Ngày 29/6, Tổng cục Thống kê (TCTK) đã họp báo công bố số liệu thống kê Kinh tế xã hội quý II và 6 tháng đầu năm 2024.
Chủ trì cuộc họp báo, bà Nguyễn Thị Hương, Tổng cục trưởng TCTK cho biết, đóng góp nhiều nhất cho GDP quý II/2024 là khu vực dịch vụ tăng 7,06%, đóng góp 48,91%. Tiếp đến là khu vực công nghiệp và xây dựng tăng 8,29%, đóng góp 45,73%; Khu vực nông, lâm nghiệp và thủy sản tăng 3,34%, đóng góp 5,36%.
Với mức tăng trưởng tích cực của GDP quý II/2024, GDP 6 tháng đầu năm 2024 tăng 6,42%, chỉ thấp hơn tốc độ tăng 6,58% của sáu tháng đầu năm 2022 trong giai đoạn 2020-2024.
Trong mức tăng tổng giá trị tăng thêm của toàn nền kinh tế 6 tháng đầu năm, khu vực dịch vụ tăng 6,64%, đóng góp 49,76%., khu vực công nghiệp và xây dựng tăng 7,51%, đóng góp 44,28%; khu vực nông, lâm nghiệp và thủy sản tăng 3,38%, đóng góp 5,96%;
Chia sẻ về tăng trưởng khu vực công nghiệp và xây dựng, bà Nguyễn Thị Hương Nga Vụ trưởng vụ công nghiệp và xây dựng (TCTK) cho biết, với mức tăng 7,54% so với cùng kỳ năm trước, giá trị tăng thêm toàn ngành công nghiệp 6 tháng đầu năm 2024, chỉ thấp hơn mức tăng 8,32% của cùng kỳ năm 2022 trong giai đoạn 2020-2024. Ngành Công nghiệp và xây dựng cùng đóng góp 2,44 điểm phần trăm vào tốc độ tăng tổng giá trị tăng thêm toàn nền kinh tế.
Trong đó ngành công nghiệp chế biến, chế tạo là động lực tăng trưởng của ngành công nghiệp cũng như toàn nền kinh tế với tốc độ tăng 8,67%, đóng góp 2,14 điểm phần trăm; ngành sản xuất và phân phối điện tăng 13,26%, đóng góp 0,5 điểm phần trăm; ngành cung cấp nước, quản lý và xử lý rác thải, nước thải tăng 7,13%, đóng góp 0,04 điểm phần trăm; riêng ngành khai khoáng giảm 7,22%, làm giảm 0,24 điểm phần trăm. Ngành xây dựng tăng 7,34%, đây là mức tăng cao nhất so với cùng kỳ các năm trong giai đoạn 2020-2024, đóng góp 0,48 điểm phần trăm.
Các đơn vị của TCTK trả lời tại cuộc Họp báo (ảnh: Thanh Thanh) |
Đề cập đến động lực tăng trưởng GDP 6 tháng đầu năm, Tổng cục trưởng TCTK Nguyễn Thị Hương cho biết, Giá trị tăng thêm khu vực dịch vụ sáu tháng đầu năm 2024 tăng 6,64% so với cùng kỳ năm trước, cao hơn mức tăng 1,18% và 5,06% của cùng kỳ các năm 2020 và năm 2021[5]. Đóng góp của một số ngành có tỷ trọng lớn vào mức tăng tổng giá trị tăng thêm toàn nền kinh tế như sau: Bán buôn và bán lẻ tăng 7,34% so với cùng kỳ năm trước, đóng góp 0,79 điểm phần trăm; ngành vận tải, kho bãi tăng 11,02%, đóng góp 0,73 điểm phần trăm; hoạt động tài chính, ngân hàng và bảo hiểm tăng 5,18%, đóng góp 0,30 điểm phần trăm; dịch vụ lưu trú và ăn uống tăng 9,94%, đóng góp 0,27 điểm phần trăm.
“6 tháng đầu năm ngành công nghiệp và xây dựng đã có sự tăng trưởng tích cực, tuy nhiên đây là mức tăng trưởng trên nền thấp của năm trước và so với thời kỳ trước dịch còn thấp. Do đó rất cần các chính sách hỗ trợ của nhà nước để khu vực này tăng trưởng cao và bền vững hơn…”- Bà Nga đề xuất.
Theo Tổng cục trưởng Nguyễn Thị Hương, bước sang quý III/2024, kinh tế - xã hội nước ta tiếp tục đối mặt với nhiều khó khăn, thách thức, nhất là nền kinh tế Việt Nam có độ mở lớn nên chịu tác động đan xen trước những rủi ro, bất ổn của kinh tế thế giới; các biến động về kinh tế, chính trị, dịch bệnh, thiên tai khó dự báo.
"Do đó, để đạt mục tiêu tăng trưởng từ 6,0-6,5% của năm 2024 là thách thức lớn, cần sự chung sức, đồng lòng của cả hệ thống chính trị, của doanh nghiệp và Nhân dân cả nước. Các ngành, các cấp tăng cường dự báo, chủ động điều hành linh hoạt, phù hợp với tình hình mới, kịp thời ứng phó với tình huống phát sinh, kiên định thực hiện hiệu quả các mục tiêu thúc đẩy tăng trưởng gắn với ổn định kinh tế vĩ mô, kiểm soát lạm phát, hỗ trợ tối đa cho khu vực doanh nghiệp, đảm bảo an sinh xã hội và đời sống của người dân..."- Tổng cục trưởng Nguyễn Thị Hương đề xuất
CPI 6 tháng đã vượt 4%
CPI bình quân quý II/2024 tăng 4,39% so với cùng kỳ năm trước, trong đó: Giáo dục tăng 8,15%; thuốc và dịch vụ y tế tăng 7,63%; hàng hóa và dịch khác là 6,13%; nhà ở, điện, nước, chất đốt và vật liệu xây dựng tăng 5,62%; hàng ăn và dịch vụ ăn uống tăng 4,48%; giao thông tăng 4,28%; đồ uống và thuốc lá tăng 2,61%; văn hóa, giải trí và du lịch tăng 2,1%; may mặc, mũ nón và giày dép tăng 1,66%; thiết bị và đồ dùng gia đình tăng 1,31%. Riêng bưu chính, viễn thông giảm 1,36%.
Tính chung, CPI bình quân 6 tháng đầu năm 2024 tăng 4,08% so với bình quân cùng kỳ năm 2023. CPI 6 tháng đầu năm nay tăng so với cùng kỳ năm trước do một số nguyên nhân chủ yếu sau: Chỉ số giá nhóm hàng ăn và dịch vụ ăn uống bình quân sáu tháng đầu năm 2024 tăng 4% so với cùng kỳ năm trước (tác động làm CPI chung tăng 1,34 điểm phần trăm); Chỉ số giá nhóm nhà ở, điện, nước, chất đốt và vật liệu xây dựng tăng 5,51% so với cùng kỳ năm trước, tác động làm CPI chung tăng 1,04 điểm phần trăm; Chỉ số giá nhóm giáo dục tăng 8,58% do trong năm học 2023-2024 một số tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương tăng mức học phí, làm CPI chung tăng 0,53 điểm phần trăm; Chỉ số giá nhóm thuốc và dịch vụ y tế tăng 7,07%, tác động làm CPI chung tăng 0,38 điểm phần trăm do giá dịch vụ y tế được điều chỉnh từ ngày 17/11/2023.