Kinh ngạc một đêm bắn rơi 7 máy bay B-52 Mỹ

(PLO) - Trong đêm 19/12/1972, các lực lượng phòng không Hà Nội đã bắn rơi 2 máy bay B-52, nhưng không có chiếc nào rơi tại chỗ. Đó là điều làm các cấp chỉ đạo, chỉ huy nói chung và chỉ huy Quân chủng Phòng không - Không quân suy nghĩ. 
Ngay sáng 20/12, nhận chỉ thị của Tổng Tham mưu trưởng, Bộ Tư lệnh Quân chủng Phòng không - Không quân nghiêm túc rút kinh nghiệm và những gì diễn ra trong đêm hôm sau đã khiến cả thế giới kinh ngạc…
Chở đạn tên lửa đánh B-52
Chở đạn tên lửa đánh B-52 
Rút kinh nghiệm
Trên cơ sở phân tích nguyên nhân dẫn đến hiệu quả chiến đấu thấp trong trận đánh đêm 19/12, Đảng ủy và Bộ Tư lệnh Quân chủng Phòng không - Không quân (QC PK-KQ) tập trung chỉ đạo các đơn vị chuẩn bị tốt mọi mặt để thực hiện trận đánh tập trung tiêu diệt lớn trong những đêm tiếp theo. 
Thường vụ Đảng ủy và Bộ Tư lệnh Quân chủng chỉ thị cho Sư đoàn Phòng không Hà Nội rút kinh nghiệm, khắc phục những yếu kém trong đêm 19; chỉ thị cho Bộ Tư lệnh Binh chủng Không quân kiên quyết tìm cách đánh sáng tạo, bảo đảm cho Không quân đánh được B- 52, thực hiện được cách đánh hiệp đồng chiến dịch; đề nghị Bộ Tổng tham mưu điều hai tiểu đoàn 71, 72 của Trung đoàn Tên lửa 285 ở Hải Phòng lên Hà Nội, bố trí đánh địch trên hướng đông- đông bắc, là hướng mỏng.
Về phần mình, Bộ Tư lệnh Quân chủng quyết định điều Trung đoàn Pháo cao xạ 262 đang ở Thanh Hoá, Trung đoàn Pháo cao xạ 223 đang ở Nam Định về Hà Nội làm nhiệm vụ bảo vệ tên lửa; chỉ thị cho Cục Kỹ thuật tìm mọi cách bảo đảm khí tài cho các tiểu đoàn 87, 89 Trung đoàn 274 nhanh chóng bước vào chiến đấu. Chấp hành nghiêm chỉ thị của Bộ Tư lệnh, Cục Kỹ thuật đã thành lập bộ phận chuyên trách về bảo đảm đạn… 
Nhận rõ trách nhiệm trước thắng lợi của những trận đánh sắp tới, các lực lượng phòng không ba thứ quân tập trung nỗ lực để giải quyết tốt mọi vấn đề, quyết giành thắng lợi trong trận chiến đấu mới. 
Giải tỏa tâm lý
Đêm 20/12, từ 19 giờ 20 phút đến 6 giờ ngày 21/12, địch tập trung 93 lần chiếc B-52 cùng 151 lần chiếc không quân chiến thuật đánh 3 đợt vào Hà Nội, Hải Phòng và Thái Nguyên. Tại Hà Nội, địch đánh các đầu mối giao thông, chân hàng ở bắc ngoại thành, Nhà máy Xe lửa Gia Lâm, Sân bay Nội Bài, Khu tập thể An Dương. Xen kẽ giữa các trận đánh của B-52, địch tăng cường 25 chiếc F-111 hoạt động... 
Sau hai đêm, địch thay đổi thủ đoạn và quy luật đánh phá, nhận ra đối thủ chính của chúng là tên lửa. Do đó, trước khi đưa B-52 vào, ngoài việc đánh phá các sân bay của F-111, chúng đưa F4 và F-105 lùng sục các trận địa tên lửa của ta để dọn đường; tăng cường nhiễu các loại; tăng cường sử dụng các tốp B-52 giả.
Tuy nhiên, bộ đội ra-đa vẫn đĩnh đạc phát hiện và thông báo các tốp B-52 cho các lực lượng chiến đấu. Không quân ta khắc phục khó khăn do các sân bay bị địch đánh phá và khống chế liên tục, sửa chữa không kịp, cất cánh từ đường lăn lên đánh B-52. 19 giờ 27 phút, 2 tốp MIG cất cánh lên hướng Việt Trì, Phú Thọ và Mộc Châu, Suối Rút. 
Tuy chưa đánh rơi được B-52 nhưng MIG của ta đều phát hiện được B-52 và tiến hành cản phá địch từ vòng ngoài, tạo thế thuận lợi cho tên lửa và pháo cao xạ đánh. 
Từ 19 giờ 41 phút đến 19 giờ 55 phút, nhiều tốp B-52 giả vào khu vực hoả lực. Bộ đội ta nhanh chóng nhận dạng tín hiệu B-52 giả nên không một tiểu đoàn tên lửa nào đánh nhầm. Đây là một thành công lớn trong cuộc đấu trí với địch. 20 giờ 5 phút, 2 tốp B-52 vào đánh khu vực Gia Lâm. Tiểu đoàn 93 Trung đoàn Tên lửa 261 xử trí nhanh sau khi phóng 2 quả, thấy tín hiệu mục tiêu trong nhiễu đã phóng bồi quả thứ 3, diệt một B-52 rơi tại Yên Thượng, Yên Viên cách trung tâm Hà Nội 10km.
Trận đánh thắng đầu tiên trong đêm 20/12 của Tiểu đoàn 93 đã giải toả được những căng thẳng sau đêm 19 không bắn rơi tại chỗ được B-52. Các tiểu đoàn khác tiếp tục đánh các tốp B-52 đi sau đội hình. 
Nhưng trong quá trình đánh địch, một trở ngại lớn là khi B-52 bay vào, tên lửa đang cần tập trung đánh mãnh liệt thì cũng là lúc máy bay ta đang bay về hạ cánh xuống căn cứ. Đây là một khó khăn khi các sân bay nằm trong vòng hoả lực của tên lửa. Nhiều tiểu đoàn phải ngừng bắn mở loa để bảo đảm an toàn cho máy bay ta. 
Hình ảnh một B-52 bị Tiểu đoàn 77 bắn trúng rơi xuống Phúc Yên rạng sáng ngày 21/12/1972
Hình ảnh một B-52 bị Tiểu đoàn 77 bắn trúng rơi
xuống Phúc Yên rạng sáng ngày 21/12/1972 
Bừng khí thế chiến đấu
20 giờ 34 phút, Tiểu đoàn 77 Trung đoàn Tên lửa 257 lợi dụng thuận lợi của một trận địa chốt, phát sóng bắn trúng 1 máy bay B-52 rơi xuống xã Vạn Thắng, huyện Ba Vì, tỉnh Hà Tây. Sau thắng lợi giòn giã ngay từ đợt đầu, khí thế chiến đấu của bộ đội thay đổi hẳn. Kinh nghiệm của các tiểu đoàn 93, 77 được nhanh chóng phổ biến đến các đơn vị. Tiếp đó, 20 giờ 36 phút, Tiểu đoàn 94, Trung đoàn Tên lửa 261 nỗ lực đánh tập trung bắn trúng 1 máy bay B-52 rơi tại biên giới Thái Lan, Lào.
Tiểu đoàn 76 Trung đoàn Tên lửa 257 cũng vận dụng phương pháp phát sóng gần bắt mục tiêu. Nhưng do thao tác không hợp lý, không đúng thời cơ nên bị tốp hộ tống B- 52 phóng tên lửa tự dẫn vào trận địa, làm đơn vị tạm thời mất sức chiến đấu. Phối hợp chiến đấu, hoả lực pháo súng phòng không tầng thấp của ta đánh rất mãnh liệt chặn đánh F-111. Lúc 21 giờ, phòng không dân quân tự vệ ở trận địa Vân Đồn đã bắn rơi 1 chiếc F-111.
Tại Hải Phòng, lúc 22 giờ 22 phút, Tiểu đoàn 72 Trung đoàn Tên lửa 285 bắn rơi 1 máy bay F4; lúc 0 giờ 10 phút ngày 21/12, Tiểu đoàn 83 Trung đoàn Tên lửa 238 cùng pháo phòng không khu vực bắn rơi một F4 nữa.
Tại Thái Nguyên, từ 23 giờ 30 phút đến 0 giờ 45 phút, B-52 đánh vào Nhà máy Điện Cao Ngạn và Nhà mày Giấy Hoàng Văn Thụ. 
Tại Hà Nội, máy bay F-111 vào đánh xen kẽ. Các tốp máy bay cường kích chiến thuật săn tìm trận địa tên lửa, bay lởn vởn vòng ngoài hoả lực làm mồi nhử cho tên lửa đánh để khi B-52 vào thì tên lửa không còn đạn, đồng thời nhử cho ta phát sóng tự bộc lộ đội hình để đánh trả bằng tên lửa tự dẫn. Các tiểu đoàn tên lửa đã  dày dạn với thủ đoạn nghi binh của địch nên không bị lừa. Đây cũng là một vấn đề rất nghệ thuật, muốn đánh được địch, trước hết không bị địch lừa để đánh mình.
4 giờ 10 phút ngày 21/12, địch lại tổ chức trận tập kích thứ 3 vào Hà Nội với 45 lần chiếc B-52. Hướng đánh vẫn từ tây bắc xuống, tập trung vào khu vực Yên Viên, Đông Anh, Gia Lâm. Lúc này, đạn ở một số tiểu đoàn tên lửa chưa được bổ sung. Đây là một tình huống hết sức khó khăn, Bộ Tư lệnh QC PK-KQ và Sư đoàn Phòng không Hà Nội chỉ thị các đơn vị tích cực đánh bằng phương pháp hiệu quả nhất, đánh tiết kiệm đạn, đánh chắc thắng, tiếp tục bắn rơi tại chỗ B-52; đồng thời chỉ thị cho Cục Kỹ thuật tìm mọi cách tăng nhanh số lượng đạn ở các tiểu đoàn hoả lực; các lực lượng pháo cao xạ tích cực đánh địch bảo vệ trận địa tên lửa... 
Cán bộ, chiến sĩ bảo đảm kĩ thuật làm việc liên tục, lắp ráp, vận chuyển tiếp đạn tên lửa với tinh thần tất cả vì chiến thắng, cho đến gần sáng ngày 21, đạn đã được bổ sung tương đối đầy đủ cho các trận địa hoả lực.
Sau các trận đánh tập trung, khi đạn bảo đảm chưa kịp, các đơn vị phải cân nhắc tính toán sử dụng trong từng trận và chọn phương pháp điều khiển thích hợp. Lúc 5 giờ 9 phút, Tiểu đoàn 77 bắn trúng một B-52 rơi xuống Phúc Yên, Tiểu đoàn 57 Trung đoàn Tên lửa 261 bắn rơi một B-52 khác. Năm phút sau, Tiểu đoàn 79 Trung đoàn Tên lửa 257 lại bắn rơi một B-52 tại khu vực Phả Lại. 
Với cự li đánh và phương pháp điều khiển thích hợp, với trình độ bám sát điêu luyện của kíp chiến đấu, chỉ 13 phút sau, bằng một quả đạn, Tiểu đoàn 57 Trung đoàn Tên lửa 261 bắn một B-52 rơi xuống khu vực chợ Thá-Núi Đôi. 
Đó là trận đánh cuối cùng kết thúc chiến đấu đêm 20 rạng sáng ngày 21/12 và cũng là trận đánh hết sức điển hình về tài nghệ chiến đấu của bộ đội tên lửa.
Thắng lớn
Đêm 20 rạng ngày 21, ta thắng lớn, bắn rơi 19 máy bay địch, trong đó có 7 chiếc B-52. Hiệu suất chiến đấu đêm 20 rạng ngày 21 đạt rất cao, chỉ trong 9 phút của đợt đầu ta đã bắn rơi 3 máy bay B-52, trong đó có 2 chiếc rơi tại chỗ. Trong 20 phút của đợt 3, ta đã bắn rơi 4 máy bay B-52, trong đó có 3 chiếc rơi tại chỗ.
Trận đánh đêm 20 rạng ngày 21/12 thực sự là một trận đánh then chốt tiêu diệt lớn B-52 của địch, làm thay đổi lớn về kế hoạch sử dụng lực lượng và cách đánh cả của địch và của ta. Đối với địch, trong một đêm bị tiêu diệt 7 máy bay B-52, trong đó có 5 chiếc rơi tại chỗ, nhiều giặc lái bị chết và bị bắt sống đã gây nên nỗi kinh hoàng cho Ních-xơn và các tướng lĩnh điều hành trận đánh, gây hoang mang trong hàng ngũ giặc lái B-52. 
Các nhà quân sự Mỹ và chính  Bộ Tư lệnh Không quân chiến lược Mỹ cũng đánh giá: “SAC không thể tiếp tục làm nhiệm vụ nếu để mất mỗi đêm 6 máy bay B-52 hoặc thậm chí chỉ 3 chiếc thôi”.
Cùng với thắng lợi của các trận đánh đêm 18 và đêm 19, trận đánh đêm 20 đã phá vỡ kế hoạch ban đầu của cuộc tập kích chiến lược. Níchxơn cho rằng chỉ cần 3 ngày cũng đủ làm cho ta phải khuất phục, nhưng thực tế trong 3 ngày, 30 máy bay bị bắn rơi, trong đó có 11 chiếc B-52, kể cả 1 chiếc do tên lửa ta ở Nghệ An bắn rơi, tỉ lệ máy bay B-52 của Mỹ bị bắn rơi ngày càng tăng.
Đối với ta, trận then chốt tiêu diệt lớn B-52 đêm 20 có ý nghĩa lớn về xây dựng quyết tâm và phát triển cách đánh chiến dịch, càng khẳng định vai trò của từng lực lượng trong tác chiến chiến dịch, tạo điều kiện cho cách đánh tập trung của tên lửa có hiệu quả, phát huy được mọi cách đánh của tiểu đoàn hoả lực tên lửa…

Đọc thêm

Bảo vệ và giáo dục quyền con người được thực hiện với tất cả trách nhiệm, không hình thức

Thủ tướng phát biểu tại Hội nghị. Ảnh: Nhật Bắc
(PLVN) - "Tại Việt Nam, việc bảo vệ quyền con người và giáo dục quyền con người được thực hiện thường xuyên, xuyên suốt, được khẳng định trong đường lối, chính sách, tổ chức thực hiện với tất cả trách nhiệm, không hình thức", Thủ tướng Phạm Minh Chính nhấn mạnh khi phát biểu chỉ đạo tại Hội nghị toàn quốc về giáo dục quyền con người, do Học viện Chính trị quốc gia Hồ Chí Minh tổ chức ngày 11/12.

Tổng Bí thư Tô Lâm: Xây dựng tỉnh Đồng Tháp phát triển trong nhóm dẫn đầu vùng Đồng bằng sông Cửu Long

Tổng Bí thư Tô Lâm: Xây dựng tỉnh Đồng Tháp phát triển trong nhóm dẫn đầu vùng Đồng bằng sông Cửu Long
Sáng 11/12, Tổng Bí thư Tô Lâm cùng Đoàn Công tác của Trung ương đã thăm và làm việc với Ban Thường vụ Tỉnh ủy Đồng Tháp về tình hình thực hiện Nghị quyết Đại hội XIII của Đảng, Nghị quyết Đại hội đại biểu Đảng bộ tỉnh Đồng Tháp lần thứ XI, nhiệm kỳ 2020 - 2025; việc thực hiện Chỉ thị số 35-CT/TW của Bộ Chính trị về đại hội đảng bộ các cấp tiến tới Đại hội đại biểu toàn quốc lần thứ XIV của Đảng.

Việt Nam luôn tôn trọng, bảo đảm, bảo vệ quyền con người

Toàn cảnh Hội nghị tại Học viện Chính trị quốc gia Hồ Chí Minh. Ảnh: V.Anh
(PLVN) - Sáng 11/12, Hà Nội và các điểm cầu trực tuyến tại 63 tỉnh, thành phố diễn ra Hội nghị toàn quốc về giáo dục quyền con người, do Học viện Chính trị quốc gia Hồ Chí Minh tổ chức. Thủ tướng Chính phủ Phạm Minh Chính chủ trì hội nghị.

Giai cấp công nhân Việt Nam ngày càng đóng góp cho sự phát triển của đất nước

Giai cấp công nhân Việt Nam ngày càng đóng góp cho sự phát triển của đất nước
(PLVN) -  Sáng 10/12, Tổng Liên đoàn Lao động (LĐLĐ) Việt Nam tổ chức hội nghị đánh giá kết quả 15 năm thực hiện Chương trình hành động triển khai Nghị quyết số 20-NQ/TW ngày 28/1/2008 của Ban Chấp hành Trung ương Đảng khóa X về “Tiếp tục xây dựng giai cấp công nhân Việt Nam thời kỳ đẩy mạnh công nghiệp hóa, hiện đại hóa đất nước”.

Ông Phạm Đức Ấn làm Chủ tịch UBND tỉnh Quảng Ninh

Ông Phạm Đức Ấn làm Chủ tịch UBND tỉnh Quảng Ninh
HĐND tỉnh Quảng Ninh nhất trí bầu bà Trịnh Thị Minh Thanh – Phó Bí thư Thường trực Tỉnh ủy Quảng Ninh, làm Chủ tịch HĐND tỉnh Quảng Ninh; ông Phạm Đức Ấn - Phó Bí thư Tỉnh ủy làm Chủ tịch UBND tỉnh Quảng Ninh khóa XIV...