Khu kinh tế cửa khẩu Nam Giang, tỉnh Quảng Nam được Thủ tướng Chính phủ ký Quyết định thành lập từ năm 2006, với qui mô hơn 1.000 ha, gồm các xã LaDê, ChàVàl, huyện Nam Giang, tỉnh Quảng Nam. Thế nhưng, nơi đây hiện vẫn trong tình trạng “lay lắt”…
Dang dở sau 8 năm
Nằm ở vị trí cách thành phố Đà Nẵng 160 km, là đường ngắn nhất nối Thái Lan, Lào với Đà Nẵng, Khu Kinh tế này được kỳ vọng sẽ là động lực để phát triển miền Tây xứ Quảng. Thế nhưng do quy hoạch thiếu tầm nhìn, thiếu vốn, đầu tư dàn trải nên 8 năm trôi qua, Khu kinh tế này vẫn còn dang dở, chưa thu hút được nhà đầu tư nào.
Trên đỉnh dốc nhìn xuống mặt bằng của Khu kinh tế chỉ là những bãi đất đỏ, một bãi gỗ nằm cạnh ngổn ngang đất đá, vài căn lều tạm vừa dựng lên. Ngoài các trạm phát sóng viễn thông, Khu kinh tế cửa khẩu Nam Giang chỉ có một gian hàng tạp hóa mà người ta gọi cho kêu là trung tâm thương mại.
Tất cả những gì có được sau 8 năm khởi công chỉ là ngôi nhà của đội cắm mốc biên giới, Trạm kiểm soát Biên phòng Cửa khẩu, Bộ đội biên phòng tỉnh Quảng Nam. Thỉnh thoảng vài ba xe chở gỗ, chở thiết bị phục vụ thi công thủy điện Xê Ka Mán 3 qua lại và người dân từ huyện Đắc Chưng, tỉnh Sê Kông nước bạn Lào sang mua sắm vật dụng thiết yếu như gạo muối, đèn dầu, hàng dệt may.
Qua tìm hiểu được biết, năm 2011, kim ngạch xuất nhập khẩu qua đây đạt hơn 40 triệu đô la Mỹ, thu ngân sách đạt 9,8 tỷ đồng. Tuy nhiên 6 tháng đầu năm nay, kim ngạch xuất nhập khẩu chỉ đạt hơn 14 triệu đô la Mỹ và thu ngân sách hơn 5,8 tỷ đồng. Lượng người xuất nhập cảnh qua biên giới cũng vắng vẻ hơn.
Thượng úy Lê Văn Chính, Trưởng trạm Kiểm soát Biên phòng Khu kinh tế cửa khẩu Nam Giang, Bộ đội Biên phòng tỉnh Quảng Nam cho biết: Xuất nhập cảnh qua cửa khẩu Nam Giang, chủ yếu đối với người phục vụ thủy điện Xê Ka Mán 3. Sáu tháng đầu năm lưu lượng phương tiện giảm nhiều so với năm 2011. Nguyên nhân là thủy điện Xê Ka Mán 3 vào giai đoạn cuối, đường sá đi lại khó khăn.
Đìu hiu bởi thiếu vốn
Khu kinh tế cửa khẩu Nam Giang đìu hiu và dang dở bởi nhiều lẽ. Trước hết, phía bên kia biên giới, con đường từ cửa khẩu về bản Phồn, tỉnh lỵ Sê Kông dài 125 cây số vẫn chưa khởi công xây dựng. Và từ khi thành lập đến năm 2009, tỉnh Quảng Nam chưa hoàn thành quy hoạch trình Thủ tướng Chính phủ phê duyệt.
Đến tháng 3 năm 2009, Thủ tướng Chính phủ mới có Quyết định phê duyệt quy hoạch chung xây dựng Khu kinh tế cửa khẩu Nam Giang đến năm 2025. Sau đó 3 tháng, UBND tỉnh Quảng Nam mới phê duyệt quy hoạch chi tiết tỷ lệ 1/500.
Trong suốt thời gian này, mọi hoạt động đầu tư tại khu vực cửa khẩu đều phải dừng lại để chờ quy hoạch. Từ khi có quy hoạch chi tiết thì kinh phí cấp cho việc đầu tư cơ sở hạ tầng Khu Kinh tế Cửa khẩu lại rót nhỏ giọt. Cho nên, từ năm 2009 đến 2011, chỉ mới 5 công trình hạ tầng triển khai xây dựng nhưng có đến 3 dự án dang dở.
Nhà thầu thi công thì sống dở chết dở vì chủ đầu tư không có tiền thanh toán. Ông Lê Thế Đông - Đội trưởng Đội thi công Cty CPXD Công trình Hoàng Thông, tỉnh Quảng Nam - cho biết: “Thi công ở đây rất khó khăn vì một năm thời tiết chỉ thuận tiện 2, 3 tháng nhưng bên chủ đầu tư không hiểu lý do gì rót rất ít vốn về cho đơn vị thi công.”
Theo kế hoạch năm 2012 , Trung ương giao theo chương trình mục tiêu xây dựng cơ sở hạ tầng Khu kinh tế Nam Giang là 12 tỷ đồng nhưng mãi đến cuối tháng 6 mới có thông báo ghi vốn, số tiền này dành 3 tỷ đồng trả nợ cho các nhà thầu, còn lại được đầu tư cho các hạng mục của dự án Trạm Kiểm soát liên hợp và hệ thống cấp nước giai đoạn 1. Trong khi đó, chỉ hơn 1 tháng rưỡi nữa là ở miền Tây tỉnh Quảng Nam bước vào mùa mưa, việc thi công sẽ phải dừng lại.
Chưa biết đến bao giờ, một khu kinh tế cửa khẩu quan trọng như Nam Giang được hoàn thành, lại dập dìu xe- hàng, đem lợi nhuận về cho quốc gia…
Trần Tĩnh