Quốc hội dành trọn một ngày (23/10) trong Kỳ hợp thứ 8 để tập trung phân tích, đánh giá một lần nữa hai dự án Luật Tố tụng Hành chính (TTHC) và Luật Thanh tra (sửa đổi).
Về dự luật TTHC sau khi chỉnh lý, đa số các ĐB tán thành phương án người dân có thể khởi kiện thẳng ra tòa mà không phải qua thủ tục khiếu nại hành chính lần đầu nếu không đồng tình với quyết định hành chính. Một số ĐB khẳng định, đây là biện pháp mạnh giải quyết tình trạng đùn đẩy xử lý khiếu kiện hiện nay.
ĐB Nguyễn Đăng Trừng (TP.HCM) cương quyết, không thể “vin” vào những khó khăn hiện nay của ngành Tòa án để “thoái thác” việc giải quyết bức xúc cho người dân. Theo ĐB Trừng, cải cách hành chính, giải quyết bức xúc cho người dân thì không thể “e ngại” cơ cấu tổ chức bộ máy nhà nước yếu kém. Tòa án có tự tin, có vượt qua được những thử thách này thì mới “mạnh” được; nếu không sẽ “yếu” mãi.
Vẫn là mối quan tâm đến tính độc lập của cơ quan thanh tra, tại buổi thảo luận tại Hội trường chiều 23/10, các ĐBQH đưa ra nhiều ý kiến về vấn đề này. ĐB Đặng Huyền Thái (Hà Nội) cho rằng, cơ quan thanh tra có vị trí, vai trò quan trọng, trong đó có đấu tranh phòng chống tham nhũng, tiêu cực. Do vậy cần đảm bảo tính độc lập, tự chịu trách nhiệm của cơ quan thanh tra, nhất là của Thanh tra Chính phủ. “Cần quan tâm đến trường hợp, nếu Chính phủ sai phạm, Thanh tra Chính phủ sẽ có vai trò như thế nào?”.
ĐB Nguyễn Minh Thuyết (Lạng Sơn) ví công tác thanh tra như cái phanh của một bộ máy, “nếu vướng thì sửa Luật tổ chức Chính phủ, điều này không có gì khó để cơ quan thanh tra có được tính độc lập cao, phát huy được vai trò của mình”. Nếu thanh tra chỉ theo kiểu “vỗ vai giúp nhau” thì “hiệu quả thanh tra cũng như thời gian qua thôi” – ông Thuyết lo ngại.
H.Giang – T.Hằng