Sống chung với rác và nước rác quanh năm nên bà con sống ở đây tự phong cho mình là dân “khu phố mũi liệt”!
Không có hệ thống thoát nước nên đã từ lâu, cả ngàn hộ dân ở khu phố 7 (phường Hiệp Bình Chánh quận Thủ Đức) đã quá quen và cũng quá ngán cái cảnh chỉ một cơn mưa nhỏ là nước mưa trộn với nước rác hôi thúi từ trạm rác trung chuyển (công suất khoảng 90 tấn rác/ngày) lại tràn vào nhà. Trưa 23-7, trời nắng nhưng một đoạn dài của đường Hiệp Bình có chỗ ngập tới gần đầu gối – hậu quả của cơn mưa không quá lớn vào chiều hôm trước. Màu nước đen thẫm, bốc mùi hôi đến nghẹt thở. Bô rác trung chuyển nằm trong vùng nước ngập vẫn hoạt động ầm ầm, xe rác ra vô tấp nập. Hàng trăm loại rác trộn lẫn trong nước. Nước ngập không thoát đi đâu được, tràn ngược vào khu dân cư.
Nước ngập hoà với nước rác tấn công ở khu phố 7. (Ảnh: Lê Quỳnh) |
Anh Trần Thà, một người bán trái cây trên đoạn đường này, khổ sở nói: “Sáng, trưa, chiều, tối lúc nào cũng nghe mùi rác nên riết mũi tụi tui liệt hết, không còn nghe mùi thúi hôi gì nữa chứ người lạ tới đây ai cũng bịt mũi, thậm chí muốn ói”. Sống ở khu phố 7 hơn 10 năm, ông Trần Quốc Cường chứng kiến bô rác trung chuyển này được người ta sửa chữa nhiều lần nhưng mùi hôi thúi vẫn không bớt, cũng chẳng thấy có hệ thống xịt khử mùi. Khu chợ tạm bợ ngay sát bô rác đã hoạt động 10 năm nay cũng là một điểm gây mất vệ sinh, là nguy cơ gây dịch bệnh. Ông Cường cho biết cách đây không lâu trong khu phố có ba ca sốt xuất huyết. Còn người dân nếu không ho hen thì cũng thường mắc bệnh về da, tiêu chảy. Chưa kể, đã vào mùa mưa, người dân trong khu phố 7 cũng như khu phố 6, 8 lân cận thường xuyên phải lội bì bõm trong nước mỗi lần đi lại. Bà Trần Thị Dung, trưởng ban khu phố 7 cho biết đã kiến nghị chính quyền làm cống thoát nước và tạm thời dừng đổ rác tại trạm này cho đến khi có hệ thống thoát nước nhưng đến nay, mọi việc vẫn y như cũ! Ông Trần Quang Hải, chủ tịch UBND phường Hiệp Bình Chánh cho biết phường đã nhiều lần kiến nghị quận làm hệ thống thoát nước trên đường Hiệp Bình nhưng chưa thấy trả lời. “Vừa qua, dân “kêu” quá, phường đã cho máy tới đào rãnh để thoát nước tạm nhưng không ăn thua”, ông Hải nói. Theo bà Trần Thị Hạnh, phó chủ tịch UBND quận Thủ Đức, phòng Quản lý đô thị quận đã phối hợp với phường khảo sát tuyến đường Hiệp Bình để xem xét kết nối hệ thống thoát nước tại đây trong thời gian tới. Bà Hạnh cũng cho biết UBND quận đã giao UBND phường tìm địa điểm để giải toả, di dời khu chợ cạnh bô rác nhằm giảm thiểu ô nhiễm. “Riêng bô rác, chúng tôi không thể chuyển đi đâu được vì đây là trạm trung chuyển rác lớn nhất hiện nay của quận. Chúng tôi chỉ có thể tìm điểm mới làm thêm điểm trung chuyển để giảm bớt lượng rác tập trung tại đây”, bà Hạnh nói.
Theo Lê Quỳnh
Sài Gòn Tiếp Thị
Sài Gòn Tiếp Thị