1,0 - 1,5%. Tỷ lệ dân số sử dụng nước sạch 96%. Tỷ lệ khu công nghiệp đang hoạt động có hệ thống xử lý nước thải tập trung đạt tiêu chuẩn môi trường: 30 - 40%; Tỷ lệ chất thải rắn được thu gom 92 - 93%...
Tiếp tục thực hiện 6 chương trình trọng điểm của Nghị quyết Đại hội Đảng bộ tỉnh lần thứ XVI, Nghị quyết của HĐND tỉnh về kế hoạch phát triển KT-XH 5 năm 2021-2025. Tập trung chỉ đạo quyết liệt việc thực hiện Nghị quyết 54-NQ/TW Nghị quyết 83 của Chính phủ, Nghị quyết 38 của Quốc hội; Chương trình hành động 69-CTr/TU…
Ngoài ra, thực hiện linh hoạt, hiệu quả mục tiêu vừa phòng, chống dịch COVID-19, vừa phục hồi, phát triển KT-XH, bảo đảm phục hồi sản xuất kinh doanh, thu hút đầu tư, lưu thông hàng hóa, giải quyết việc làm cho người lao động. Cải thiện môi trường đầu tư, kinh doanh, phát triển doanh nghiệp.
KKT Chân Mây – Lăng Cô đang thu hút nhiều dự án lớn. |
Huy động các nguồn lực để đầu tư xây dựng đồng bộ hạ tầng KT-XH, phát triển đô thị. Sớm triển khai các công trình trọng điểm như cầu qua sông Hương, đường Tố Hữu nối dài, đê chắn sóng cảng Chân Mây giai đoạn 2, đôn đốc tiến độ thực hiện các dự án hạ tầng khu công nghiệp, cảng biển...
Đồng thời, tập trung xây dựng môi trường đậm đà bản sắc văn hoá Huế gắn với bảo tồn, phát huy các giá trị di sản văn hoá. Huy động và sử dụng có hiệu quả các nguồn lực để trùng tu, tôn tạo các di sản, di tích. Nâng cao chất lượng phong trào “Toàn dân đoàn kết xây dựng đời sống văn hóa”, “Ngày Chủ nhật Xanh”, thực hiện tốt đề án Xây dựng nếp sống văn minh đô thị và nông thôn.
Nhiệm vụ đặt ra năm 2022 là khá nặng. Để phát huy những kết quả đạt được, tỉnh sẽ tập trung triển khai thực hiện quyết liệt, đồng bộ, hiệu quả các nhiệm vụ, giải pháp, phấn đấu thực hiện thắng lợi các mục tiêu, chỉ tiêu, nhiệm vụ kế hoạch năm 2022, tạo tiền quan trọng để triển khai thực hiện kế hoạch phát triển KT-XH 5 năm, giai đoạn 2021-2025.