(HPĐT)- Sáng 13-7, kỳ họp lần thứ 18 HĐND thành phố khóa 13 khai mạc dưới sự chủ trì của Bí thư Thành ủy, Chủ tịch HĐND thành phố Nguyễn Văn Thuận.
Đến dự có các đồng chí: Nguyễn Văn Thành, Chủ tịch UBND thành phố; các Phó bí thư, Phó chủ tịch UBND, HĐND thành phố và đại diện lãnh đạo các sở, ngành, quận, huyện.
Tăng trưởng khá, nhưng chưa bền vững
Báo cáo của UBND thành phố do Phó chủ tịch Đan Đức Hiệp trình bày nêu rõ, 6 tháng đầu năm, kinh tế - xã hội của Hải Phòng đang dần lấy lại đà tăng trưởng của thời kỳ trước suy thoái, tổng sản phẩm (GDP) tăng 10,26% so với cùng kỳ năm trước. Giá trị sản xuất công nghiệp đạt hơn 19.681 tỷ đồng, tăng 14,2% so với cùng kỳ; tổng thu ngân sách trên địa bàn đạt 16.840 tỷ đồng, đạt 57,4%, thu hút vốn đầu tư nước ngoài được trên 40 triệu USD, bằng 64,2% so với cùng kỳ; thu ngân sách nội địa tăng hơn 32%...Hầu hết các chỉ tiêu kinh tế chủ yếu (trừ thu hút khách du lịch) hoàn thành vượt mức kế hoạch đề ra. Chỉ số giá tiêu dùng tháng 6 so với tháng trước chỉ tăng 0,37%, so với tháng 12 năm trước tăng 5,3%. Như vậy, GDP của Hải Phòng tăng gấp 1,5 lần so với bình quân chung của cả nước, càng có ý nghĩa hơn khi Hải Phòng góp phần quan trọng cùng cả nước đạt tốc độ tăng trưởng GDP 6,16%, từng bước kiềm chế lạm phát cao, ổn định thị trường và bảo đảm an sinh- xã hội.
Bên cạnh những kết quả đạt được, kinh tế thành phố cũng còn nhiều hạn chế. Nửa đầu năm nay, do tình hình thời tiết nắng nóng kéo dài nên ảnh hưởng đến sản lượng điện cung cấp, làm cho sản xuất – kinh doanh gặp khó khăn. Mặc dù kinh tế phục hồi nhưng do tác động từ thị trường thế giới, giá tăng ảnh hưởng đến mặt bằng giá trong nước làm chỉ số giá tiêu dùng tăng, tiềm ẩn nguy cơ tái lạm phát cao. Các ngành đóng tàu, cơ khí và du lịch vẫn gặp khó khăn về vốn và khách hàng; một số dự án có khả năng đóng góp giá trị sản xuất lớn nhưng chậm đưa vào khai thác như Nhà máy nhiệt điện, hoặc hiệu suất khai thác thấp (các nhà máy DAP, sản xuất phôi thép). Ngoài ra, tiến độ thực hiện các công trình, dự án trên địa bàn vẫn còn chậm so với yêu cầu; cải cách thủ tục hành chính, quản lý xây dựng… chưa được cải thiện đáng kể, đặc biệt là ô nhiễm môi trường.
Nhằm duy trì tốc độ tăng trưởng kinh tế của thành phố đạt trên 10% trong cả năm 2010 như kế hoạch đề ra, UBND thành phố tiếp tục thực hiện các biện pháp kích thích kinh tế, tháo gỡ khó khăn, vướng mắc về thủ tục đầu tư, chú trọng thực hiện chủ trương 3 giảm “giảm thủ tục, giảm giấy tờ, giảm thời gian”, tiếp cận vốn, mặt bằng sản xuất để cải thiện môi trường đầu tư, kinh doanh; đẩy nhanh việc giải ngân các nguồn vốn từ ngân sách nhà nước, vốn trái phiếu Chính phủ, vốn ODA và có giải pháp quản lý, sử dụng hiệu quả các nguồn vốn, khắc phục tình trạng bố trí vốn phân tán, dàn trải. Thành phố chú trọng công tác tu bổ, quản lý đê điều, phòng ngừa thiên tai, bão lũ và tìm kiếm cứu nạn, tăng cường các hoạt động thương mại, mở rộng thị trường xuất khẩu, khuyến khích việc sử dụng hàng nội địa, nhân rộng chương trình “Người Việt Nam ưu tiên dùng hàng Việt Nam”...
664 tỷ đồng xử lý chất thải nông thôn
Cũng trong sáng 13-7, UBND thành phố có tờ trình trình HĐND thành phố về chủ trương, biện pháp thu gom và xử lý chất thải rắn ở nông thôn trên địa bàn thành phố đến năm 2015, định hướng đến năm 2020.
Theo đó, việc thu gom, xử lý chất thải rắn ở nông thôn hiện nay chủ yếu mang tính tự phát và mới chỉ thu gom được khoảng 40%, việc xử lý chưa hợp vệ sinh. Đề án đề ra mục tiêu đến năm 2020, phải thu gom và xử lý 90% lượng chất thải rắn trên địa bàn nông thôn. Các giải pháp được đưa ra là quy hoạch các địa điểm, khu xử lý tập trung của thành phố và các huyện, đóng cửa các bãi chất thải rắn của xã, xây dựng mô hình áp dụng công nghệ tiên tiến vào quản lý, thu gom, xử lý chất thải rắn. Tổng kinh phí để thực hiện đề án này là 664 tỷ đồng.
Ông Lê Văn Thành, được bầu giữ chức Phó chủ tịch UBND thành phố
Trong phiên họp buổi chiều, HĐND thành phố tiến hành bầu bổ sung Phó chủ tịch UBND thành phố nhiệm kỳ 2004-2011 và thành viên các ban HĐND thành phố.
Với sự nhất trí cao, đại biểu HĐND thành phố biểu quyết nhất trí miễn nhiệm chức vụ ủy viên UBND thành phố đối với ông Trần Bá Thiều, nguyên Giám đốc Công an thành phố (được điều động nhận nhiệm vụ mới tại Bộ Công an) và bà Nguyễn Thị Thoa, nguyên Giám đốc Sở Tài chính (được nghỉ theo chế độ của nhà nước).
Với 88,8% số đại biểu có mặt tán thành, HĐND thành phố nhất trí bầu ông Lê Văn Thành, Thành ủy viên, Bí thư Đảng ủy, Giám đốc Công ty Xi-măng Hải Phòng, đại biểu Quốc hội khóa 12 giữ chức Phó chủ tịch UBND thành phố nhiệm kỳ 2004-2011.
Cũng trong phiên họp buổi chiều, HĐND thành phố nhất trí bầu ông Lê Ngọc Thiệp, Chủ tịch HĐQT kiêm Giám đốc Công ty TNHH MTV Điện lực Hải Phòng giữ chức vụ thành viên Ban Kinh tế-Ngân sách và bà Phạm Thị Huyền, chuyên viên Văn phòng Đoàn đại biểu Quốc hội-HĐND thành phố giữ chức vụ thành viên Ban Văn hóa-Xã hội HĐND thành phố nhiệm kỳ 2004-2011.
Ngày14-7, HĐND thành phố thảo luận tổ, lãnh đạo UBND thành phố báo cáo giải trình những vấn đề cử tri thành phố kiến nghị, tiến hành phiên chất vấn và trả lời chất vấn. Dự kiến lãnh đạo 6 sở, ngành trả lời chất vấn đại biểu HĐND thành phố./.