Kinh hoàng thành phố tươi đẹp lụi tàn sau… một phút

Kinh hoàng thành phố tươi đẹp lụi tàn sau… một phút
(PLO) - Trận động đất ở San Francisco năm 1906 là một trong những trận động đất kinh hoàng nhất đối với nước Mỹ cho đến tận bây giờ. Mặc dù đã xảy ra cách đây hơn 100 năm nhưng mỗi khi nhắc lại người ta đều cảm thấy sợ hãi trước những hậu quả mà nó để lại. 

Tổng số người chết do động đất và hỏa hoạn ước tính hơn 3.000 người, gây ảnh hưởng và hậu quả về kinh tế có thể so sánh ngang với siêu bão Katrina.

Nhiều dấu hiệu báo trước

Trước đó đã có nhiều những trận động đất nhỏ trước khi diễn ra thảm họa năm 1906. Theo các nhà nghiên cứu, ở những năm trước khi xảy ra thảm họa, tâm chấn của trận động đất được giả định là gần thị trấn Olema, thuộc khu vực Point Reyes của Quận Marin, vì những mức độ dịch chuyển của trái đất.

Cũng trong những năm 1960, một nhà địa chấn học tại UC Berkeley đưa ra những thông tin rằng tâm chấn là nhiều khả năng nằm ở ngoài khơi của San Francisco, ở phía tây bắc của cầu Cổng Vàng. 

Sau đó, những phân tích của Cục Khảo sát Địa chất Hoa Kỳ (USGS) cho thấy rằng tâm chấn rất có thể là Mussel Rock, bờ biển của thành phố Daly, một vùng ngoại ô lân cận ở phía Nam San Francisco.

Không chỉ thế, tâm chấn của trận động đất này còn được người ta nhận thấy sau sự xuất hiện của một cơn sóng thần nhỏ, được máy đo thủy triều ghi nhận, sóng có biên độ khoảng 8cm và diễn ra trong khoảng 40-45 phút.

Có thể nói,thảm họa trận động đất này đã được theo dõi và các nhà khoa học cũng đã xác định được rằng sẽ có động đất xảy ra. Tuy nhiên, mức độ nghiêm trọng của thảm họa thì dường như không ai lường trước được. 

Ngày 18/4/1906 vào lúc 5:12 sáng (theo giờ địa phương) tại bờ biển phía Bắc California, đã diễn ra một trận động đất với cường độ 7,8 độ richer. Tâm chấn nằm ở ngoài khơi cách thành phố 3km, gần Mussel Rock. Trận động đất đã gây nứt vỡ dọc theo đứt gãy San Andreas về cả hướng bắc và nam với tổng chiều dài 477km. Độ rung chấn có thể cảm nhận được từ Eureka trên bờ biển Bắc đến

Thung lũng Salinas, một vùng nông nghiệp ở phía nam của khu vực vịnh San Francisco, từ Oregon đến Los Angeles, và cả trung tâm Nevada. Những đám cháy nổ ra trong thành phố và kéo dài trong vài ngày. Kết quả là, khoảng 3.000 người đã thiệt mạng và hơn 80% thành phố San Francisco đã bị phá hủy. Trận động đất và hỏa hoạn này có thể được xem là thảm họa tồi tệ nhất trong lịch sử Hoa Kỳ. 

Được biết, diễn biến đầu tiên của thảm họa là những tiền chấn (dư chấn trước cơn động đất) kéo dài khoảng 20-25 giây. Sau đó, những trận rung lắc mạnh kéo dài khoảng 42 giây. Như vậy, chỉ diễn ra trong khoảng trên dưới 1 phút, nhưng hậu quả mà nó để lại có thể khiến người ta tưởng tượng ra được những cơn rung lắc, nứt gãy diễn ra mạnh và nhanh đến như thế nào.

Trận động đất này là kết quả của sự tích lũy suốt 3 thế kỷ, khiến cho lớp vỏ trái đất bị biến dạng nghiêm trọng, vết nứt gãy dài đến hơn 450km. Tâm chấn nằm ở ngoài khơi, cách thành phố hơn 3km, những trận rung lắc mạnh có thể cảm nhận thấy từ Oregon đến Los Angeles, và nội địa như trung tâm Nevada.

Những trận động đất khiến cho thành phố rung chuyển và hậu quả ngay sau những trận động đất là những vụ cháy nổ, hỏa hoạn trên toàn thành phố. Chỉ trong 3 ngày, hơn 30 vụ cháy nổ đã xảy ra, nguyên nhân là do trận động đất làm vỡ đường ống dẫn khí của thành phố.

Các vụ nổ xảy ra liên tục khiến cho hệ thống đường ống dẫn nước của thành phố bị phá hủy, nhân viên cứu hỏa không có phương tiện để dập tắt những đám cháy. Bầu trời nghi ngút khói, nhà cửa tan hoang, người chết người bị thương la liệt khắp nơi... Các tòa nhà nối nhau sụp đổ, 250.000 người bị mất nhà cửa, 490 công trình thành phố bị phá hủy.... 

Hậu quả đau thương 

Ngay sau khi thảm họa xảy ra, trong một báo cáo về số người chết do quan chức chính phủ bịa ra, số người thiệt mạng chỉ có 376 người chết, lý do là bởi nếu công bố con số thật, việc này sẽ ảnh hưởng rất lớn đến giá bất động sản và những nỗ lực để xây dựng lại thành phố trong thời gian tới.

Thêm vào đó, hàng trăm người chết ở phố người Hoa đã bị bỏ qua và không được ghi nhận. Ngày nay, theo con số được đính chính một cách chính xác nhất là có ít nhất 3.000 người chết. Hầu hết người chết là ở San Francisco, và có 189 người chết trong vùng vịnh; các thành phố lân cận như Santa Rosa, San Jose và Stanford cũng chịu ảnh hưởng.

Những người còn sống phải ngủ trong lều trong công viên thành phố, đứng hàng dài để được phân phát thực phẩm và phải nấu ăn trên đường phố để giảm thiểu nguy cơ cho các vụ cháy nổ.

Các tờ báo lúc đó miêu tả công viên Cổng Vàng, Presidio, Panhandle và các bãi biển như giữa Ingleside và North Beach đẹp đẽ giờ đây bị che phủ kín bằng lều trại và những cảnh tượng tang thương, đau đớn. Cho đến tận hơn hai năm sau (1908), nhiều trại tị nạn ở đây vẫn còn hoạt động. 

Trong vài ngày đầu, hơn 4.000 binh lính quân đội nhanh chóng được huy động để tuần tra đường phố, ngăn chặn cướp bóc và bảo vệ các tòa nhà như Cục Đúc tiền Kim loại Hoa Kỳ, bưu điện, nhà tù... Hỗ trợ cho nhân viên cứu hỏa dập tắt các đám cháy và tìm kiếm người bị nạn. Đồng thời, quân đội cũng trở thành lực lượng có trách nhiệm nuôi dưỡng, bảo vệ, phân phát thực phẩm và quần áo cho hàng chục ngàn cư dân di dời của thành phố. 

Phía Quốc hội và Thượng viện cũng nhanh chóng cung cấp tiền cho thành phố để kịp thời ứng cứu thực phẩm, nước, lều, chăn, và vật tư y tế cho người dân trong những tuần sau trận động đất và hỏa hoạn.

Đồng thời, tiền cũng được đổ vào để xây dựng, sửa chữa lại các tòa nhà công cộng bị hư hại hoặc bị phá hủy hoàn toàn. Trong vài ngày đầu tiên, sau khi nhận được tin tức về vụ thảm họa, nhiều nước trên thế giới đã nỗ lực cứu trợ với số tiền lên đến 5 triệu USD. Riêng London đã gửi tặng số tiền lên đến hàng trăm ngàn đô la.... 

Vào thời điểm xảy ta thảm họa, San Francisco là thành phố lớn thứ 9 tại Hoa Kỳ và lớn nhất ở bờ biển phía Tây, với dân số khoảng 410.000 người. Trong khoảng 60 năm trước đó, thành phố còn được coi là trung tâm tài chính, thương mại và là trung tâm văn hóa của phương Tây.

Ngoài ra, nó còn là cửa cảng đông đúc nhất trên bờ biển phía Tây, là cửa ngõ đến Thái Bình Dương, chỉ thế thôi cũng đủ thấy sự phát triển về tiềm lực kinh tế cũng như quân sự của nó ở Thái Bình Dương và châu Á.

Trận động đất và hỏa hoạn đã để lại những hậu quả to lớn đối với sự phát triển của tiểu bang California. Tuy nhiên, ngay sau đó, bất chấp sự tàn phá của thảm họa, San Francisco sau đó cũng nhanh chóng được phục hồi theo kế hoạch của chính quyền thành phố.

Từ một thành phố cảng cổ điển, phát triển một cách bừa bãi thì nay thành phố này được xây dựng lại với cấu trúc hợp lý và thanh lịch hơn. Thương mại, kinh tế, du lịch... cũng nhanh chóng được gây dựng lại. Vụ thảm họa đã phá hủy mọi thứ nhưng lại khuyến khích sự phát triển của các đô thị mới, và giờ đây trong thế kỷ 20 đã trở thành khu đô thị lớn nhất và quan trọng nhất ở phương Tây. 

Đọc thêm

Nghề giáo bốn phương

Giải thưởng Nhà giáo Ghana 2024 là một trong những giải thưởng cao quý nhất để công nhận, tôn vinh những đóng góp của các giáo viên khắp cả nước này. (Ảnh: UNICEF)
(PLVN) - Giáo viên tại các quốc gia đang phát triển thường xuyên đối diện với nhiều thách thức lớn như nghèo đói, thiếu hụt nguồn lực, lớp học quá tải, điều kiện công nghệ hạn chế. Tuy nhiên, họ vẫn luôn kiên trì và tận tâm, không ngừng nỗ lực vượt qua mọi khó khăn để mang lại tri thức và hy vọng cho từng học sinh, dù cho điều đó đôi khi vượt xa trách nhiệm công việc của họ.

Nghề độc đáo ở Nhật Bản: Ra sức 'nhồi nhét' khách lên tàu, mỗi năm thu nhập trên 800 triệu đồng

 Số lượng người dân đi tàu điện ngầm ở Nhật Bản lúc nào cũng quá tải. (Ảnh: Japan Insider)
(PLVN) - Nhật Bản vốn nổi tiếng là đất nước sử dụng tàu điện ngầm là phương tiện giao thông chính và quan trọng, phục vụ hàng triệu người mỗi ngày. Với hệ thống tàu điện hiện đại, hiệu quả và có mặt khắp các thành phố lớn, việc sử dụng tàu điện là cách tốt nhất để di chuyển trong và ngoài thành phố.

Úc cấm trẻ em dưới 16 tuổi sử dụng mạng xã hội

Hình minh họa
(PLVN) - Chính phủ Úc vừa cam kết sẽ ban hành luật giới hạn độ tuổi sử dụng mạng xã hội là 16 tuổi, kèm theo hình phạt cho các nền tảng không tuân thủ. Tuy nhiên, vẫn chưa rõ làm thế nào để các ông lớn công nghệ như Facebook, Instagram, TikTok... có thể thực thi hiệu quả quy định này.