Trong báo cáo, KTNN chỉ ra một số sai phạm về sử dụng vốn, đất đai, đầu tư kém hiệu quả của một số TCty, Cty có vốn sở hữu của Nhà nước.
Cụ thể, trong quá trình kiểm toán các doanh nghiệp, TCty, KTNN cho biết, một số đơn vị còn nhiều diện tích đất chưa sử dụng, sử dụng không hiệu quả, không đúng mục đích, bị lấn chiếm, tranh chấp.
Cụ thể như TCty Dầu Việt Nam (PVOIL) sử dụng 12,02 ha đất nông nghiệp, đất sản xuất kinh doanh phi nông nghiệp vào mục đích kinh doanh xăng dầu; PVOIL Thái Bình có 5,80 ha đất đang để trống, chưa hoặc không sử dụng; TCty Thương mại Kỹ thuật và Đầu tư -CTCP có 23,54 ha đất chưa sử dụng hiệu quả; TCty Địa ốc Sài Gòn chưa sử dụng 6,3 ha, bị lấn chiếm, tranh chấp 1,96 ha.
Một số TCty quản lý nợ chưa chặt chẽ, để phát sinh nợ phải thu quá hạn, khó đòi lớn, điển hình nợ khó đòi tại TCty điện lực dầu khí Việt Nam (PVPower) 214,4 tỷ đồng; TCty Thương mại Kỹ thuật và Đầu tư - CTCP 643,3 tỷ đồng; TCty Địa ốc Sài Gòn 17,4 tỷ đồng.
Một số đơn vị đầu tư không hiệu quả hoặc hiệu quả thấp, đơn cử như PVPower - Công ty mẹ, cổ tức, lợi nhuận được chia năm 2019 chỉ đạt 0,2% tổng vốn đầu tư, trích lập dự phòng 100%/vốn đầu tư tương ứng 20,2 tỷ đồng; TCty Địa ốc Sài Gòn - Cty mẹ đầu tư vào 01/05 Cty con lỗ; 5/17 Cty liên doanh lỗ.
Vẫn còn tình trạng sở hữu chéo giữa các DN trong cùng TCty diễn ra ở PVOIL Bạc Liêu, PVOIL Bình Thuận, PVOIL Tây Ninh, PVOIL Phú Thọ, TCty Thương mại Kỹ thuật và Đầu tư - CTCP , PVOIL Thanh Hóa, PVOIL Nam Định.
Trong quá trình hoạt động sản xuất kinh doanh, tình trạng chưa bảo toàn được vốn thuộc diện phải giám sát đặc biệt diễn ra ở TCty Đầu tư phát triển hạ tầng đô thị (UDIC), Cty CP Xây dựng & Thương mại Ngọc Minh, Cty CP Đầu tư & Xây dựng Hà Thành UDIC, Cty CP Đầu tư & Quản lý BĐS UDIC, Cty CP UDIC Kim Bình, Cty CP Vật liệu Xây dựng & XNK Hồng Hà, Cty CP Đầu tư & Bê tông Thịnh Liệt.
Một nội dung đáng chú ý khác tại báo cáo của KTNN là kiểm toán Tổng Liên đoàn Lao động Việt Nam cho thấy việc thực hiện chức năng, nhiệm vụ theo quy định Điều lệ Công đoàn và Luật Công đoàn còn hạn chế.
KTNN đánh giá, việc giao biên chế và cơ chế giao kinh phí còn chưa có quy định thống nhất. Tại LĐLĐ tỉnh, thành phố, biên chế được giao bởi 3 cấp có thẩm quyền. Thực trạng phổ biến tại các tỉnh, thành là biên chế giao mang tính “cào bằng”, không có sự khác biệt giữa các đơn vị.
Báo cáo chỉ rõ, nguồn tích lũy tài chính công đoàn lũy kế đến 31/12/2019 là rất lớn, lên đến gần 29.000 tỷ đồng và có xu hướng tăng qua nhiều năm gần đây. Năm 2017 là 18.800 tỷ đồng (tăng 23% so với năm 2016); năm 2018 là 23.200 tỷ đồng (tăng 23,6% so với năm 2017); năm 2019 là gần 29.000 tỷ đồng (tăng 24,5% so với năm 2018).
Theo KTNN, trong khi nguồn chi cho hoạt động công đoàn còn hạn chế thì nguồn tích lũy tăng dần qua các năm không được sử dụng hiệu quả đã làm giảm hiệu lực trong quản lý và điều hành. Trong đó, cho vay đầu tư xây dựng cơ bản, đầu tư mua cổ phần, góp vốn đầu tư không đúng quy định trong Luật Công đoàn, Điều lệ Công đoàn còn phổ biến, mua cổ phần chưa có cơ chế, cơ sở ràng buộc pháp lý, thiếu sự giám sát, cho vay xây dựng trụ sở kéo dài qua nhiều năm... dễ dẫn đến nguy cơ mất vốn nguồn tài chính công đoàn.
Việc quản lý đất, trụ sở làm việc của hệ thống liên đoàn lao động còn nhiều hạn chế, tồn tại. Nhiều cơ sở nhà, đất liên kết, hợp tác kinh doanh, cho thuê chưa báo cáo cấp có thẩm quyền phê duyệt. Một số hợp đồng cho thuê, hợp tác kinh doanh không phù hợp với chức năng, nhiệm vụ. Một số diện tích đất để không, sử dụng làm nhà khách, khách sạn, nhà văn hóa tại các LĐLĐ tỉnh, thành phố hoạt động không hiệu quả, chưa chứng minh được việc phục vụ cho người lao động và chưa đúng công năng sử dụng.
Theo báo cáo, PVOIL sử dụng 12,02 ha đất nông nghiệp, đất sản xuất kinh doanh phi nông nghiệp vào mục đích kinh doanh xăng dầu; PVOIL Thái Bình có 5,80 ha đất đang để trống, chưa hoặc không sử dụng; TCty Thương mại Kỹ thuật và Đầu tư - CTCP có 23,54 ha đất chưa sử dụng hiệu quả; TCty Địa ốc Sài Gòn chưa sử dụng 6,3 ha, bị lấn chiếm, tranh chấp 1,96 ha.