Một lần, trên đường đi làm, tôi gặp 2 cậu bé chừng 8, 9 tuổi đi xe đạp nhỏ hồn nhiên cười đùa, lao xe như bay. Tới ngã tư, bất chấp tín hiệu đèn đỏ, cả hai phóng vụt qua đường, một trong hai em loạng quạng móc tay lái vào nhau ngã lăn ra, nhưng lập tức chúng dựng xe lên, tiếp tục phóng đi. Nhìn theo 2 đứa trẻ mà tôi cứ băn khoăn không biết bố mẹ chúng có biết con cái mình đi ra đường nguy hiểm như thế này không? Lần khác, tôi thấy em học sinh chừng 10 tuổi, mặc đồng phục Trường tiểu học Chu Văn An vẹo cả người trên chiếc xe đạp của người lớn do chân chưa với tới tầm bàn đạp của xe. Khi đến ngã tư, em không quan sát đường, thản nhiên rẽ khiến mấy chiếc xe máy đi sau phanh gấp, đâm sầm vào nhau. Em cũng bị ngã, trầy xước quần áo lẫn chân tay, may là chỉ bị thương phần mềm.
Đi xe giữa đường và kiểu ngồi sau xe “mới lạ” của một số em nhỏ sau giờ tan trường |
Hiện nhiều trẻ em đi xe đạp tới trường vì nhà xa, bố mẹ bận công việc không thể đưa đón các em hàng ngày. Nhưng việc này làm cho các bậc bố mẹ lo thấp thỏm về an toàn tính mạng khi các em đi trên đường phố. Bởi phần đông trẻ đi ra đường thường không quan sát, đi hàng ba, hàng tư, vừa đi vừa nô đùa, nghịch ngợm, có em đua nhau lao vun vút, bốc đầu xe đạp, vượt đèn đỏ, nguy cơ tai nạn giao thông rất cao. Thêm nữa, các em chưa đủ tuổi ý thức bảo vệ và phát hiện hỏng hóc của xe, nhiều em bị tai nạn do xe hỏng phanh, đứt xích, tuột ốc bất ngờ, đường đông, tay lái yếu, không xử trí kịp thời.
Để bảo đảm an toàn tính mạng cho trẻ em, người lớn cần quan tâm nhắc nhở, hướng dẫn trẻ cách điều khiển xe đạp, kèm cặp trước khi cho các em tự đi xe một mình trên đường phố. Đồng thời, bố mẹ thường xuyên kiểm tra, sửa chữa hỏng hóc, thay thế phanh xe, săm lốp, dầu nhớt... để các em đi xe đạp được an toàn hơn.
Hoàng Mai