Quyết liệt triển khai các kế hoạch, chỉ đạo
Đức Trọng là một trong những huyện trọng điểm về kinh tế - xã hội của tỉnh Lâm Đồng, là đầu mối giao thương, phân phối hàng hóa, nông sản với các tỉnh lân cận. Trên địa bàn huyện có những tuyến giao thông quan trọng như QL20, QL27, QL28B và cao tốc Liên Khương - Prenn. Đây cũng là địa bàn có tốc độ đô thị hóa cao, tốc độ gia tăng các phương tiện cơ giới; và tốc độ phát triển hạ tầng giao thông không theo kịp tốc độ gia tăng dân số cơ học.
Với quyết tâm cao hoàn thành nhiệm vụ được giao, góp phần bảo đảm tình hình an ninh trật tự, tạo điều kiện cho phát triển KT-XH địa phương, Công an huyện Đức Trọng đã quyết liệt triển khai các kế hoạch, chỉ đạo của Bộ Công an cũng như của Đảng uỷ, chính quyền địa phương.
9 tháng đầu năm 2023 (tính tới 15/9), Đội Cảnh sát Giao thông - Trật tự (GT-TT), Công an huyện Đức Trọng đã tập trung xử lý các vi phạm về nồng độ cồn, điều khiển xe quá tải, chạy quá tốc độ, đỗ xe không đúng quy định, giao xe cho người không đủ điều kiện…
Trong đó, vi phạm nhiều nhất là phương tiện chạy quá tốc độ với 875 trường hợp, xử lý vi phạm nồng độ cồn 546 trường hợp; giao xe cho người không đủ điều kiện 383 trường hợp; giao xe quá tải 57 trường hợp… Cùng với đó, Công an huyện đã tước GPLX 473 trường hợp (tăng 313 trường hợp so với cùng kì) và tạm giữ 832 xe (tăng 360 trường hợp).
Ngoài ra, trong tháng 9/2023, Đội Cảnh sát GT-TT đã phối hợp với Tổ công tác Cục CSGT (Bộ Công an) tuần tra, xử lý 14 trường hợp vi phạm chỉ trong 1 ngày, tổng số tiền xử phạt vi phạm hành chính lên tới 134 triệu đồng. Công an huyện Đức Trọng còn thường xuyên phối hợp tuần tra với tổ công tác của Phòng CSGT tỉnh Lâm Đồng hàng tuần.
“Cập nhật tới thời điểm hiện tại, Công an huyện đã lập 3.235 biên bản vi phạm pháp luật về giao thông; tổng số tiền xử phạt hơn 7 tỷ đồng, tăng hơn 3 tỷ đồng so với cùng kỳ năm trước…”, Trung tá Trần Đình Tú, Đội trưởng Đội Cảnh sát GT-TT cho biết.
Với một số người tham gia giao thông là đồng bào dân tộc thiểu số, vi phạm lần đầu, lực lượng CSGT ưu tiên nhắc nhở. |
Áp dụng tổng hợp nhiều biện pháp
Là địa bàn có lưu lượng giao thông lớn, giáp ranh nhiều địa phương nên công tác quản lý trật tự giao thông trên địa bàn Đức Trọng gặp nhiều khó khăn. Theo Trung tá Tú, địa bàn huyện rộng, trong khi lực lượng của Đội chỉ có 20 cán bộ, chiến sĩ, bao gồm cả lãnh đạo, cán bộ tiếp dân… nên quân số tuần tra kiểm soát, xử lý vi phạm chỉ khoảng 10 người.
Do đó, để bảo đảm tình hình trật tự, ATGT trên địa bàn, từ đầu năm, Công an huyện đã ban hành kế hoạch tuyên truyền, phố biến giáo dục pháp luật và vận động quần chúng nhân dân tham gia bảo đảm trật tự, ATGT năm 2023; ký cam kết chấp hành pháp luật về giao thông cho 55 tổ chức, 554 cá nhân, 21 cơ sở sửa chữa xe.
Chín tháng đầu năm 2023, Công an huyện đã tổ chức hàng chục buổi tuyên truyền pháp luật về giao thông cho học sinh, giáo viên, đoàn thanh niên, người đồng bào dân tộc thiểu số, lái xe của các DN… với hơn 10 ngàn người tham gia; phối hợp tổ chức chương trình lái xe an toàn, phát mũ bảo hiểm; tổ chức tọa đàm với các phương tiện đưa đón học sinh…
Trung tá Trần Đình Tú, Đội trưởng Đội Cảnh sát GT-TT. |
Bên cạnh công tác tuyên truyền, theo Trung tá Tú, việc kiên quyết xử lý vi phạm là biện pháp mạnh mang tính quyết định trong việc bảo đảm trật tự, ATGT. Bởi thực tế qua công tác tuần tra, xử lý vi phạm, có không ít người dân cố tình vi phạm; thậm chí có các hội, nhóm trên mạng được lập ra để thông báo về hoạt động của các tổ công tác.
Trung tá Tú cho biết, lãnh đạo Công an huyện, lãnh đạo Đội đã nhất quán tinh thần không có vùng cấm, không có ngoại lệ, không can thiệp vào quá trình xử lý vi phạm giao thông của các chiến sĩ, tổ công tác.
Một người vi phạm để lại phương tiện rồi bỏ đi. |
Thời gian tới, dự báo tình hình giao thông trên địa bàn Đức Trọng sẽ phức tạp, nhất là thời điểm cuối năm, nhu cầu đi lại, vận chuyển hàng hoá tăng cao. “Ngoài đẩy mạnh tuyên truyền, chúng tôi sẽ tăng cường tuần tra, kiểm soát; khai thác hiệu quả hơn nữa dữ liệu từ trung tâm điều hành thông minh của huyện để xử phạt qua hình ảnh… nhằm bảo đảm tính răn đe, nâng cao ý thức tham gia giao thông của người dân, Trung tá Tú nói.
Tại Hội nghị đánh giá công tác bảo đảm ATGT 9 tháng đầu năm 2023 và triển khai nhiệm vụ quý IV năm 2023 tổ chức mới đây, Phó Chủ tịch UBND tỉnh Lâm Đồng Nguyễn Ngọc Phúc đã yêu cầu các sở, ngành, đơn vị, địa phương quyết liệt hơn trong triển khai các công tác bảo đảm ATGT.
Sở GTVT phối hợp với các địa phương rà soát lại toàn bộ các tuyến đèo, hệ thống chiếu sáng, camera giao thông, hệ thống đèn cảnh báo giao thông, tăng cường công tác cảnh báo, xử lý các vi phạm; kiểm tra, rà soát lại các điểm tiềm ẩn gây TNGT và phải đề xuất xử lý ngay khi phát hiện.
Với công tác tuần tra, xử lý vi phạm về ATGT, cần phòng ngừa tối đa các yếu tố khách quan do người điều khiển giao thông gây ra, đặc biệt là xử lý các vi phạm về tốc độ, nồng độ cồn và phải thực hiện nghiêm túc, không có vùng cấm, không cho phép can thiệp.
Sở GTVT thành lập tổ công tác liên ngành, phối hợp CSGT, các địa phương… tiến hành kiểm tra toàn diện các DN vận tải, hành khách và các DN vận tải hàng hoá trên địa bàn tỉnh về các điều kiện bảo đảm ATGT, bến bãi, đặc biệt là nhân lực, đội ngũ lái xe…
Về công tác tuyên truyền, xây dựng kế hoạch đầy đủ, chi tiết có kế hoạch lộ trình để triển khai thực hiện đạt hiệu quả tốt trên cơ sở tập trung vào việc tuyên truyền nâng cao nhận thức của người dân về mức độ nghiêm trọng khi vi phạm Luật Giao thông, hậu quả của việc vi phạm.
Ông Phúc yêu cầu Sở GTVT tìm hiểu cách thức để tổ chức thí điểm việc thông báo tốc độ trên nền đường ở khu vực đông người, tiềm ẩn nguy cơ TNGT cao. Để giảm tải phương tiện giao thông cá nhân trong đô thị, giảm tỷ lệ học sinh đi học bằng xe đạp điện, xe gắn máy, hay phương tiện đưa đón của phụ huynh tại các cổng trường gây ùn ứ vào giờ cao điểm, ông Phúc chỉ đạo Sở GTVT tổ chức thí điểm hệ thống xe buýt điện cơ động trong khu vực nội thành phục vụ học sinh và nhu cầu đi lại với cự li ngắn.