Đây là nhận định của Thứ trưởng Bộ GD&ĐT Phạm Ngọc Thưởng tại Hội thảo về công tác chuẩn bị đề thi tốt nghiệp THPT từ năm 2025 theo Chương trình GDPT 2018, diễn ra ngày 11/3.
Từ góc độ tuyển sinh của các cơ sở giáo dục đại học, Thứ trưởng đánh giá: Phương thức tuyển sinh đại học được thực hiện theo Luật Giáo dục Đại học, tuy nhiên thực tiễn hiện nay, cần thống nhất tăng cường công tác quản lý nhà nước về các phương án tuyển sinh của giáo dục đại học, trong đó khuyến khích các cơ sở giáo dục đại học lấy kết quả kỳ thi tốt nghiệp THPT để xét tuyển.
Theo Thứ trưởng, thời gian qua, Bộ GD&ĐT từng bước tăng cường sự tin cậy của kết quả thi tốt nghiệp THPT và tới đây đề thi có độ phân hoá cao hơn, theo hướng hạn chế tối đa "học tủ", học lệch "học mẹo", hướng tới học thật, thi thật, kết quả thật. Do đó, việc sử dụng kết quả kỳ thi tốt nghiệp là một trong những phương thức cho tuyển sinh đại học sẽ giảm áp lực, giảm tốn kém cho xã hội, cho chính các trường đại học và đảm bảo công bằng trong tiếp cận giáo dục.
“Nếu học sinh vùng sâu, vùng xa, vùng dân tộc thiểu số không có điều kiện về các cơ sở giáo dục đại học để tham gia các kỳ thi riêng thì cơ hội sẽ ra sao, có công bằng hay không?”, Thứ trưởng Phạm Ngọc Thưởng nêu.
Nhắc lại ý kiến của một số chuyên gia, cán bộ quản lý giáo dục cho rằng, kết quả kỳ thi tốt nghiệp THPT thời gian qua đáng tin cậy để các cơ sở giáo dục đại học lựa chọn là một trong những căn cứ xét tuyển đại học, Thứ trưởng nêu quan điểm, kết quả đó không chỉ ở công tác ra đề, mà còn ở công tác coi thi, chấm thi nghiêm túc, công bằng.
Để công tác khảo thí, ra đề thi thời gian tới tốt hơn nữa, Thứ trưởng đề nghị Cục Quản lý chất lượng tổng hợp, tiếp thu ý kiến chuyên gia, cán bộ quản lý, thầy cô trao đổi tại Hội thảo để tham mưu cho lãnh đạo Bộ tiếp tục bổ sung cho phương án thi, cấu trúc định dạng đề thi nếu thấy hợp lý, khoa học.
Cục Quản lý chất lượng cũng cần sớm xây dựng kế hoạch, tiếp tục triển khai tập huấn xây dựng ngân hàng đề thi và ra đề thi cho cán bộ cốt cán của các Sở GD&ĐT. Xây dựng kế hoạch chi tiết về đề thi minh hoạ và sớm công bố để làm căn cứ cho các cơ sở giáo dục phổ thông dạy và học, kiểm tra đánh giá thường xuyên, đánh giá định kỳ; các cơ sở giáo dục đại học nghiên cứu để công bố sớm phương án tuyển sinh.
Đối với Vụ Giáo dục Trung học và Vụ Giáo dục Thường xuyên, Thứ trưởng đề nghị sớm tham mưu cho lãnh đạo Bộ ban hành hướng dẫn các Sở GD&ĐT chỉ đạo các trường phổ thông về nội dung kiểm tra, đánh giá theo định dạng cấu trúc đề thi tốt nghiệp THPT từ năm 2025. Đồng thời, tổ chức kiểm tra thực tế và định hướng chuyên môn cho các Sở GD&ĐT, các cơ sở giáo dục.
Với các Sở GD&ĐT, Thứ trưởng Phạm Ngọc Thưởng lưu ý, trên cơ sở phương án thi, cấu trúc định dạng đề thi đã được Bộ GD&ĐT ban hành, trong quá trình chỉ đạo chuyên môn cần chủ động tổ chức tập huấn, bồi dưỡng giáo viên; chủ động ra đề kiểm tra đánh giá thường xuyên, định kỳ; chủ động trong công tác truyền thông tại cơ sở để tạo sự thấu hiểu từ giáo viên, học sinh, phụ huynh. Trong quá trình làm, nếu có khó khăn các Sở GD&ĐT thông tin kịp thời về các đơn vị của Bộ.
Theo nhận định của chuyên gia, việc nở rộ quá nhiều kỳ thi tuyển sinh riêng dễ khiến thí sinh tăng thêm áp lực, gây lãng phí, tốn kém cho xã hội.
Năm 2024, nhiều trường đại học tổ chức kỳ thi riêng để tuyển sinh điển hình như: Đại học Quốc gia Hà Nội, Đại học Quốc gia TP HCM, Đại học Bách khoa Hà Nội, Đại học Sư phạm Hà Nội, Trường Đại học Khoa học và Công nghệ Hà Nội, Đại học Sư phạm TP HCM, Đại học Ngân hàng TP HCM, Trường Đại học Cần Thơ, kỳ thi riêng của Bộ Công an...
Tính đến thời điểm này, có khoảng 250 trường sử dụng kết quả thi đánh giá năng lực, đánh giá tư duy để xét tuyển đầu vào năm 2024.