Bộ Tài nguyên Môi trường (TN-MT) vừa ban hành công văn số 1009/BTNMT-TTr về thực hiện kế hoạch kiểm tra năm 2021 của các đơn vị trực thuộc bộ. Nội dung chủ yếu là kiểm tra việc chấp hành các quy định của Luật Đất đai, cụ thể là: Các trường hợp chuyển mục đích sử dụng đất thuộc trường hợp phải xin phép; quản lý, sử dụng đất trồng lúa; chuyển mục đích sử dụng đất trồng lúa, đất rừng phòng hộ, rừng đặc dụng để thực hiện các dự án tại địa phương...
Đối với tỉnh Phú Thọ, Tổng cục Địa chất và Khoáng sản Việt Nam (Bộ TN-MT) sẽ phối hợp với thanh tra Bộ, Sở TN-MT Phú Thọ thực hiện kiểm tra chuyên đề thăm dò, khai thác nước khoáng; kiểm tra việc chấp hành pháp luật về khoáng sản và bảo vệ môi trường trong khai thác khoáng sản. Thời gian thực hiện trong quý II - III.
Đồng thời, Tổng cục Môi trường (Bộ TN-MT) phối hợp với Thanh tra Bộ, các sở ngành có liên quan, phòng cảnh sát môi trường, hải quan, biên phòng phối hợp kiểm tra công tác thực thi pháp luật về đa dạng sinh học và bảo vệ môi trường tại các khu bảo tồn thiên nhiên, thời gian thực hiện trong quý I-III.
Trước đó, năm 2020, Thanh tra Chính phủ (TTCP) đã ban hành kết luận thanh tra về việc quản lý, sử dụng đất đai, đầu tư xây dựng và khai thác tài nguyên khoáng sản của tỉnh Phú Thọ (giai đoạn 2006 - 2017).
Theo kết luận thanh tra, trong giai đoạn 2006 - 2017, bên cạnh những kết quả đạt được, công tác quy hoạch, kế hoạch, quản lý, sử dụng đất và đầu tư xây dựng đối với một số dự án khu nhà ở đô thị còn một số tồn tại, khuyết điểm như: chất lượng công tác quy hoạch, kế hoạch sử dụng đất chưa cao, một số nội dung, chỉ tiêu quy hoạch, kế hoạch chưa sát thực tế, một số chỉ tiêu đạt tỷ lệ thấp so với quy hoạch được phê duyệt như: đất khu công nghiệp, cụm công nghiệp giai đoạn 2006 - 2010 thực hiện đạt 41,5%, giai đoạn 2011-2015 thực hiện đạt 45 8% đất ở tại đô thị thực hiện đạt 78,5%...
Bên cạnh đó, việc thực hiện quy hoạch, kế hoạch sử dụng đất đối với đất phi nông nghiệp theo quy hoạch được duyệt đến năm 2010, trong đó một số loại đất thực hiện vượt so với chỉ tiêu quy hoạch được duyệt, như: đất sản xuất vật liệu xây dựng, gốm sứ theo quy hoạch được duyệt 377ha, kết quả thực hiện 544ha, vượt 167ha (tăng 144,3%); đất cơ sở sản xuất kinh doanh theo quy hoạch được duyệt 1.385ha, kết quả thực hiện là 1.527ha, vượt 142ha (tăng 110,3%); đất cho hoạt động khoáng sản theo quy hoạch được duyệt 834ha, kết quả thực hiện 1.159ha, vượt 325ha (tăng 180%), dẫn đến triển khai một số dự án đầu tư trong kỳ quy hoạch, kế hoạch sử dụng đất chưa đúng theo quy hoạch, kế hoạch sử dụng đất được phê duyệt, không phù hợp với quy định tại Điều 11, Luật Đất đai năm 2003.
Đối với công tác quản lý đầu tư xây dựng một số dự án từ nguồn vốn ngân sách Nhà nước, theo TTCP, qua thanh tra phát hiện một số tồn tại, thiếu sót như công tác khảo sát lập, thẩm định phê duyệt dự án đầu tư chưa đúng quy định; tiến độ thực hiện chậm so với phê duyệt; công tác thiết kế bản vẽ thi công - lập dự toán còn thiếu sót dẫn đến trong quá trình thực hiện dự án phải bổ sung, điều chỉnh thiết kế, dự toán nhiều lần làm ảnh hưởng đến tiến độ công trình, có đơn vị không lập dự toán công trình, nhưng vẫn hưởng số tiền…
Đáng chú ý, kết luận thanh tra chỉ rõ, từ năm 2006 đến nay, UBND tỉnh Phú Thọ đã thu hồi đất cho hoạt động khoáng sản vượt 333,34 ha so với quy hoạch được Chính phủ phê duyệt. Trong đó, tại mỏ đá xây dựng ở xã Thu Cúc (huyện Thanh Sơn), UBND tỉnh Phú Thọ đã cấp vào đất rừng phòng hộ và sản xuất với diện tích 90 ha, sau khi điều chỉnh vẫn lấn vào rừng phòng hộ hơn 6,44 ha.
Trong năm 2012, UBND tỉnh cấp gia hạn 2 giấy phép khai thác khoáng sản trước khi Bộ TN-MT công bố khu vực khoáng sản phân tán nhỏ lẻ, là vi phạm luật Khoáng sản. UBND tỉnh Phú Thọ cũng đã cấp 24 giấy phép khai thác khoáng sản cấp phép chưa đầy đủ thủ tục, nội dung và hình thức theo quy định, trong đó có 11 giấy phép không nêu độ sâu, chiều cao khai thác, 1 dự án cấp phép mở rộng nhưng không có quyết định phê duyệt đánh giá hàm lượng, trữ lượng...
Trong giai đoạn từ năm 2006 - 2017, có 19 dự án khai thác khoáng sản do UBND tỉnh cấp giấy phép đã hết thời hạn nhưng đến thời điểm thanh tra chỉ có 3 dự án thực hiện đóng cửa mỏ; còn 16 dự án chưa thực hiện, cũng là vi phạm Luật Khoáng sản.
TTCP xác định sai phạm về tài chính trong hoạt động khoáng sản với tổng số tiền trên 21 tỉ đồng, trong đó có đến 12,7 tỉ đồng ký quỹ cải tạo, phục hồi môi trường và đóng cửa mỏ của 52 đơn vị nợ đọng…