Trong cuốn sách “Kinh tế Hải Phòng- 25 năm đổi mới và phát triển (1986-2010)”, tác giả PGS-TS Đan Đức Hiệp, Phó chủ tịch UBND thành phố đánh giá:
25 năm đổi mới, kinh tế thành phố thu được những thành tựu to lớn, đáng khích lệ, góp phần quan trọng vào sự nghiệp xây dựng và phát triển Hải Phòng, tạo đà quan trọng cho giai đoạn tiếp theo…GDP tăng liên tục bình quân gần 10%/năm. Dự báo năm 2010 đạt xấp xỉ 24.000 tỷ đồng, tăng gần 8 lần năm 1990, nâng tỷ trọng GDP của Hải Phòng so với cả nước từ xấp xỉ 3% lên 4,3% ; thu nhập bình quân đầu người đạt 1.800 USD. Tỷ lệ hộ nghèo giảm xuống dưới 4%, đời sống người dân được nâng lên đáng kể. Hải Phòng đạt nhiều thành tựu nổi bật .
1- Tăng trưởng công nghiệp
Tăng trưởng công nghiệp trên địa bàn được duy trì ở tốc độ cao, bình quân hơn 18%/năm. Giá trị sản xuất công nghiệp cứ 5 năm tăng gấp 2 lần. Giá trị sản xuất công nghiệp năm 2009 gấp gần 40 lần năm 1990. Cơ cấu sản phẩm, mặt hàng được thay đổi phù hợp với tiềm năng, lợi thế của Hải Phòng, xu thế phát triển của thị trường trong nước và quốc tế. Tốc độ tăng trưởng công nghiệp gắn với tăng nguồn vốn đầu tư trong và ngoài nước. Gần 300 dự án FDI, trong đó, khoảng 60% đầu tư vào công nghiệp, tạo ra năng lực sản xuất mới, lớn, công nghệ, thiết bị khá tiên tiến và sức cạnh tranh cao cho các sản phẩm…
Hình thành mạng lưới khu, cụm công nghiệp với tổng số hơn 50 khu, diện tích hơn 15.000 ha. Tháng 1-2008, Chính phủ cho phép Hải Phòng thành lập khu kinh tế Đình Vũ- Cát Hải quy mô hơn 21.000 ha với hạt nhân chính là cảng cửa ngõ quốc tế…
Cảng công ten nơ Chùa Vẽ Ảnh: Duy Lê |
2-Phát triển dịch vụ
Với tiềm năng, lợi thế đô thị cảng biển, dịch vụ là nhóm ngành quan trọng trong quá trình phát triển Hải Phòng thời kỳ đổi mới. Từ năm 2000, tốc độ tăng trưởng bình quân GDP nhóm dịch vụ luôn hơn 10%/năm và luôn cao hơn tốc độ tăng GDP chung; góp phần quan trọng chuyển dịch cơ cấu kinh tế của Hải Phòng. Đến năm 2010, dự kiến dịch vụ chiếm tỷ trọng khoảng 53% trong cơ cấu GDP.
Hoạt động xuất nhập khẩu khá sôi động và tăng trưởng nhanh. Năm 1990, kim ngạch xuất khẩu của Hải Phòng đạt xấp xỉ 50 triệu USD, năm 2010 dự kiến đạt 2.000 triệu USD, tăng gấp 40 lần. Cơ cấu mặt hàng, sản phẩm đa dạng, phong phú. Hải Phòng có quan hệ với hơn 70 quốc gia và vùng lãnh thổ…
3-Phát triển nông nghiệp, nông thôn
Mặc dù diện tích sản xuất nông nghiệp trong thời kỳ đổi mới, mở cửa giảm nhiều do nhường lại diện tích cho phát triển các khu, cụm công nghiệp, khu đô thị, khu vui chơi, giải trí…nhưng năng suất và chất lượng trồng trọt vẫn tăng lên đáng kể. Tốc độ tăng giá trị sản xuất nông nghiệp luôn đạt ở mức hơn 5%. Giá trị sản xuất nông nghiệp năm 2009 tăng hơn 4 lần năm 1990.
4- Phát triển các loại hình doanh nghiệp
Đây là một trong các thành tựu nổi bật của thời kỳ đổi mới. Với mục tiêu đa dạng hóa sở hữu, phát huy mọi thành phần kinh tế, các nguồn lực cho phát triển, đặc biệt từ khi có Luật Doanh nghiệp, Hải Phòng hình thành và phát triển được một số lượng lớn doanh nghiệp. Năm 2010, Hải Phòng có hơn 20.000 doanh nghiệp thuộc các thành phần kinh tế. Các doanh nghiệp góp phần tạo ra xấp xỉ 80% GDP của thành phố…
5- Thu ngân sách và huy động nguồn lực đầu tư
Năm 1995, thu ngân sách của Hải Phòng mới đạt 2.960 tỷ đồng, năm 2009, mặc dù gặp nhiều khó khăn do khủng hoảng tài chính quốc tế, vẫn thu đạt 32.000 tỷ đồng, vượt xa kế hoạch đặt ra là 18.000 tỷ đồng. Ước tính, thu ngân sách của Hải Phòng năm 2010 tăng gần 200 lần năm 1990.
Huy động vốn đầu tư cũng là điểm nổi bật và nhân tố quyết định mức tăng trưởng cao trong thời kỳ đổi mới. Năm 1990, vốn đầu tư phát triển chỉ hơn 500 tỷ đồng; đến đầu năm 2010 huy động được khoảng hơn 30.000 tỷ đồng (gấp 60 lần). Cơ cấu vốn đa dạng. Tỷ trọng vốn Nhà nước giảm từ hơn 50% xuống 12- 15%. Vốn doanh nghiệp chiếm hơn 50% tổng vốn đầu tư phát triển, vốn tín dụng hơn 30%...Riêng vốn FDI thu hút hơn 4,3 tỷ đồng…
Mai Hương (lược trích)