Số liệu công bố tại hội nghị thường kỳ tháng 6 của UBND tỉnh Bắc Giang cho thấy, tăng trưởng kinh tế trên địa bàn đạt 14,14%, đứng đầu cả nước. Tổng thu ngân sách nhà nước 6 tháng tăng 28,3% so cùng kỳ, bằng 61,2% dự toán.
Thành công ấn tượng này xuất phát từ việc địa phương thường xuyên nắm bắt tình hình hoạt động sản xuất kinh doanh của các DN; chủ động, kịp thời giải quyết, tháo gỡ các khó khăn, vướng mắc, xử lý những vấn đề tồn đọng cũng như phát sinh mới nhất là về vốn, thị trường tiêu thụ, lao động, chi phí nguyên vật liệu, xuất nhập khẩu hàng hóa… nhằm hỗ trợ các DN ổn định sản xuất, thúc đẩy phục hồi chuỗi cung ứng, tạo năng lực sản xuất mới.
Ổn định kinh tế vĩ mô, kiểm soát lạm phát, thúc đẩy tăng trưởng, bảo đảm các cân đối lớn của nền kinh tế, nâng cao đời sống vật chất, tinh thần của Nhân dân là mục tiêu xuyên suốt được Chính phủ và Thủ tướng Chính phủ ưu tiên trong điều hành. Để thúc đẩy tăng trưởng phải thực hiện bằng nhiều giải pháp từ vĩ mô đến tháo gỡ các khó khăn cụ thể. Và tất nhiên, 63 tỉnh, thành tăng trưởng thì cả nước tăng trưởng. Chính vì thế, kinh nghiệm ở Bắc Giang có ý nghĩa, tạo ra giá trị chung.
Tại các cuộc họp hàng tháng, hàng quý cho đến chuyên đề, lãnh đạo Chính phủ đều yêu cầu đẩy mạnh cắt giảm thủ tục hành chính (TTHC), chuyển đổi số trong mọi hoạt động, hướng đến phục vụ DN và người dân.
Tại cuộc họp của Thường trực Chính phủ với DN nhà nước (DNNN) vào giữa tháng 6/2024, Thủ tướng yêu cầu các Bộ, ngành, địa phương cải cách TTHC, cải thiện môi trường đầu tư kinh doanh, tạo điều kiện thuận lợi cho DN; sát sao, hỗ trợ, phối hợp và đồng hành cùng DN, trong đó có DNNN, trên tinh thần “nghĩ thật, nói thật, làm thật, có hiệu quả thật, người dân được thụ hưởng thật” và “đã nói phải làm, đã cam kết phải thực hiện, đã thực hiện phải có kết quả thiết thực, cụ thể”.
Cách đây đúng một năm, Quốc hội khóa XV có Nghị quyết 101/2023/QH15 về rà soát hệ thống văn bản quy phạm pháp luật. Theo Nghị quyết này, Quốc hội xác định các lĩnh vực trọng tâm phải rà soát để phát hiện ra mâu thuẫn, chồng chéo, sơ hở, bất cập, vướng mắc trong các luật và văn bản dưới luật; đồng thời yêu cầu đẩy mạnh phân cấp, phân quyền.
Dù có những tín hiệu tích cực nhưng hiện nay một số DN vẫn đang gặp khó khăn. Về đầu ra, nhu cầu thị trường trong nước thấp và tính cạnh tranh của hàng trong nước cao là hai thách thức với hoạt động DN. Trong khi chờ đợi nhiều khó khăn tiếp tục được tháo gỡ, thì kinh nghiệm từ Bắc Giang chính là tăng cường xúc tiến thương mại, tìm kiếm thị trường mới, hỗ trợ DN trong việc tham gia chuỗi cung ứng.