Đầu tư gần 30 tỷ đồng với hàng chục công trình kiên cố, thế nhưng, đã gần 5 năm qua công trình tái định cư (TĐC) thủy điện Sêrêpốk 3, tại thôn Nam Tiến, xã Ea Pô, huyện Cư Jút, tỉnh Đắk Nông, vẫn bị bỏ hoang và đang ngày càng xuống cấp trầm trọng.
Trường tiểu học trong khu TĐC bị bỏ hoang, cỏ mọc um tùm bịt kín lối đi. |
Bỏ hoang vì người dân không đến ở
Nằm cách trung tâm xã Ea Pô gần 10 km, khu TĐC thủy điện Sêrêpốk 3 tại thôn Nam Tiến có diện tích 5ha được đưa vào sử dụng từ đầu năm 2009 cho 68 hộ dân nằm trong lòng hồ ngập nước của thủy điện phải di dời, với đầy đủ các hạng mục công trình công cộng như: đường nội bộ, trường học, nhà văn hóa, nhà máy cấp nước sinh hoạt, trạm y tế...
Tuy nhiên, có mặt tại đây nhưng nếu không được sự giới thiệu của người dân thì chúng tôi không thể nhận biết đây là khu TĐC đã được đầu tư xây dựng với kinh phí gần 30 tỷ đồng vì trước mặt chúng tôi là chỉ một vùng đất vắng lặng.
Theo quan sát, tất cả các công trình trong khu TĐC mặc dù được xây dựng quy mô, hoành tráng nhưng đều hoang tàn rệu rã, bên ngoài cỏ mọc um tùm bít kín lối đi, phần hiên nhà được lát gạch men bị phủ đầy phân và nước thải trâu bò, bốc mùi hôi thối, các thiết bị điện, nước đều bị mất, của sổ, cửa ra vào kính bị vỡ, rơi rụng...
Tất cả như bị hủy hoại gần hết, toàn khu có bảy căn nhà TĐC của các hộ dân nhưng chỉ có hai hộ ở lại, còn đều trong tình trạng đóng chặt cửa, bỏ hoang. Tình trạng trên, nguyên nhân mà theo người dân là do các hộ dân không đến ở khu TĐC vì thiếu đất sản xuất.
Bà Vũ Thị Bắc, một trong những hộ ít ỏi đến ở khu TĐC cho biết: "Gia đình tôi có hơn 3 sào đất bị thu hồi, nhận bồi thường tổng cộng hơn 40 triệu đồng và 400m đất tại khu TĐC, nhưng không được bố trí đất sản xuất, số tiền được nhận bồi thường không đủ mua đất ở khu TĐC để canh tác bởi giá đất ngoài thị trường quá cao, cũng chính bởi lẽ đó mà người dân không đến ở mà phải đi khắp nơi để kiếm sống"
Còn chị Hà Thị Nhượng, một trong những hộ bị thu hồi đất và nhà để làm thủy điện phản ánh, khi xây dựng thủy điện Srêpôk 3, nhà chị nằm trong vùng bị ngập nước nên được di dời bố trí TĐC tại thôn Nam Tiến.
Tuy nhiên, khi lên khu TĐC, gia đình chị chỉ có duy nhất căn nhà để ở, còn đất rẫy, đất vườn thì không có nên gia đình chị phải "tản cư" đi nơi khác làm ăn, sinh sống. “Sau khi bị thu hồi đất để làm thủy điện, cả gia đình tôi đều trở nên thất nghiệp vì không còn đất sản xuất, gia đình tôi buộc phải đi nơi khác để kiếm kế sinh nhai", chị Nhượng nói.
Cần một giải pháp
Ông Trương Thanh Tùng, Phó chủ tịch UBND huyện Cư Jút. |
Trao đổi với PLVN, ông Đinh Công Xoan, chủ tịch UBND xã Ea Pô cho biết trong tổng số 68 hộ dân đăng ký TĐC, chỉ có 7 hộ nhận nhà, còn 61 hộ nhận đất tự xây, nhưng sau khi dự án được bàn giao chỉ có 14 hộ chuyển vào ở khu TĐC, được một thời gian thì một số hộ chuyển đi nơi khác sinh sống, mỗi hộ chỉ nhận được 400m đất TĐC, không có đất sản xuất nên dân không đến ở, xã lại không có tiền chi quản lý, nên các công trình TĐC đang ngày càng xuống cấp trầm trọng hơn.
Vấn đề trên, Ông Trương Thanh Tùng, Phó chủ tịch UBND huyện Cư Jút cho rằng khi có dự án thủy điện Sêrêpốk 3, UBND tỉnh Đắk Nông có chủ trương bố trí 300 ha làm đất tái định canh cho người dân tại tiểu khu 841, UBND huyện đã họp dân nhiều lần để lấy ý kiến, nhưng các hộ dân không chấp nhận lấy đất tái định canh với lý do tự mua đất hoặc đã có đất canh tác.
"Các công trình TĐC bị bỏ hoang vì dân đi nơi khác mua đất làm ăn, hiện nay chúng tôi đang tiến hành vận động bà con về sinh sống", ông Tùng nói.
Như vậy, trong khi chờ chính quyền vận động người dân về sống trên vùng đất mới, xây dựng cuộc sống ấm no hạnh phúc thì công trình TĐC thủy điện Srêpốk 3 vẫn bị bỏ hoang hóa theo thời gian, hàng chục tỷ đồng kinh phí đầu tư của nhà nước đang bị lãng phí, không phát huy được hiệu quả.
Trung Thứ