Trong thực tiễn tư pháp thường chỉ thấy bên nguyên kiện bên bị vì bên bị đã có hành vi làm tổn hại lợi ích chính đáng của bên nguyên. Rất hiếm thấy, thậm chí gần như không có chuyện bên nguyên khởi kiện bên bị vì lo cho bên bị. Cho nên việc một công dân Đức ở Dortmund (Đức) khởi kiện Giáo hoàng Benedikt XVI vì nỗi lo cho an nguy của chính vị Giá hoàng này là chuyện độc nhất vô nhị xưa nay.
Giáo hoàng Benedikt XVI. |
Chuyện kiện tụng này đã được cả chính quyền lẫn toà án, nhà thờ Thiên chúa giáo ở đó lẫn đủ các hãng thông tấn xác nhận. Công dân này kiện Giáo hoàng Benedikt XVI đã vi phạm luật lệ giao thông khi ngồi trên xe ô tô không thắt dây bảo hiểm trong chuyến thăm thành phố Freiburg của Đức hồi tháng 9 vừa qua. Trên chiếc xe đặc chủng của Giáo hoàng có thiết bị dây an toàn, nhưng đúng là cả thiên hạ đều thấy Giáo hoàng Benedikt XVI không cài thắt dây an toàn này. Theo luật lệ Đức, mức phạt cho việc vi phạm quy định này trong luật giao thông là 30 Euro.
Lập luận của công dân kia là không thắt dây an toàn khi đi xe như thế sẽ nguy hiểm đối với tính mạng của Giáo hoàng. Đối với công dân này, vấn đề được quan tâm hàng đầu là sự an nguy của Giáo hoàng chứ không phải việc nghiêm chỉnh thực hiện luật giao thông. Vì lo cho Giáo hoàng mà anh ta kiện Giáo hoàng. Anh ta mong đợi ở phán quyết của toà không phải số tiền 30 Euro nộp cho công quỹ, mà từ nay về sau Giáo hoàng ngồi trên xe đặc chủng sẽ thắt dây an toàn.
Động cơ và ý tốt của bên nguyên khiến cả quan toà lẫn bên bị khó xử. Trên nguyên tắc, tất cả mọi công dân đều bình đẳng trước pháp luật. Theo nguyên tắc này thì toà không thể không xét xử và phán xử. Luật pháp vô tình như đao kiếm. Nhưng chẳng nhẽ lại kết tội người đứng đầu Nhà thờ Thiên chúa giáo, nhất là khi Giáo hoàng Benedikt XVI lại còn là người Đức.
Vì thế giới chính trị và tư pháp ở Đức đang tìm cách lập luận coi Giáo hoàng là nguyên thủ quốc gia và một khi đã là nguyên thủ quốc gia thì sẽ được hưởng quyền miễn trừ, có nghĩa là sẽ bất khả xâm phạm. Cái khó xử đối với họ là chẳng có văn bản pháp lý nào công nhận và quy định coi người đứng đầu Nhà thờ Thiên chúa giáo là nguyên thủ quốc gia, cho dù cách đối xử trên thực tế thì chẳng khác gì. Vấn đề khó xử nữa trong trường hợp bị phạt tiền thì ai sẽ nộp phạt.
Thế đấy, ý tốt của người này mà nhiều khi gây ra lắm phiền nhiễu cho kẻ khác.
Thiên Lang