Theo Sở Nông nghiệp-PTNT, sau khi quy đổi cả diện tích mạ bị thiệt hại sang lúa để hỗ trợ theo quyết định số 142 của Thủ tướng Chính phủ, toàn thành phố hiện có 4.384 ha lúa thuần bị thiệt hại hơn 70% số dảnh, hơn 330 ha lúa lai bị thiệt hại hơn 70% số dảnh. Theo tính toán, với 55 kg thóc giống cho 1 ha lúa và 550 kg thóc giống cho 1 ha mạ, Hải Phòng phải sử dụng hơn 290 tấn giống lúa thuần và lúa lai để gieo bù diện tích mạ và lúa chết trong đợt rét vừa qua.
Lịch thời vụ của ngành Nông nghiệp-PTNT cho thấy, thời hạn cuối cùng gieo mạ xuân có thể đến hết ngày 15-2 và lịch cấy có thể đến 30-2. Hiện cùng với sử dụng nguồn giống dự phòng, để kịp thời vụ gieo cấy, nhiều hộ dân sử dụng thóc thương phẩm với các giống lúa thuần để bù đắp lượng mạ chết. Nhưng không ít bà con mua mạ gieo sẵn từ nhiều địa phương để gieo cấy cho kịp thời vụ. Tình trạng nông dân sử dụng giống lúa không bảo đảm chất lượng đang khiến nhiều địa phương lo lắng, nhất là hiện toàn thành phố vẫn còn khoảng 40% diện tích mạ chết chưa có mạ bổ sung. Điều các địa phương băn khoăn nhất hiện nay là hướng dẫn nông dân sử dụng giống lúa nào để vừa bảo đảm lịch gieo cấy bổ sung, vừa bảo đảm hiệu quả cao.
Cán bộ HTX nông nghiệp xã Thiên Hương (Thủy Nguyên) tiếp nhận giống lúa Việt Lai 20 chuyển giao nông dân xã cấy lúa vụ chiêm xuân kịp thời vụ. |
Ông Phạm Văn Chững ở xã Đông Phương (Kiến Thụy) cho biết: “ Từ kinh nghiệm năm 2008, năm nay, gia đình tôi lựa chọn giống lúa lai ngắn ngày VL 20 gieo cấy bổ sung. Năm 2008, do mạ bị chết rét, lịch thời vụ hết mà không có giống dự phòng phục vụ sản xuất, tôi định bỏ ruộng. Nhưng nhờ có người cho địa chỉ, tôi đến Công ty cổ phần nông nghiệp kỹ thuật cao mua giống lúa Việt lai 20 về gieo cấy. Mặc dù ngày 5-3 mạ mới được đưa xuống ruộng, nhưng do là giống ngắn ngày nên lúa vẫn sinh trưởng và phát triển tốt, trỗ bông đuổi kịp các giống khác và vụ đó năng suất lúa của gia đình đạt 67 tạ/ha, cao gấp 1,5 lần giống lúa BC 15 mà tôi quen dùng”. Cũng như ông Chững, nhiều hộ nông dân lựa chọn giống lúa VL 20 và Nhị ưu 986 gieo cấy bổ sung và gieo thẳng. Đây là hai giống lúa cho năng suất cao, chất lượng gạo ngon, được thành phố đưa vào chương trình trợ giá giống cho nông dân trong vụ xuân 2011.
Để đáp ứng nhu cầu của nông dân và hỗ trợ bà con, tránh tình trạng nhân thời điểm này, tư nhân găm hàng, tăng giá bất thường, Công ty cổ phần nông nghiệp kỹ thuật cao Hải Phòng chủ động dự trữ gần 200 tấn hạt giống lúa lai VL20 và Nhị ưu 986 trong kho, sẵn sàng bán cho bà con với giá ổn định từ đầu vụ. Tuần qua, công ty cung ứng hơn 50 tấn thóc giống cho nông dân các địa phương trong khu vực phía Bắc để khắc phục tình trạng thiếu mạ sản xuất, trong đó tại Hải Phòng gần 30 tấn. Hiện công ty vẫn còn gần 150 tấn hạt giống để cung cấp cho nông dân các địa phương thông qua các đại lý phân phối và hợp tác xã nông nghiệp, bảo đảm nông dân không thiếu giống lúa lai. Là doanh nghiệp được giao sản xuất và chủ động nguồn giống dự phòng cho thành phố, hiện Công ty cổ phần Thành Tô cũng chủ động nguồn giống lúa ngắn ngày để đáp ứng nhu cầu giống lúa cuối vụ, khắc phục tình trạng thiếu giống, nông dân sử dụng thóc thương phẩm gieo mạ trong những ngày cuối cùng của lịch thời vụ. Ông Nguyễn Ngọc Lừng, Giám đốc Công ty cổ phần Thành Tô cho biết: “Công ty dự trữ trong kho 31 tấn giống lúa lai và lúa thuần ngắn ngày, chất lượng cao. Nếu thành phố cần, công ty sẽ huy động khoảng 80 tấn giống lúa dự phòng đang trữ tại kho ở Quảng Ninh giúp nông dân kịp thời sản xuất trong khung thời vụ cho phép”.
Như vậy, mặc dù lượng mạ và lúa xuân bị chết do rét ở Hải Phòng khá lớn, song với sự cố gắng của các địa phương trong chuẩn bị mạ dự phòng và sự chuẩn bị nguồn giống lúa chất lượng cao của các doanh nghiệp cung ứng giống, thành phố sẽ không thiếu giống lúa ngắn ngày để đáp ứng lịch thời vụ. Chỉ lo nông dân sử dụng giống không bảo đảm dẫn đến sụt giảm năng suất trong vụ lúa chiêm xuân./.
Kim Oanh