Đây là 1 trong 12 nội dung mà Kiểm toán nhà nước đề nghị Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ được thể hiện trong báo cáo kiểm toán quyết toán ngân sách Nhà nước năm 2015 được trình bày tại phiên họp chiều nay của Quốc Hội.
Trong báo cáo này, Kiểm toán nhà nước đề nghị Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ chỉ đạo các Bộ, cơ quan trung ương và địa phương rà soát để hủy bỏ hoặc thay thế, sửa đổi, bổ sung 150 văn bản (Hủy bỏ 19 văn bản: 01 nghị quyết, 06 quyết định, 12 văn bản khác; sửa đổi, bổ sung 131 văn bản: 04 nghị định, 20 thông tư, 08 nghị quyết, 22 quyết định, 77 văn bản khác) không phù hợp với quy định chung của Nhà nước.
Liên quan đến công tác của Bộ Tài Chính, Kiểm toán Nhà nước đề nghị Chính phủ, Thủ tướng Chínhphủ chỉ đạo Bộ Tài chính, các bộ, cơ quan trung ương, địa phương, đơn vị được kiểm toán thực hiện đầy đủ, kịp thời kiến nghị về xử lý tài chính của KTNN trong năm 2016 đối với niên độ ngân sách 2015: 38.775,9 tỷ đồng.
Kiểm toán Nhà nước đề nghị Bộ Tài chính báo cáo Ủy ban thường vụ Quốc hội xem xét xử lý số vốn TPCP dự phòng giai đoạn 2012-2015 chưa được giao kế hoạch vốn năm 2015, 2016 theo các Nghị quyết số 916/NQ-UBTVQH13 ngày 05/5/2015, số 1905/NQ-UBTVQH13 và số 1906/ NQ-UBTVQH13 ngày 22/12/2015 là 792,147 tỷ đồng; Việc chuyển đổi nguồn vốn đầu tư đối với 05 dự án đường bộ cao tốc của Tổng công ty Đầu tư đường cao tốc Việt Nam; Thu hồi nộp NSTW số tiền 230 tỷ đồng của 29 tỉnh đối với khoản kinh phí cấp bổ sung có mục tiêu để thực hiện nhiệm vụ đo đạc, cấp giấy chứng nhận quyền sử dụng đất và xây dựng cơ sở dữ liệu đất đai năm 2015; (ii) Hoàn trả NSNN từ Quỹ Tích lũy trả nợ số tiền 550 tỷ đồng của các dự án vay về cho vay lại năm 2015.
Theo Kiểm toán Nhà nước, Bộ Tài chính cũng phải chấn chỉnh rút kinh nghiệm đối với việc cấp bổ sung có mục tiêu 230 tỷ đồng cho 29 địa phương để thực hiện nhiệm vụ đo đạc, cấp giấy chứng nhận quyền sử dụng đất và xây dựng cơ sở dữ liệu đất đai năm 2015 trong khi các địa phương chưa bố trí đủ tối thiểu 10% tổng số thu từ tiền sử dụng đất; chưa lập bản tin nợ công và lập chưa kịp thời báo cáo giám sát nợ năm 2015 theo quy định...
Liên quan đến lĩnh vực Kế hoạch và Đầu tư (KH&ĐT), Kiểm toán đề nghị Bộ KH&ĐT kiểm điểm và xử lý trách nhiệm tập thể, cá nhân có liên quan trong việc: Tự ý bố trí KHV cho 18 dự án không có cơ sở;Trình phương án điều chỉnh kế hoạch vốn đầu tư nước ngoài chậm; Bộ Kế hoạch và Đầu tư, Bộ Tài chính xác định rõ nợ đọng XDCB, các khoản ứng trước chưa thu hồi chi tiết theo từng dự án trong danh mục dự án thuộc kế hoạch đầu tư trung hạn để làm cơ sở kiểm soát chặt chẽ, xác định trách nhiệm của các bộ, cơ quan trung ương, địa phương không báo cáo đúng đắn, trung thực số liệu nợ đọng XDCB, vốn ứng trước chưa thu hồi.
Bộ KH&ĐT cũng cần khắc phục đối với các tồn tại, hạn chế sau: Giao kế hoạch vốn chậm và giao nhiều lần không đúng quy định tại khoản 2, Điều 50, Luật NSNN năm 2002; giao kế hoạch vốn chưa tuân thủ nguyên tắc bố trí KHV tại Chỉ thị số 14/CT-TTg ngày 14/6/2014 của Thủ tướng Chính phủ; giao kế hoạch vốn cho nhiều dự án khởi công mới không đảm bảo các điều kiện; Phê duyệt cơ cấu nguồn vốn NSTW trong TMĐT vượt tỷ lệ hỗ trợ quy định; bố trí nguồn vốn NSTW không đúng đối tượng hoặc vượt tỷ lệ quy định tại các Chương trình; bố trí đối ứng ODA (NSTW) vượt tỷ lệ quy định.
Đối với Bộ GTVT, Kiểm toán Nhà nước đề nghị cần Bổ sung tiêu chí đánh giá năng lực quản lý đầu tư các dự án ngành GTVT vào các quy định đánh giá lựa chọn Nhà đầu tư dự án BOT giao thông và đưa thêm chủ thể đại diện cơ quan Nhà nước có thẩm quyền vào hợp đồng BOT và nêu rõ trách nhiệm, quyền hạn, cơ chế phối hợp, chế tài xử lý trong quá trình triển khai thực hiện dự án; Nghiên cứu và đưa ra cơ chế kiểm soát lưu lượng phương tiện qua trạm, kiểm soát doanh thu thực tế của dự án để đảm bảo tính công khai, minh bạch trong thực hiện dự án BOT giao thông, đồng thời khẩn trương chỉ đạo các Nhà đầu tư hoàn chỉnh hệ thống thu phí không dừng; Quy định về việc thường xuyên công khai, cập nhật lưu lượng phương tiện, doanh thu hoàn vốn, thời gian thu phí hoàn vốn của dự án BOT khi đàm phán và ký kết hợp đồng BOT; Quyết toán các dự án BOT đồng thời hoàn thiện cơ chế quản lý dự án BOT giao thông chặt chẽ, hiệu quả.
Kiểm toán Nhà nước cũng đề nghị Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ chỉ đạo các Bộ, cơ quan trung ương, địa phương và đơn vị được kiểm toán kiểm điểm, xử lý trách nhiệm tập thể, cá nhân đối với các khuyết điểm và sai phạm đã nêu trong báo cáo kiểm toán của từng cuộc kiểm toán thực hiện trong năm 2016.
Cũng trong báo cáo được Tổng kiểm toán nhà nước Hồ Đức Phớc trình bày trong phiên họp Quốc hội, Kiểm toán Nhà nước đề nghị Chính phủ, Quốc hội xem xét, phê chuẩn quyết toán NSNN năm 2015: Thu cân đối NSNN 1.291.342 tỷ đồng; Chi cân đối NSNN 1.502.189 tỷ đồng; Bội chi NSNN 263.135 tỷ đồng, bằng 6,28% GDP thực tế. Đồng thời ban Ban hành nghị quyết chỉ đạo các đơn vị thực hiện đầy đủ, kịp thời các kết luận, kiến nghị hợp lý của KTNN.