Không thể nào quên những đồng đội đã hy sinh

LTS: Sáng 23-7-2010, Ban Tuyên giáo Thành ủy, Báo Đà Nẵng, Ban Liên lạc Ban Tuyên huấn Đặc khu ủy Quảng Đà đã tổ chức trọng thể lễ tưởng niệm các liệt sĩ ngành Tuyên huấn Quảng Đà hy sinh trong cuộc kháng chiến chống Mỹ, cứu nước. Đồng chí Nguyễn Đình An đã có một bài phát biểu rất xúc động. Báo Đà Nẵng xin lược trích, giới thiệu nội dung bài phát biểu đó.  

LTS: Sáng 23-7-2010, Ban Tuyên giáo Thành ủy, Báo Đà Nẵng, Ban Liên lạc Ban Tuyên huấn Đặc khu ủy Quảng Đà đã tổ chức trọng thể lễ tưởng niệm các liệt sĩ ngành Tuyên huấn Quảng Đà hy sinh trong cuộc kháng chiến chống Mỹ, cứu nước. Đồng chí Nguyễn Đình An đã có một bài phát biểu rất xúc động. Báo Đà Nẵng xin lược trích, giới thiệu nội dung bài phát biểu đó.

Lễ gắn bia tưởng niệm các liệt sĩ ngành Tuyên huấn hy sinh tại khu căn cứ Hòn Tàu. Ảnh: MỸ HẠNH
Lễ gắn bia tưởng niệm các liệt sĩ ngành Tuyên huấn hy sinh tại khu căn cứ Hòn Tàu.  Ảnh: MỸ HẠNH

...Cái đêm định mệnh ấy là một đêm mùa hè 1972

Việt Nam hóa chiến tranh đã được hơn 3 năm. Mỹ đã từng bước rút quân, các cuộc hành quân càn quét của Mỹ có giảm nhưng chiến sự vẫn rất ác liệt, các xóm thôn đồng bằng hầu như bị hủy diệt, trắng dân.

Các cơ quan phía trước của Đặc khu ủy Quảng Đà không còn có thể đứng chân ở ven sông Thu Bồn. Tất cả đều lui về núi Duy Xuyên.

Vùng núi Duy Xuyên khá rộng từ thung lũng Mỹ Sơn, chân núi Chúa trải dài qua những núi non phía trong hồ Vĩnh Trinh, đến vùng Hòn Quắp, Hòn Cóc sát với Trà Kiệu, gần quốc lộ 1. Dân thường gọi chung vùng này là Hòn Tàu, vì Hòn Tàu là ngọn núi lớn nhất. Băng qua Hòn Tàu về phía nam là thung lũng Quế Sơn, có lúc địch đánh phía Duy Xuyên dữ dội, chúng tôi lật cánh sang trụ ở phía Quế Sơn từ Hốc Xôi, Mương Đôi đến Nghi Sơn, Lộc Đại. Khi bí quá thì vượt đèo Le lên Trung Phước rồi xoi đường qua Tý Sé về căn cứ trên Giằng. Ở đây, cũng có thể theo lối Phường Rạnh qua vùng B Đại Lộc về căn cứ.

Từ núi Duy Xuyên đi bộ khoảng 2 - 3 giờ là ra đến bờ sông Thu Bồn, đến với các làng, các chợ ven sông Mỹ Lược, La Tháp, Trà Kiệu, Bà Rén, chợ Gò... Từ các điểm này có thể nối kết với các huyện đồng bằng và Hội An, Đà Nẵng gặp cơ sở, giao liên nắm tình hình trao đổi, chỉ đạo công tác. Những điểm này còn là nơi có thể móc nối mua gạo, muối và các hàng hóa cần thiết. Địch có đánh phá điểm này thì vẫn còn điểm khác.

Vùng núi Duy Xuyên núi không cao, không có rừng già nhưng cũng khá hiểm trở, không có những hang động lớn. Chỉ có những gộp đá với những khối lớn chồng lên nhau tạo ra những hang hốc nhỏ, những mái đá, bên dưới là những khe nước trong vắt.

Anh em Tuyên huấn chọn được một địa điểm khá đẹp ở vùng thấp lưng chừng núi. Cơ quan Thường vụ ở trên cao, đi bộ từ cơ quan Tuyên huấn tới đó mất 45 phút, ở gần chúng tôi còn có các cơ quan của Thanh niên, Phụ nữ, v.v...

Những hốc núi liên hoàn được chúng tôi bố trí chỗ đặt điện đài, chỗ là văn phòng, chỗ là nhà bếp, chỗ của báo chí và hang rộng nhất là hội trường. Các hang hốc đều có chôn, gác, những cây nhỏ để cột võng, một vài hang còn có sạp được kết bằng những thân lau sậy để ngồi họp và ai không thích ngủ võng có thể ngả lưng. Các hang hốc đều có căng, che ni-lông để khi mưa không bị ướt, dù mùa hè vùng này rất ít mưa.

Chúng tôi biết rằng đây là vùng nguy hiểm nằm trong tầm của các trận địa pháo Bồ Bồ, Núi Quế, Cẩm Hà, An Hòa, v.v... Nếu phát hiện được mục tiêu hoặc nghi vấn, chúng có thể cho máy bay bắn nát rồi đổ quân lùng sục. Biệt kích Mỹ-ngụy cũng thường lội rừng tìm kiếm. Chúng tôi phải luôn cảnh giới, tranh thủ giữ thật kín để có thể ở sát chúng để không bị phi pháo oanh tạc. Chúng tôi không có thế lựa chọn nơi khác, an toàn hơn vì phải luôn ở gần cơ quan Thường vụ và phải ở chỗ nào thuận lợi trong liên hệ với các huyện, nhất là với Hội An, Đà Nẵng.

*

Cái đêm 21 rạng 22-5-1972 ấy đến sau một cuộc họp Ban Tuyên huấn Đặc khu với các huyện, do đồng chí Trần Văn Đán, Phó Bí thư Đặc khu ủy chủ trì.

Cuộc họp của chúng tôi xoay quanh vấn đề giành dân. Có thể nói sau Mậu Thân, giữ và giành dân luôn là cái trục trong toàn bộ công tác của chúng tôi.

Lúc này, chiến sự Quảng Trị vô cùng ác liệt. Hội nghị của chúng tôi còn bàn việc khuếch trương chiến công giải phóng Quảng Trị, để khẳng định là Mỹ đã phải xuống thang, thực hiện Việt Nam hóa chiến tranh thì dù còn vùng vẫy, chống phá, nhất định Việt Nam hóa sẽ kết thúc thảm bại.

Đúng ngày chúng tôi họp, Nixon đã đến Mạc Tư Khoa, chúng tôi phải theo dõi chặt chẽ sự kiện này. Tiếp theo chuyến đi Bắc Kinh 2-1972, với chuyến đi Liên Xô này, Nixon muốn gây sức ép đối ngoại, cô lập ta, lên giây cót cho Thiệu. Lập trường của chúng ta rất rõ ràng.

Công tác tư tưởng của chúng tôi lúc này có nhiệm vụ không để cho những hoạt động ngoại giao của Nixon có tác động tiêu cực đến ý chí chiến đấu của quân dân ta, và từ tấm gương của các chiến sĩ Quảng Trị nâng cao tinh thần quyết chiến quyết thắng giặc Mỹ xâm lược.

Cuộc họp Ban Tuyên huấn Đặc khu ủy Quảng Đà với các huyện tập trung vào các nội dung trên kết thúc. Tối ấy, anh em đội chiếu bóng có phục vụ hội nghị. Mới chiếu một chút,  có  một chiếc tàu rà quầng lượn. Anh Đán chỉ thị dừng chiếu, phân tán ai về hang của mình. Đúng là chiếu bóng dù có cố gắng che đậy bằng ni-lông thì cũng có thể còn lọt ra một vài luồng sáng địch có thể phát hiện. Mọi người đều rất tiếc, ai đó nói “Không hề gì đâu, cứ cho chiếu tiếp” nhưng anh em chấp hành ý kiến anh Đán.

Các anh chị ở các cơ quan bạn lục tục soi đèn pin về, chỉ có anh Tân (người nam duy nhất của cơ quan Hội Phụ nữ) ở lại với anh em Tuyến huấn, và anh là một trong những người hy sinh.

Anh em ai cũng cột võng ở các hang hốc như đã bố trí, bảo đảm an toàn.

Như việc phải làm mỗi khi có hội họp. Tôi lại soi đèn pin kiểm tra một lần nữa rồi về cột võng ngủ ở trước cửa hang báo chí! Gần chỗ tôi cột võng là võng của Thi. Thi năm ấy mới 16, 17 tuổi và vừa rời Đà Nẵng – nơi em đang học nghề sửa đồng hồ, lên núi được mươi ngày. Thi là em nhỏ tuổi nhất cơ quan. Tôi soi đèn pin thấy Thi đã ngủ ngon, ở đầu võng còn treo tòng ten một chiếc lồng nhỏ có con chim cũng nhỏ xíu.

Lúc 1 giờ đêm (ngày 22-5-1972), một loạt bom B52 đã giáng trúng cơ quan Tuyên huấn, tiếng nổ cực lớn, mặt đất rung chuyển, bụi đá rào rào mù mịt, cây cối đổ rạp ngổn ngang. Một số người không trúng mảnh (sau này gọi là bị thương không thực thể), sức ép bom lột sạch quần áo bay đi đâu.

Tôi hoảng hốt cực độ nhưng rồi biết mình phải làm gì, lúc này mấy anh em còn sống sót hội ý để tôi và anh Nguyễn Sĩ Hiền lên báo cáo ngay với anh Hồ Nghinh và Thường vụ, xin chi viện giải quyết hậu quả. Các anh Hồ Duy Lệ, Vũ Thành Lê lo sơ cứu những người bị thương và liên hệ giao liên bố trí để anh em các huyện về lại địa phương. Anh Đán và đồng chí Trung bảo vệ cũng trở về ngay cơ quan Thường vụ.

Tôi và Hiền phải đi hơn hai 2 giờ mới đến cơ quan Thường vụ, cơ quan cũng bị dính vào trận B52 này nhưng nhẹ hơn, chỉ có một người bị thương. Anh Nghinh chỉ thị ngay anh Mười y sĩ và một số đồng chí cảnh vệ xuống giúp chúng tôi.

Trong số 10 đồng chí hy sinh đêm ấy, có:

Anh Hoàng Kim Tùng quê Cam Lộ, Quảng Trị là học sinh miền Nam tập kết ra Bắc, anh học sư phạm và đã tình nguyện đi dạy ở vùng núi Tây Bắc 3 năm rồi anh lại được cử đi học Đại học Sư phạm, khoa Lý. Vừa tốt nghiệp, anh xung phong đi chiến trường.

Lúc này anh đã có gia đình. Vợ anh, chị Thọ là giáo viên cấp 3 ở Hải Phòng. Anh chị có một cháu trai đầu lòng, cháu Tuấn Anh anh chị thường gọi là Hờ Ru, tên người con yêu dấu của anh hùng Núp.

Năm 1965, như chúng ta đều biết chiến tranh đặc biệt đã phá sản, vùng giải phóng mở ra từng mảng lớn, nhu cầu giáo viên rất cao. Miền Bắc có đợt huy động tổng lực giáo viên chi viện miền Nam. Anh ra đi trong tình hình đó.

Vào đến chiến trường, cục diện đã thay đổi. Mỹ đã đổ quân tiến hành chiến tranh cục bộ, vô cùng ác liệt, hoạt động giáo dục ở đồng bằng không thể triển khai. Anh được phân công về Ban Tuyên huấn Thành ủy Đà Nẵng.

Là một giáo viên khoa học tự nhiên, có thể xa lạ với công tác này, nhưng vốn là một người năng động và có tinh thần trách nhiệm cao, anh lao vào cuộc chiến đấu mới, làm mọi việc, mau chóng giành được sự tin cậy của các đồng chí lãnh đạo và anh em, anh dần dần làm quen với công tác Tuyên huấn, tham gia viết bài, làm tin cho các tờ báo.

Đặc biệt anh là người quán xuyến công việc cơ quan và chăm lo, thương yêu anh em. Trong chiến tranh, lo đời sống của một cơ quan, lo bố phòng chống càn, bảo vệ là việc vô cùng hệ trọng, năng nổ và bình tĩnh, anh Tùng điều hành công việc này đâu ra đấy. Chính vì thế, anh được tín nhiệm bầu là Bí thư Chi bộ bộ phận Tuyên truyền-báo chí cơ quan phía trước của Ban Tuyên huấn.

Anh Phan Minh Lượng, người đã nhiều lần băng bộ lên núi Hòn Tàu tìm cho được nơi anh Tùng và các đồng chí hy sinh, còn nhớ mãi chuyện anh Tùng đã cõng Lượng xuyên rừng tìm thầy, tìm thuốc chữa rắn cắn cho Lượng.

Anh Hoàng Quốc Thăng, tên khai sinh là Hoàng Văn Đáo, phụ trách Đài minh ngữ. Xin được nói thêm cho rõ về đài này.

Trong kháng chiến chống Mỹ, một số cơ quan được trang bị điện đài. Đài gồm máy phát điện 15W quay tay và một bộ phận phát tín hiệu mooc-xơ (tạch tè). Anh em báo vụ có nhiệm vụ thu phát tín hiệu, ghi lại, đánh đi bằng chữ theo mật mã, một bộ phận cơ yếu có nhiệm vụ giải mã. Riêng Thông tấn xã (TTX) Giải phóng (lúc đó là một bộ phận của Ban Tuyên huấn) có Đài minh ngữ tức là thu phát trực tiếp bằng tín hiệu mooc-xơ, dịch ngay thành chữ, không phải chuyển thành mật mã rồi giải mã. Bởi nội dung là những tài liệu công khai như các lời kêu gọi, chính sách của Mặt trận, tin tức chiến thắng và đấu tranh, tin tham khảo, không có gì phải giữ bí mật. Cho đến năm 1968, chỉ có TTX thuộc Ban Tuyên huấn Khu V mới có Đài minh ngữ. Tin tức, bài vở của các tỉnh muốn chuyển cho TTX Giải phóng phải gửi bằng đường giao liên về TTX Khu 5, từ đó mới được phát cho Tổng xã, nên rất chậm, có khi thất lạc.

Sau Mậu Thân, do tầm quan trọng của mặt trận Quảng Đà, TTX Việt Nam cử một bộ phận có đem theo đài minh ngữ vào Quảng Đà công tác. Sau một thời gian, địch đánh phá ác liệt. Đồng chí Đinh Trọng Quyền, Phân xã trưởng bị thương nặng cùng cả bộ phận đi ra Bắc. Theo đề nghị của Đặc khu ủy Quảng Đà, Trung ương chi viện cho Quảng Đà một Đài minh ngữ để phục vụ hoạt động TTX.

Với kỹ thuật hiện đại, địch dễ dàng xác định được tọa độ nơi đặt máy cũng là nơi đóng cơ quan. Vì đài mật ngữ thì nhiều, các Quận, Huyện ủy, Đặc khu ủy, Bộ Chỉ huy Quân sự đặc khu, các đơn vị quân đội lớn đều có nên dù có biết tọa độ cũng khó biết là đài của cơ quan nào. Còn Đài minh ngữ thì chỉ Thông tấn xã mới có nên xác định được ngay vùng cơ quan Tuyên huấn đóng.

Anh Thăng đến với chúng tôi để phụ trách Đài minh ngữ. Anh làm việc rất cần mẫn và có hiệu quả. Chúng tôi phát đi những bài vở, tin tức các hoạt động “hai chân ba mũi”, cả những câu chuyện, những hình ảnh về lòng dân trong chiến tranh. Một thanh niên khỏe mạnh lúc này là Võ Công Thu quay máy phát điện Gravônô và anh với bộ phận maníp vừa dịch vừa tay bấm nhẹ nhàng, thoăn thoắt các tín hiệu. Theo quy ước vào một số giờ nhất định hằng ngày, TTXVN (Giải phóng) sẽ phát đi các nội dung cần thu và với một chiếc đài bán dẫn thật tốt, anh tập trung lặng lẽ vừa nghe vừa dịch, viết ra những bản tin tham khảo, những văn kiện, cả những chỉ thị mà Trung ương muốn truyền đạt đến các Ban Tuyên huấn, các địa phương.

Nhờ có Đài minh ngữ nên tin tức, bài vở của Quảng Đà được chuyển phát rất nhanh. Có khi chúng tôi vừa phát ra Tổng xã buổi trưa, bản tin chiều của Đài TNVN, Đài Giải phóng đã loan tin. Điều này cổ vũ quân dân Quảng Đà rất nhiều.

Cũng nhờ có bản tin và các nội dung mà anh Thăng nhận được, chúng tôi có thêm điều kiện để làm việc, trước đây phần lớn phải dựa vào bản tin đọc chậm của Đài TNVN, có lúc nghe không rõ, chép sai rất tức cười. Nhờ đọc bản tin tham khảo, các đồng chí lãnh đạo tăng thêm hiểu biết, mở rộng tầm nhìn. Đây còn là những tư liệu rất lý thú làm cho các buổi báo cáo thời sự thêm phần hấp dẫn.

Anh Thăng không những là một cán bộ tinh thông nghiệp vụ, làm việc rất năng suất. Anh còn là người chủ động, tích cực chăm lo đời sống của cơ quan, anh nói ít nhưng luôn quan tâm đến anh em. Anh là người câu cá giỏi, ở núi nhiều lần với tài nghệ của anh Thăng, anh em chúng tôi được thưởng thức món cá chình rất ngon. Nhiều lần bị sốt rét nặng, anh cắn răng chịu đựng, người xanh lét, run cầm cập vẫn hành quân cùng anh em, không một lời than thở.

Anh Nguyễn Bá Tiệp, người của Quốc doanh chiếu bóng Hà Nội. Anh là người Phú Gia ven Hồ Tây, cao to, trắng trẻo. Anh đã có vợ, chưa có con thì xung phong đi B.

Anh Nguyễn Vinh, không rõ quê quán, nhưng chúng tôi biết là người Thanh Hóa, anh là bộ đội chủ lực. Những năm 70-72, hiện tượng bộ đội chủ lực đi lạc khá phổ biến ở Quảng Đà. Có thể vì bị thương hay sốt rét, đơn vị gửi lại cho địa phương chăm nuôi rồi mất  liên lạc với đơn vị. Vinh là thuộc diện ấy. Thấy anh to con, đen khỏe, anh em chiếu bóng chiêu mộ về làm quân cho mình.

Anh Võ Công Thu, dân vùng B Đại Lộc, lúc thoát ly có nguyện vọng tham gia văn công hát dân ca, hô bài chòi, nhưng hình như không phát triển được theo hướng đó, khi cơ quan có trang bị Đài minh ngữ, Thu được phân công phụ trách máy phát điện quay tay.                                                  

NGUYỄN ĐÌNH AN

(Còn nữa)

Tin cùng chuyên mục

Thủ tướng Chính phủ Phạm Minh Chính dự, chứng kiến Lễ ký, trao 26 thỏa thuận hợp tác của các bộ, ngành và doanh nghiệp Việt Nam và đối tác Anh.

Thủ tướng Phạm Minh Chính dự Hội nghị COP26 và làm việc tại Anh: Ký kết thỏa thuận hợp tác trị giá hàng tỷ USD

(PLVN) - Nhân chuyến tham dự Hội nghị COP26 và làm việc tại Vương quốc Anh, chiều 31/10 (giờ địa phương), tại thành phố Edinburg, Scotland, Thủ tướng Chính phủ Phạm Minh Chính đã dự, chứng kiến lễ ký, trao 26 thỏa thuận hợp tác trong các lĩnh vực thương mại, nông nghiệp, năng lượng, y tế, giáo dục, đào tạo, bảo vệ môi trường, thể thao... của các bộ, ngành và doanh nghiệp Việt Nam và đối tác Anh.

Đọc thêm

Giảm tải mật độ, hạn chế lây nhiễm trong khu cách ly

làm thủ tục tiếp nhận công dân vào khu cách ly tại Trường Quân sự Bộ Tư lệnh Thủ đô. Ảnh: báo Lao động (chụp tháng 2/2020)
(PLVN) - Những ngày vừa qua, số ca F1 chuyển biến thành F0 tăng nhanh nên TP Hà Nội đã chỉ đạo xét nghiệm toàn bộ số F1 đang cách ly để sàng lọc, rà soát mà không cần chờ đủ thời gian 7 ngày theo quy định. Qua xét nghiệm đã xác định thêm 27 ca bệnh chuyển từ F1 thành F0.

Những nữ Công an tỉnh Phú Thọ nhiệt huyết trong công việc

Chiến sỹ Cảnh sát nhập dữ liệu thông tin của người dân.
(PLVN) - Trong bất kể lĩnh vực công tác nào, thì những “bông hồng thép”- nữ cán bộ, chiến sĩ Phòng Cảnh sát quản lý hành chính về trật tự xã hội Công an Phú Thọ đều luôn nỗ lực phấn đấu hoàn thành tốt nhiệm vụ, góp phần mang lại cuộc sống bình yên, hạnh phúc cho nhân dân.