Thuốc là “con dao hai lưỡi”, nếu sử dụng thuốc không đúng cách sẽ để lại những hậu quả rất khó lường. Tuy nhiên, trong thực tế, nhiều hiện tượng đau lòng vì sử dụng thuốc sai vẫn xảy ra “như cơm bữa”.
Tin thầy... suýt chết oan
Trao đổi với PLVN, PGS.TS.Nguyễn Văn Đoàn - Giám đốc Trung tâm Dị ứng - Miễn dịch lâm sàng, Bệnh viện (BV) Bạch Mai kiêm Trưởng Bộ môn dị ứng, Đại học Y Hà Nội cho hay: Mỗi tuần, Trung tâm tiếp nhận hàng chục bệnh nhân (BN) bị dị ứng thuốc (DƯT) đến khám và điều trị, trong đó khoảng 20% BN có các biểu hiện nặng như sốc phản vệ, hồng ban đa dạng...
TS.Đoàn cho hay, DƯT có thể xảy ra với bất kì ai và nằm ngoài ý muốn của BS cũng như người bệnh, đặc biệt trên những người có cơ địa dị ứng. Trong trường hợp bị sốc phản vệ hay gặp các hội chứng nặng, nếu không được cấp cứu kịp thời, BN sẽ khó tránh khỏi tử vong. Trường hợp của bác Đậu Thị Th. (67 tuổi, ở xã Xuân Lâm, huyện Nam Đàn, tỉnh Nghệ An) là một minh chứng sinh động.
Khuôn mặt bị biến dạng của bệnh nhân Đậu Thị Th. |
Tuy đã điều trị hơn 1 tuần nay ở Trung tâm Dị ứng - Miễn dịch lâm sàng nhưng hai mắt bác Th. vẫn sưng vù, toàn bộ da mặt bị cháy xém với những nốt phồng mọng nước, tróc lở nham nhở. Hiện, những nốt phồng rộp ấy vẫn vỡ ra và chảy nước khiến bác phải liên tục dùng giấy thấm. Không chỉ thế, toàn bộ phần thân, lưng, tay đến tận gan bàn chân cũng dày đặc những nốt mụn đỏ như phát ban, đau rát khiến bác không đi lại được. Phần miệng, lưỡi cũng nổi đầy mụn bỏng rát, ăn uống và giao tiếp rất khó khăn.
Chồng bác Th. cho biết: Vợ tôi bị bệnh tiểu đường đã 10 năm nay. Đầu tháng 6/2011, bà ấy đi khám tại BV Đa khoa huyện Nam Đàn vì bị đau ngón tay cái và có biểu hiện lắc đầu. Sau khi khám, các bác sĩ kết luận tay bà đau là do bị bệnh Gout, còn biểu hiện lắc đầu thì bác sĩ kê đơn cho bà Th. uống thực phẩm chức năng. Theo đơn thuốc của bác sĩ kê, bác Th. ra hiệu thuốc BV mua về nhà điều trị khoảng 2 tuần thì thấy người mệt mỏi rã rời, kém ăn. Đến ngày hôm sau mắt đỏ, môi khô phồng rộp, trong miệng xuất hiện các nốt viêm và mặt đỏ phừng phừng như người uống rượu.
Thấy tình thế của bác Th. đã đến hồi nguy cấp, gia đình vội vàng đưa bác đến BV Đa khoa huyện cấp cứu, rồi ngay sau đó được đưa lên BV tỉnh. Tại đây, các BS đã xét nghiệm máu và kết luận bác bị DƯT ở thể nặng và chuyển ngay đi cấp cứu tại BV Bạch Mai trong tình trạng mắt sưng to không nhìn thấy gì nữa, mặt thì phù to biến dạng, toàn thân nổi đầy nốt phỏng, đau rát, chảy nước...
Sau khi làm xét nghiệm, các BS BV Bạch Mai chẩn đoán BN bị DƯT điều trị Gout (trong khi chưa chắc bác Th. đã bị bệnh này). Các BS BV Bạch Mai cho hay, cũng may bác Th. được chuyển đến BV rất kịp thời, nếu không sẽ rất nguy hiểm đến tính mạng...
Cảnh giác với thuốc đông y tự chế
Mới sinh con đầu lòng, tuy không mắc bệnh gì nhưng nghe lời mách bảo của mấy người hàng xóm, chị Dương Thị H. (28 tuổi, ở Nghi Xuân, Hà Tĩnh) vẫn tìm đến nhà một thầy lang vườn ở thôn bên cắt mấy thang thuốc bổ sữa về uống.
Sau khi uống hết thuốc bổ sữa, chị H. bị cảm nên lại đi cắt 2 thang thuốc chữa cảm về uống vì nghĩ sẽ không gây hại đến con. Nhưng chỉ uống đến thang thuốc thứ hai, chị H. đã bị nổi mụn đỏ khắp cơ thể từ đầu đến chân, mắt sưng không nhìn được. Sau 1 tuần điều trị tại BV Đa khoa Nghệ An không đỡ, ngày 1/7, chị H. được chuyển lên điều trị tại BV Bạch Mai do DƯT đông y. Hiện tại, chị H. vẫn đang phải nằm điều trị tại BV. Phần vì đường xá xa xôi, phần vì chị phải tiêm và uống thuốc kháng sinh nên con chị mới chưa đầy 2 tháng tuổi đành phải rời xa vú mẹ, chấp nhận cảnh đi bú nhờ và ăn sữa ngoài...
“Nằm ở đây mà ruột gan tôi cứ như lửa đốt. Sau lần này, chắc không bao giờ tôi dám mua thuốc lang vườn về uống nữa...” - chị H. chia sẻ.
Tuyệt đối không được sử dụng thuốc bừa bãi
PGS.TS.Nguyễn Văn Đoàn cho hay, biểu hiện của DƯT có thể xuất hiện ngay sau khi uống thuốc nhưng có những trường hợp hàng tháng sau mới có biểu hiện. Ở thể nhẹ, DƯT gây nổi mày đay, mẩn ngứa và biểu hiện nặng như sốc phản vệ, hội chứng Steven Jonhson... gây tổn thương gan, thận, thậm chí tử vong.
Ngay cả những loại thuốc dùng theo chỉ định của BS, được điều trị chuẩn mực tại các BV cũng có thể gây ra dị ứng. Đáng cảnh báo nhất hiện này là tình trạng tự ý dùng thuốc bừa bãi qua mách bảo, không theo kê đơn càng khiến cho tình trạng DƯT trầm trọng hơn (một công trình nghiên cứu của các chuyên gia y tế đã cho thấy, hơn 80% BN có biểu hiện DƯT là do tự điều trị).
Bên cạnh những trường hợp dị ứng thuốc tây, gần đây còn xuất hiện nhiều trường hợp DƯT đông y và thực phẩm chức năng, trong đó, DƯT đông y chiếm tới 10-20%. TS.Đoàn cảnh báo, DƯT đông y còn nguy hiểm là rất nguy hiểm vì thuốc đông y có sự phối hợp giữa các hoạt chất thuốc. Nếu thầy thuốc không có chuyên môn, không biết cách phối hợp các vị thuốc, thậm chí còn dùng cả thuốc tây trộn vào thuốc nam cho người bệnh uống thì lại càng nguy hiểm hơn. Thêm vào đó, với cách chế biến, bảo quản thuốc không đảm bảo (bảo quản thuốc bằng thuốc chống mối mọt, thuốc nấm mốc, hun diêm sinh...) như hiện nay, người bệnh còn có thể bị ngộ độc thuốc, ung thư và xảy ra nhiều hậu quả khó lường khác.
Để phòng tránh DƯT, theo TS.Đoàn, cách tốt nhất là hạn chế tối đa sử dụng thuốc bằng cách sinh hoạt khoa học hợp lí để giữ gìn sức khỏe. Trong trường hợp phải dùng thuốc thì nên tìm đến các cơ sở y tế có uy tín, có thương hiệu... để được khám và điều trị một cách khoa học và đúng bệnh. Trong trường hợp sau khi dùng thuốc mà có những biểu hiện bất thường như nhức đầu, chóng mặt, buồn nôn, sẩn ngứa da nghiêm trọng... phải đến ngay BV để được chẩn đoán và điều trị kịp thời. Đặc biệt, không được dùng thuốc theo người khác mách bảo mà phải có sự hướng dẫn chỉ định đầy đủ của thầy thuốc.
Theo PGS.TS.Nguyễn Văn Đoàn, các trường hợp DƯT xảy ra nhiều với BN sử dụng thuốc kháng sinh, thuốc hạ sốt, giảm đau, chống viêm, huyết thanh vắc xin... Trong kháng sinh, họ thuốc Betalactam gây dị ứng nhiều nhất. Nghiên cứu gần đây của TS.Đoàn cho thấy, tỷ lệ tử vong do DƯT ở hai thể Stevens - Johnson và Lyell trong BN nội trú tại Trung tâm Dị ứng - Miễn dịch lâm sàng, BV Bạch Mai chiếm tới 5,3%, trong đó Stevens - Johnson là 4,3% và Lyell là 9,1%. |
Quang Long