Người 'núp bóng' ông Hồ Cẩm Đào 'làm mưa làm gió' ở Trung Quốc

Lệnh Kế Hoạch trên ghế bị cáo.
Lệnh Kế Hoạch trên ghế bị cáo.
(PLO) - Trong vụ án Lệnh Kế Hoạch, chuyện phức tạp nhất và được quan tâm nhất chính là mối quan hệ giữa ông ta với các ông Hồ Cẩm Đào, Giang Trạch Dân, Chu Vĩnh Khang và Bạc Hy Lai. 

Lệnh Kế Hoạch có phải “cùng hệ phái” được ông Hồ Cẩm Đào ra tay đề bạt? Hay là tay trong do Giang Trạch Dân sắp xếp? Rốt cục Lệnh Kế Hoạch ngả về ai giữa hai người?.

Quan hệ giữa Lệnh Kế Hoạch và Bạc Hy Lai là thế nào? Trước khi xảy ra vụ tai nạn Ferrari giữa Lệnh Kế Hoạch và Chu Vĩnh Khang  đã có giao kèo gì chưa? Đó quả là những mối quan hệ chằng chịt, rắc rối…

Quan hệ chằng chịt, phức tạp

Trước khi xảy ra vụ tai nạn xe Ferrari, không ai nghi ngờ gì về sự trung thành của Lệnh Kế Hoạch với sếp trên trực tiếp Hồ Cẩm Đào. Từ tháng 9/2007 đến tháng 9/2012, Lệnh Kế Hoạch giữ chức Chủ nhiệm Văn phòng Trung ương, được truyền thông gọi nôm na là “Đại nội tổng quản”.

Trong thời gian đó, Lệnh thường xuyên tháp tùng ông Hồ Cẩm Đào đi khắp mọi nơi, nhưng rất khi xuất hiện trên các phương tiện truyền thông. Theo báo chí, Lệnh giữ vai trò quan trọng trong các quyết sách của trung ương, cụ thể tới mức sắp xếp thời gian để ông Hồ Cẩm Đào xem bản tin Thời sự nào của CCTV.

Tờ Minh Báo (Hong Kong) ngày 12/3/2011 đưa một tin cho thấy vai trò là cầu nối quan trọng của Lệnh trong việc vận hành của trung ương: 15h57 ngày 11/3, Chánh án Tòa án tối cao Vương Thắng Tuấn đang báo cáo trước các đại biểu dự kỳ họp Quốc hội và Chính Hiệp.

Một nhân viên công tác bước lên Đoàn chủ tịch, đưa một mảnh giấy cho Lệnh Kế Hoạch đọc rồi đưa tiếp cho Hồ Cẩm Đào và Ôn Gia Bảo (Thủ tướng). Các ông Hồ, Ôn xem xong lần lượt ghi ý kiến vào tờ giấy, nhân viên công tác đứng bên cạnh chờ.

Sau khi ghi gì đó vào giấy, Hồ, Ôn đều trao đổi mấy câu với nhân viên công tác, nghe xong, nhân viên công tác mang tờ giấy trao lại cho Lệnh Kế Hoạch. Lệnh ghi gì đó, cũng nói mấy câu. Sau đó, nhân viên công tác đến hàng ghế thứ hai trên Đoàn chủ tịch, gọi Phó thủ tướng phụ trách công tác cứu hộ cứu nạn Hồi Lương Ngọc ra ngoài, Lệnh Kế Hoạch cũng ra theo.

Khoảng 10 phút sau, Hồi Lương Ngọc trở lại Đoàn chủ tịch gọi Phó chủ tịch Quân ủy Quách Bá Hùng và Ủy viên Quốc vụ phụ trách đối ngoại Đới Bỉnh Quốc ra.  Đến 16h30, Quách, Đới và Lệnh cùng quay lại chỗ ngồi, cho thấy công việc khẩn cấp đã xử lý xong, Đoàn chủ tịch yên tĩnh trở lại.

Vụ việc “công vụ khẩn cấp” đó là gì, tờ báo nói “vẫn là điều bí ẩn”, nhưng toàn bộ quá trình diễn ra cho thấy vai trò, tác dụng quan trọng của “Đại nội tổng quản” Lệnh Kế Hoạch trong quy trình vận hành của trung ương.

Một quan chức từng công tác 6 năm tại Văn phòng của Hồ Cẩm Đào sau khi bị giáng chức đã viết bài đăng trên báo chí hải ngoại tiết lộ: Hồ Cẩm Đào thường “ẩn sau không lộ diện” khiến người ta không hiểu chuyện gì đã xảy ra.

Người này cho rằng: “lãnh đạo Văn phòng của Hồ Cẩm Đào là Lệnh Kế Hoạch và thư ký của Lệnh mới là người quyết định mọi việc lớn nhỏ của Trung Quốc chứ không phải là Tổng Bí thư”. Bài báo này đã được đăng trên mạng “Boxun” tháng 9/2010.

Vợ chồng Lệnh Kế Hoạch, Cốc Lệ Bình và 6 trong số những người đưa hối lộ cho họ

 Vợ chồng Lệnh Kế Hoạch, Cốc Lệ Bình và 6 trong số những người đưa hối lộ cho họ

“Man Thiên quá hải” - Lừa dối, qua mặt

Sau khi xảy ra vụ tai nạn xe Ferrari ngày 18/3/2012, Lệnh Kế Hoạch định “man thiên quá hải’, giấu nhẹm vụ việc. Sau khi chuyện bị bại lộ, ông ta cầu cứu Hồ Cẩm Đào. Theo “Tuần san châu Á”, cuối tháng 7/2014, Lệnh đến nhà riêng Hồ Cẩm Đào khẩn cầu Hồ ra mặt nói đỡ với ông Tập Cận Bình.

Lệnh khẳng định mình không làm gì vi phạm kỷ cương pháp luật, là do anh em trong gia đình xảy ra một số chuyện, bản thân cũng không biết rõ. Làm việc bao năm ở Văn phòng trung ương như thế, hẳn cũng khó tránh khỏi mất lòng một số người, nên có người trong đảng muốn lấy cớ để bôi đen (ma quỷ hóa) Lệnh.

Tờ “Minh Kính” dẫn lời một người thân cận Hồ Cẩm Đào kể: Lệnh khóc nức nở, cam kết với Hồ Cẩm Đào “Nếu tất cả cán bộ trong nước đều tham nhũng hủ bại, thì Lệnh Kế Hoạch tôi cũng vẫn là quan thanh liêm. Hàng ngày tôi đều miệt mài trung thành làm việc bên cạnh Tổng bí thư, về nhà chỉ để thay quần áo, thời gian đâu mà tham nhũng…”. Có báo đưa tin, thậm chí Lệnh còn quỳ xuống cầu cứu Hồ Cẩm Đào. Nhưng Hồ Cẩm Đào không tỏ rõ thái độ trước màn kịch mà Lệnh diễn.

Tháng 11/2012, sau khi hoàn toàn rút lui, Hồ Cẩm Đào “thống định tư thống” (càng nghĩ càng thấy đau). Ông phát hiện ra mình đã bị Lệnh Kế Hoạch qua mặt, bán đứt trong nhiều việc. Điều ông không thể chịu được là trong nhiều vụ sắp đặt quyết định nhân sự, Lệnh đã không báo cáo thực, thậm chí cố ý lừa dối ông, cụ thể là việc đề bạt Tưởng Khiết Mẫn và Lưu Thiết Nam.

Theo tạp chí “Tiền Tiêu” số 12/2013, Lưu Thiết Nam là kẻ “vạn người ghét” ở Ủy ban Cải cách phát triển quốc gia, không đạt yêu cầu trong nhiều đợt thi tuyển chuyên môn, nhưng năm 2006 đột nhiên được đề bạt làm Phó Chủ nhiệm Văn phòng Đông Bắc, từ cấp vụ vọt lên cấp Thứ trưởng.

Lý do được đưa ra để dẹp bỏ những lời bàn tán xôn xao là “Lưu Thiết Nam đã sửa chữa các khuyết điểm”; sau đó mặc dù ốm nặng vẫn được bổ nhiệm Cục trưởng Tài nguyên quốc gia (cấp Bộ trưởng).

Tất cả đều do Lệnh Kế Hoạch giả danh Hồ Cẩm Đào để đề bạt người đồng hương Sơn Tây. Người ngoài biết Lưu là người của Giang Trạch Dân, nhưng Lưu đã thông qua Đinh Thư Miêu   để tiếp cận Lệnh Kế Hoạch ở câu lạc bộ quan chức cao cấp “Tây Sơn hội”.

Vì thế, Hồ Cẩm Đào không nói đỡ gì cho Lệnh Kế Hoạch. Thậm chí có người cho biết ông ta còn nói với những người xung quanh: “Tưởng Khiết Mẫn, Lưu Thiết Nam rụng hết, không liên quan gì đến tôi, họ không do tôi đề bạt. Người đó (Lệnh Kế Hoạch) thông minh lắm mà, tự làm thì tự chịu thôi”.

Có báo viết, sau đó Hồ Cẩm Đào nói với Tập Cận Bình: Dù là ai, nếu liên quan đến tham nhũng cứ thẳng tay điều tra, “ý tại ngôn ngoại” là: Hồ không can thiệp việc điều tra Lệnh Kế Hoạch, ngầm đồng ý việc xử lý Lệnh, khiến Lệnh không còn đường thoát.

Lệnh Kế Hoạch ra sức tạo nên ấn tượng mình là người được Hồ Cẩm Đào lựa chọn, là người thuộc “hệ Đoàn”, được đề bạt từ trung ương Đoàn lên. Xem xét lý lịch chính thức được công bố thì thấy: năm 1979 khi Lệnh về trung ương Đoàn, Hồ Cẩm Đào hãy còn là Phó phòng ở tỉnh ủy Cam Túc.

Tháng 12/1982, khi Hồ Cẩm Đào về TW Đoàn, làm Bí thư thì Lệnh đang được đưa về Hà Bắc 1 năm, sau đó đi học Học viện Thanh niên 2 năm. Năm 1985 khi Hồ Cẩm Đào rời TW Đoàn đi làm Bí thư tỉnh ủy Quý Châu thì Lệnh Kế Hoạch mới tốt nghiệp, quay trở về TW Đoàn làm việc đến 1995.

Hồ Cẩm Đào thì 1992 về Tây Tạng làm lãnh đạo số 1. 16 năm đó, giữa hai người hầu như không gắn với nhau, không thể nói là cùng ở TW Đoàn, cũng chẳng phải là người của Hồ Cẩm Đào…

Sự thăng tiến của Lệnh Kế Hoạch bắt đầu từ 1995, 3 năm sau khi Hồ Cẩm Đào trở thành “người kế tục”. Lệnh Kế Hoạch làm Trưởng ban Tuyên huấn TW Đoàn, được điều sang Văn phòng TW Đảng, làm công tác nghiên cứu 3 năm.

Tháng 8/2014, sau khi vụ việc Lệnh Kế Hoạch vỡ lỡ, nhiều báo hải ngoại đưa tin: Hồ Cẩm Đào phân trần với những người xung quanh: Tuy Lệnh Kế Hoạch nhiều năm làm thư ký và “đại tổng quản” cho Hồ, nhưng cơ bản không phải là người của ông ta và cũng không phải là thành viên “hệ Đoàn” do ông đích thân đề bạt.

Giới phân tích chính trị cho rằng, đề bạt Lệnh Kế Hoạch làm Chủ nhiệm VPTW Đảng không phải Hồ Cẩm Đào mà là nhóm lợi ích đứng sau, trong đó có các thế lực “thái tử đảng”; cũng có thể nói Lệnh Kế Hoạch là tai mắt được nhiều thế lực cài cắm bên cạnh ông Hồ Cẩm Đào...

(Mời xem tiếp trên Pháp luật 4 phương số 68, ngày 29/8/2016)

Tin cùng chuyên mục

Đọc thêm

Loạt thảm họa xảy ra trên thế giới tuần qua

Loạt thảm họa xảy ra trên thế giới tuần qua
(PLVN) - Tuần qua, thế giới chứng kiến hàng loạt sự cố khiến nhiều người chết và bị thương, từ vụ cháy rừng kinh hoàng ở California, va chạm tàu điện tại Pháp, nổ trạm xăng tại Yemen... đến những tai nạn giao thông nghiêm trọng ở Cuba, Pakistan và Nam Phi.

Bác sĩ quân y thừa nhận lạm dụng tình dục 41 nạn nhân

Bác sĩ quân y thừa nhận lạm dụng tình dục 41 nạn nhân
(PLVN) - Bác sĩ quân y Michael Stockin đã nhận tội lạm dụng tình dục hàng chục binh sĩ tại căn cứ Lewis-McChord, Washington, Mỹ. Vụ việc được xem là một trong những bê bối lạm dụng tình dục lớn nhất trong lịch sử quân đội Mỹ, đặt ra yêu cầu khẩn cấp về việc giám sát và cải thiện chính sách tuyển dụng trong quân đội.

Đã có ít nhất 125 người thiệt mạng trong vụ động đất ở Tây Tạng, Trung Quốc

Những ngôi nhà bị hư hại được chụp ảnh sau trận động đất (Ảnh: Reuters)
(PLVN) - Trận động đất mạnh 7,1 độ richter đã xảy ra tại khu vực hẻo lánh ở phía nam Tây Tạng, gần biên giới Trung Quốc và Nepal, khiến ít nhất 125 người thiệt mạng và 188 người bị thương. Sự kiện đau lòng này đã làm sụp đổ hàng nghìn ngôi nhà và gây ảnh hưởng nghiêm trọng đến đời sống của người dân địa phương.

Phát hiện thi thể một nhà báo chống tham nhũng trong bể phốt

Nhà báo Mukesh Chandrakar (Ảnh: The Guardian)
(PLVN) - Anh Mukesh Chandrakar, một nhà báo nổi tiếng ở bang Chhattisgarh, Ấn Độ, đã bị phát hiện tử vong trong một bể phốt với dấu hiệu bị sát hại. Sự việc gây chấn động dư luận và đặt ra yêu cầu cấp bách về việc bảo vệ an toàn cho các nhà báo trong môi trường làm việc nguy hiểm.