Văn hóa thực thi phải thực sự tốt hơn nữa
Xin Phó Thủ tướng cho biết khái quát những điểm nổi bật của hoạt động ngoại giao trong năm qua?
- Hoạt động đối ngoại năm 2016 là sự tiếp nối của những năm trước và là năm đầu tiên triển khai đường lối đối ngoại của Đại hội Đảng lần thứ XII. Có thể tạm gọi đây là năm kết thúc giai đoạn xây dựng quan hệ đối tác chiến lược, đối tác toàn diện với tất cả các nước quan trọng trên thế giới đồng thời đưa các khuôn khổ quan hệ đối tác chiến lược và đối tác toàn diện đi vào chiều sâu, cụ thể. Trên thế giới, không có nhiều nước nhỏ như Việt Nam mà lãnh đạo cấp cao các nước thường trực Hội đồng bảo an Liên Hợp quốc (LHQ), các nước quan trọng nhất đều có các chuyến thăm cũng như lãnh đạo Việt Nam đi thăm các nước đó. Các hoạt động trao đổi đoàn, nhất là đoàn cấp cao với các nước láng giềng cũng diễn ra hết sức sôi động.
Về đa phương, năm 2016 là năm chúng ta tích cực triển khai các hoạt động ngoại giao đa phương ở nhiều cấp độ khác nhau, cả trong và ngoài nước. Chúng ta đã tham gia tất cả các hoạt động đa phương quan trọng như Hội nghị thượng đỉnh ASEAN, Hội nghị thượng đỉnh Pháp ngữ, các Hội nghị khu vực. Chúng ta cũng đã tổ chức các hội nghị như Hội nghị Cấp cao ACMECS 7, CLMV 8 và Diễn đàn kinh tế của Mekong. Bên cạnh đó, chúng ta còn làm tốt vai trò ủy viên của các tổ chức thuộc LHQ như Hội đồng Nhân quyền, Hội đồng Kinh tế-Xã hội, Hội đồng Chấp hành UNESCO, đại diện Việt Nam được bầu vào Ủy ban Luật pháp quốc tế của LHQ. Nhưng điều quan trọng là chúng ta không chỉ tham gia mà đã đóng vai trò quan trọng thông qua các sáng kiến, đề xuất cụ thể, thể hiện một bước trưởng thành của chúng ta trong hoạt động ngoại giao đa phương.
Dự báo tình hình chính trị thế giới năm 2017 có nhiều thay đổi, điều đó sẽ gây ra những thách thức như thế nào đối với hoạt động đối ngoại của Việt Nam, thưa Phó Thủ tướng?
- Các nước trên thế giới sau vài năm sẽ đều có những thay đổi. Đó là điều đương nhiên và diễn ra thường xuyên. Điều quan trọng là chúng ta không thúc đẩy quan hệ với một chính quyền, một đảng mà ta thiết lập khuôn khổ quan hệ với nước đó. Vì vậy nên dù chính quyền của các nước đó có thay đổi hay không thì chúng ta vẫn trên cơ sở khuôn khổ đã thiết lập chứ không có nghĩa chính quyền thay đổi thì chính sách đối ngoại sẽ thay đổi.
Về phía chúng ta, chúng ta cũng không thay đổi chính sách đối ngoại với các nước đó. Phương châm của chúng ta là đường lối đối ngoại độc lập, tự chủ, lấy mục tiêu lớn nhất là đa dạng hóa, đa phương hóa, vì lợi ích của nhân dân chúng ta và các nước đó.
Hoạt động ngoại giao của chúng ta trong năm qua đã đạt được nhiều kết quả đáng khích lệ, theo Phó Thủ tướng, hoạt động này có gì cần khắc phục trong năm nay?
- Năm 2016 cũng như những năm trước đây chúng ta triển khai đường lối đối ngoại độc lập, tự chủ, với mục tiêu là tạo dựng môi trường hòa bình ổn định cho phát triển nên những biến động của thế giới chúng ta cũng đã phản ứng, bày tỏ thái độ hết sức phù hợp. Nhưng nếu nhìn lại, có những việc có thể làm tốt hơn, ví dụ như việc triển khai các thỏa thuận đạt được trong các chuyến thăm cấp cao của lãnh đạo các nước đến nước ta và lãnh đạo ta tới các nước chưa hiệu quả. Chúng ta cần rút kinh nghiệm để làm tốt hơn, nhanh hơn, hiệu quả hơn. Văn hóa thực thi phải thực sự tốt hơn nữa.
Thứ hai là phải làm sao đưa những kết quả của hoạt động đối ngoại đến người dân, doanh nghiệp. Ví dụ, chúng ta đã thương lượng, ký kết nhiều hiệp định, đặc biệt là tham gia các hiệp định thương mại tự do nhưng các bộ ngành là phải làm sao để người dân, doanh nghiệp cảm nhận được những lợi ích của các hiệp định đó.
Tích cực chuẩn bị cho Năm APEC
Thưa Phó Thủ tướng, với vai trò là chủ nhà của Năm APEC 2017, Việt Nam cần làm những gì để ghi dấu ấn khác biệt với bạn bè quốc tế? Đóng góp của Việt Nam cho việc thực hiện mục tiêu Bogor?
- Đây không phải lần đầu tiên Việt Nam làm chủ nhà APEC, nhưng năm 2017 chúng ta làm nước chủ nhà với tâm thế, vị thế khác. Sự kỳ vọng đối với Việt Nam từ các nền kinh tế của APEC cũng khác. Chúng ta đưa ra 4 ưu tiên của APEC là tăng trưởng bền vững và sáng tạo; liên kết kinh tế; hỗ trợ doanh nhiệp nhỏ, vừa và siêu nhỏ; thích ứng với biến đổi khí hậu và bảo đảm an ninh lương thực. Các ưu tiên của Việt Nam phù hợp với các thành viên APEC đồng thời cũng rất phù hợp với yêu cầu phát triển của Việt Nam trong giai đoạn hiện nay cũng như giai đoạn sắp tới. Đó là vấn đề sáng tạo, khởi nghiệp, phát triển nhanh và bền vững, liên kết kinh tế, khuyến khích hỗ trợ cho các doanh nhiệp nhỏ và vừa… Các nền kinh tế APEC có nhu cầu khác nhau, thậm chí khác biệt nhưng ta gắn bó được những yêu cầu đó vào mục tiêu của chúng ta, đó là thành công bước đầu.
Về mục tiêu Bogor, Việt Nam làm chủ nhà APEC vào giai đoạn hết sức quyết định, đó là hoàn thành các mục tiêu Bogor về tự do hóa thương mại, đầu tư đến năm 2020. Điều quan trọng hơn là tại APEC 2017, chúng ta sẽ cùng các thành viên xây dựng tầm nhìn sau năm 2020.
Xin Phó Thủ tướng cho biết công tác chuẩn bị cho Năm APEC 2017?
- Người Việt Nam luôn lo trước, nên chúng ta hết sức quan tâm đến công tác chuẩn bị cho APEC 2017. Từ giữa năm 2015, Ủy ban Quốc gia APEC 2017 đã được thành lập và từ đó đến nay đang tích cực chuẩn bị từ nội dung, tổ chức, cơ sở vật chất, hạ tầng. Đến nay, có thể nói quá trình chuẩn bị đã bước đầu hoàn tất. Cơ sở vật chất, hạ tầng tiếp tục được hoàn thiện tại Đà Nẵng - nơi tổ chức Tuần lễ Cấp cao APEC, sự kiện quan trọng nhất của Năm APEC. Chúng ta cũng đã chọn các tỉnh, thành để tổ chức các Hội nghị cấp Bộ trưởng.
Chủ đề mà chúng ta chọn lựa là “Tạo động lực mới, cùng nhau xây dựng tương lai” đã được các nền kinh tế thành viên tán thành. Không chỉ là vấn đề nội dung, APEC còn là cơ hội để quảng bá hình ảnh cả nước cũng như các tỉnh, thành về sự đổi mới của Việt Nam từ năm 2006 đến nay với thế giới và khu vực. Một điểm quan trọng nữa là phải làm sao thu hút sự tham gia của người dân và doanh nghiệp vì đây là các hội nghị liên quan đến phát triển kinh tế, đến lợi ích của tự do thương mại và đầu tư.
Biển Đông sẽ tiếp tục đáng lo ngại
Phó Thủ tướng nhận định như thế nào về tình hình Biển Đông trong thời gian tới và bước đi của Việt Nam sau phán quyết của Tòa trọng tài về vụ kiện Philippines – Trung Quốc tháng 7/2016?
- Năm 2016, tình hình Biển Đông có nhiều phức tạp, như việc bồi đắp, mở rộng các đảo, đá; thiết lập các cơ sở quân sự trên các đảo, đá. Trong năm 2016, Tòa trọng tài cũng đã phán quyết trong vụ kiện giữa Philippines và Trung Quốc về những vấn đề pháp lý liên quan đến yêu sách chủ quyền theo luật pháp quốc tế. Năm 2016 cũng là năm các nước ASEAN đã ra tuyên bố của Hội nghị Bộ trưởng, khẳng định lo ngại trước các diễn biến trên biển Đông; ra tuyên bố khẳng định lại nguyên tắc giải quyết các tranh chấp bằng biện pháp hòa bình trên cơ sở luật pháp quốc tế, đặc biệt là Công ước LHQ về Luật Biển năm 1982, khẳng định tôn trọng các tiến trình ngoại giao và pháp lý…
Đối với Việt Nam, chúng ta chủ trương giải quyết tranh chấp bằng biện pháp hòa bình, nhưng phải trên cơ sở luật pháp quốc tế và UNCLOS. Đối với phán quyết của Tòa trọng tài, ngay ngày 5/12/2014, Việt Nam đã gửi một tuyên bố đến Tòa, khẳng định Tòa có thẩm quyền xem xét và chúng ta cũng bác bỏ yêu sách đường lưỡi bò, khẳng định chúng ta tôn trọng các nguyên tắc của luật pháp quốc tế và UNCLOS.
Khi Tòa ra phán quyết, chúng ta cũng có tuyên bố hoan nghênh việc Tòa đã ra phán quyết. Đó là lập trường chính thức của chúng ta đối với Tòa trọng tài. Trong năm 2017, Biển Đông sẽ vẫn tiếp tục là vấn đề còn có những lo ngại. Việt Nam đang tích cực giải quyết các tranh chấp với các nước thông qua thương lượng như đàm phán với Trung Quốc về phân định ngoài cửa vịnh Bắc Bộ, thương lượng với Indonesia và đàm phán với Malaysia. Biển Đông là tuyến đường biển hết sức quan trọng nên bất cứ động thái nào ảnh hưởng đến môi trường ổn định ở đây sẽ gây ra phản ứng của tất cả các nước, không chỉ của các nước có tranh chấp chủ quyền.
Cũng tại cuộc họp báo, với tư cách là Trưởng Ban chỉ đạo quốc gia về ODA, Phó Thủ tướng Phạm Bình Minh cho biết, trước đây, đây về cơ bản, nguồn ODA của chúng ta được thực hiện theo cơ chế cấp phát, nghĩa là vay và cấp phát cho các dự án. Hiện nay, chúng ta đang tăng dần tỷ lệ cho vay lại để nâng cao trách nhiệm trong việc sử dụng nguồn vốn ODA của các bộ, ngành và địa phương.
Phó Thủ tướng cũng thừa nhận về cơ bản ngồn vốn ODA được sử dụng hiệu quả nhưng cũng có những dự án chưa sử dụng hiệu quả, thời gian kéo dài, làm đội chi phí - có thể lên đến vài chục % trong khi đây là nguồn vốn vay phải trả lãi suất. Do đó, vừa qua, Ban Chỉ đạo đã quyết liệt, tổ chức các cuộc họp hàng tháng nhằm đôn đốc việc xử lý nhưng đồng thời cũng đang nghiên cứu các biện pháp để tăng cường trách nhiệm của các chủ dự án, các bộ ngành địa phương.