Vấn đề đóng góp đầu năm học luôn là tâm điểm của dư luận, khiến người dân bức xúc, còn ngành Giáo dục-Đào tạo phải chịu sức ép tâm lý khi chưa thể một sớm, một chiều chấn chỉnh ngay tình trạng lạm thu trong các cơ sở giáo dục. Qua kiểm tra, thanh tra của ngành giáo dục về thu đầu năm học tại một số trường học, đã lộ diện những cách làm sai và một số khoản thu chưa hợp lý.
“Vẽ” ra để thu
Chánh thanh tra Sở Giáo dục-Đào tạo Trần Văn Độ cho biết, thực hiện chỉ đạo của Bộ GD-ĐT, những ngày qua, Sở GD-ĐT tổ chức đoàn kiểm tra, thanh tra các khoản thu đầu năm học tại gần 30 trường học. Trong số này, có đơn vị “bị” thanh, kiểm tra sau khi Sở GD-ĐT nhận được kiến nghị của giáo viên, phụ huynh về việc thu sai quy định đầu năm học .
Phòng máy vi tính Trường tiểu học Quang Trung (quận Ngô Quyền) được đầu tư bằng nguồn đóng góp của các bậc phụ huynh và kinh phí của trường. Ảnh: Hải Ngọc |
Theo ông Độ, khoản thu gây nhiều bức xúc cho phụ huynh là thu xã hội hóa góp phần xây dựng, đầu tư thiết bị dạy học, cải tạo cảnh quan môi trường khu vực trường học…Đây chính là khoản thu biến tướng của tiền xây dựng trường, sau khi Nhà nước không cho phép thu tiền xây dựng trường học. Do sự phong phú của chương trình xã hội hóa, khoản thu núp dưới danh nghĩa “tự nguyện” này của các trường thường không giống nhau. Bên cạnh các khoản thu quen thuộc như hỗ trợ xây dựng trường, mua bàn ghế, xây dựng tượng đài, trồng cây xanh, làm đường điện riêng… một số trường học ở huyện Vĩnh Bảo và quận Dương Kinh còn “vẽ” ra những khoản thu rất vô lý như thu tiền lao động, tiền chăm sóc cây cảnh, tiền thư viện... Hai năm qua, Bộ GD-ĐT phát động cuộc vận động “Xây dựng trường học thân thiện, học sinh tích cực”. Tham gia lao động, trồng cây, giữ gìn cảnh quan, môi trường nhà trường xanh-sạch-đẹp là nhiệm vụ của học sinh. Ngay cả việc xây dựng thư viện cũng vậy. Thông thường, thư viện các trường được xây dựng từ hai nguồn: sách do Nhà nước cấp và sách do học sinh ủng hộ. Mặc dù còn khó khăn về biên chế, nhưng hầu hết các trường đều bố trí người phụ trách thư viện. Không hiểu các trường “vẽ” ra khoản thu “tiền thư viện” để làm gì? Bổ sung đầu sách cho nhiều hay để hỗ trợ lương cho người phụ trách thư viện? Dù đưa ra lý do gì, đây cũng là khoản thu vô lý, gây thắc mắc cho phụ huynh.
Các sai phạm phổ biến
Chánh thanh tra Trần Văn Độ cho rằng, trong số gần 30 trường học được thanh tra, kiểm tra, khoảng 50% số trường thu chưa đúng quy định. Sai phạm nhiều trường mắc phải là thu gộp tất cả các khoản cùng một lúc (từ 10 đến trên 15 khoản). Việc này không đúng với hướng dẫn của Sở GD-ĐT, tạo gánh nặng cho phụ huynh, nhất là ở khu vực ngoại thành. Theo quy định, học phí phải thu theo tháng, nhưng hầu hết các trường đều thu 5 tháng, cá biệt có trường còn thu luôn cả năm học cho tiện. Các khoản thu xã hội hóa từ vài chục nghìn đến mấy trăm nghìn đồng /học sinh cũng được thu gọn một lần, làm không ít gia đình phụ huynh lao đao. Ở một số trường, giáo viên chủ nhiệm làm chưa hết trách nhiệm, giải thích, phổ biến không đầy đủ các khoản thu tới toàn thể phụ huynh, khiến người thì thông suốt, người lại thắc mắc, bức xúc. Vụ việc ở Trường mầm non Bắc Sơn (An Dương) là ví dụ điển hình về cách làm chưa đúng, trong đó có việc phổ biến các khoản thu chưa đầy đủ, gây bức xúc trong nhân dân địa phương.
Theo Thứ trưởng Bộ GD-ĐT Trần Quang Quý, các trường học và giáo viên chủ nhiệm cần làm rõ 3 khoản thu: thu bắt buộc, thu hộ và thu xã hội hóa. Trong hai khoản thu bắt buộc gồm học phí và BHYT, khoản BHYT nhà trường chỉ thu hộ cơ quan Bảo hiểm xã hội, còn bảo hiểm thân thể và thu xã hội hóa là tự nguyện. Trong đó, khoản thu xã hội hóa phải được thảo luận với Hội cha mẹ học sinh và có sự đồng thuận cao của các phụ huynh, không được ép phụ huynh đóng tiền dưới bất cứ hình thức nào. Các khoản thu còn lại như tiền ăn bán trú, chăm sóc trẻ ngoài giờ, tiền điện, nước uống, vệ sinh cũng cần thảo luận với Hội cha mẹ học sinh và công khai, minh bạch. Thực tế tại Hải Phòng và nhiều địa phương, hầu hết các phụ huynh chưa được giáo viên phân tích, làm rõ những nội dung thu. Thậm chí có trường học, giáo viên chỉ ghi các khoản thu lên bảng rồi thu tiền, không quan tâm đến những băn khoăn, thắc mắc của phụ huynh học sinh.
Chánh thanh tra Trần Văn Độ khẳng định, những trường học “vẽ” ra các khoản thu vô lý thì phải trả lại tiền cho học sinh. Một số trường làm chưa đúng, thu gộp nhiều khoản, gây khó khăn cho người dân được chấn chỉnh kịp thời, không để tái diễn tình trạng này vào những năm học tới.
Nhiều phụ huynh không ngại đóng góp hỗ trợ nhà trường đầu tư xây dựng cơ sở vật chất, bổ sung trang thiết bị dạy học. Vấn đề là cách làm sao cho phù hợp. Việc đề xuất mức hỗ trợ, hình thức thu cần được bàn kỹ, thống nhất giữa Ban giám hiệu, giáo viên chủ nhiệm và Hội cha mẹ học sinh, bảo đảm công khai, minh bạch. Đối với những học sinh nghèo, hoàn cảnh khó khăn, không nên áp đặt mức thu bình quân, mà nên miễn giảm một phần hoặc toàn bộ các khoản thu xã hội hóa. Có như vậy, chuyện đóng góp đầu năm học mới không trở thành vấn đề “nóng” khi vào năm học.
Minh Khuê