"Không thể đan một loại lưới để bắt mọi loại cá!"

(PLO) - Đó là ý kiến của TS.Trần Du Lịch - Phó trưởng Đoàn chuyên trách Đoàn Đại biểu Quốc hội TP.Hồ Chí Minh khi trao đổi với báo chí bên hành lang kỳ họp xung quanh Dự án Luật Tổ chức Chính phủ (sửa đổi) và Luật Tổ chức chính quyền địa phương – hai dự luật này theo chương trình sẽ được Quốc hội thảo luận vào ngày hôm nay (1/6).
TS.Trần Du Lịch thẳng thắn cho rằng: “Chúng ta cần một nền hành chính thống nhất nhưng chúng ta hiện đang quản lý đất nước theo kiểu đồng nhất. Điều này chẳng khác gì chúng ta đan một loại lưới để bắt mọi loại cá...”.
Cấp xã như “cái máng xối”
Ông đánh giá thế nào về phân cấp, phân quyền được thể hiện trong Dự án Luật Tổ chức Chính phủ (sửa đổi) và Luật Tổ chức chính quyền địa phương?
- So với dự thảo trình ở Kỳ họp thứ 8 và Hội nghị đại biểu chuyên trách, Dự luật Tổ chức chính quyền địa phương trình Quốc hội xem xét thông qua lần này cho thấy Chính phủ, Ban soạn thảo đã cụ thể tương đối nhiều vấn đề. Thứ nhất, chế định rõ mô hình tổ chức từng loại chính quyền; thứ hai, đưa một số điều khoản quy định có cơ chế phân cấp, phân quyền và ủy quyền. Tôi cho là có nhiều tiến bộ.
Tuy nhiên, yêu cầu để giải quyết tình hình hiện nay là minh bạch quyền và trách nhiệm từng cấp chính quyền thì chưa rõ. Trong Dự thảo mới nêu sẽ quy định ở luật chuyên ngành hoặc Chính phủ sẽ phân cấp. Cho nên đọc Dự án Luật này, khi nói chính quyền cấp xã, thị trấn tới quận, huyện, tỉnh, thành phố đều có câu giống nhau về quyền và nhiệm vụ, đó là “tổ chức thi hành Hiến pháp và pháp luật trên địa bàn”. Như vậy, “ông” xã thi hành khác “ông” tỉnh chỗ nào? Chính phủ thi hành ra sao? Luật cần cụ thể hơn để khi đọc thì chính quyền các cấp biết quyền của mình theo luật định.
Điều này chưa rõ và đây là vướng mắc rất lớn trong quản lý nhà nước, dẫn tới sự chồng chéo về công vụ và tình trạng quá tải ở cấp cơ sở. Và tôi cũng nhiều lần phát biểu, cấp xã nói rằng mình giống như “cái máng xối”, bên trên như mái nhà, mọi thứ đổ lên nên phình bộ máy. Do đó, cần phải làm rõ những nét cơ bản về quyền và trách nhiệm của cấp xã khác cấp huyện, cấp tỉnh, Chính phủ.
TS. Trần Du Lịch - Phó trưởng Đoàn chuyên trách Đoàn Đại biểu Quốc hội TP.Hồ Chí Minh
TS. Trần Du Lịch - Phó trưởng Đoàn chuyên trách
Đoàn Đại biểu Quốc hội TP.Hồ Chí Minh 
Có ý kiến cho rằng, hiện Trung ương làm quá nhiều việc mà đáng lẽ những việc đó nên giao cho địa phương tự quyết, tự chịu trách nhiệm?
- Thực ra, nói như vậy cũng tội địa phương. Địa phương họ cũng nặng việc lắm. Vấn đề ở đây là không minh bạch giữa Trung ương và địa phương, để địa phương thấy rằng cái này là quyền, là trách nhiệm của địa phương, địa phương phải lo. Đằng này, chúng ta lồng ghép trách nhiệm trong cái chung là quản lý nhà nước, giống như ngân sách, lồng ghép Trung ương với địa phương. Đây là cốt tử vấn đề. 
Nhưng qua các giải trình, chúng ta chưa có thể làm được việc đó, cần phải nghiên cứu, thì tôi cũng chấp nhận. Chứ gốc vấn đề chúng tôi muốn làm minh bạch từ đầu, kể cả từ ngân sách cho đến quyền và trách nhiệm, nó phải rõ ràng. Nói  nôm na, cái gì là ủy quyền, cái gì phân quyền, cái gì là phân cấp. Bởi 3 cái này là khác nhau, nó gắn với ngân sách, với chế độ trách nhiệm để khi một vấn đề gì xảy ra ở địa phương, đại biểu Quốc hội biết, cái này nên chất vấn ông chủ tịch tỉnh hay ông bộ trưởng...
Thống nhất nhưng không đồng nhất
Có ý kiến cho rằng chúng ta đã có những đột phá về thể chế kinh tế qua Luật Đầu tư, Luật Doanh nghiệp thì trong 2 Dự án Luật này cũng nên có bước cải cách mạnh hơn. Quan điểm của ông như thế nào?
- Tôi rất thông cảm với giải trình của Ủy ban Thường vụ Quốc hội là trong điều kiện hiện nay thì một số vấn đề tôi và một số đại biểu nêu ra chưa tiếp thu được mà còn phải tiếp tục nghiên cứu. Luật Ngân sách nhà nước cũng vậy.
Còn cái tôi muốn đề nghị cần phải cải cách đồng bộ, cải cách cả tài chính công, cụ thể Luật Ngân sách nhà nước với Luật Tổ chức Chính phủ và Luật Tổ chức Chính quyền địa phương trên phương diện: Thứ nhất, quyền, trách nhiệm phải rõ ràng để khi đọc Luật, người ta biết cái nào Chính phủ, cái nào địa phương; thứ hai, từ cái đó minh bạch ngân sách trung ương, ngân sách địa phương. Đây chính là cơ sở để cải cách hành chính.
Nhân đây, tôi muốn nói một điều là chúng ta cần một nền hành chính thống nhất, nhưng chúng ta hiện đang quản lý đất nước theo kiểu đồng nhất chứ không phải thống nhất. Thống nhất là đưa ra những nguyên tắc, còn mô hình tổ chức tùy thuộc vào đặc điểm nông thôn, thành thị, quy mô. Ví dụ, một tỉnh 3 triệu dân khác tỉnh có 1 triệu dân, một tỉnh có mấy chục ngàn hecta khác tỉnh chỉ có mấy trăm hecta. Cái này từ thời phong kiến đã có sự phân biệt rồi. 
Chúng ta đang tổ chức theo kiểu đồng hóa, thành ra địa phương này có sở, ban, ngành này thì địa phương khác cũng vậy. Một khi tổ chức mô hình quản trị đồng nhất, không tính đặc điểm chẳng khác gì chúng ta đan một loại lưới bắt mọi loại cá. Thực ra, chính chỗ này là nghệ thuật quản lý hay quản trị quốc gia. Đây là vấn đề cần xem xét.
Vấn đề quan trọng vẫn là trách nhiệm, nhưng xem ra 2 Dự án Luật này vẫn chưa làm rõ trách nhiệm của các cấp bên cạnh nhiệm vụ phải không, thưa ông?
- Như tôi đã nói, chúng ta cứ nói quản lý nhà nước rất chung, như “ông” xã có nhiệm vụ đầu tiên là triển khai Hiến pháp, pháp luật trên địa bàn, “ông” tỉnh cũng vậy. Rất mênh mông. Luật cần cụ thể hơn, ví dụ nhiệm vụ chính của “ông” phường là gì? Tôi ví dụ, ở phường công việc chính là sát với dân, quản lý những gì liên quan đến trật tự như đừng để người ta lấn lề đường, đừng để người ta xây trái phép, đừng để người ta xả rác bậy...  Chứ nói phường quản lý kinh tế - xã hội địa bàn thì mênh mông quá, rồi chúng ta cũng ra nghị quyết nhưng quản lý cụ thể lại không rõ...
Mục tiêu rất lớn khi xây dựng 2 luật này là “Chính phủ dân chủ hiện đại cần phải công khai để người dân kiểm tra để tăng tính minh bạch”. Ông nghĩ sao?
- Đây là một điểm tương đối tiến bộ. Trong Dự án Luật Tổ chức Chính phủ (sửa đổi), Luật Tổ chức chính quyền địa phương, kể là Luật Ngân sách nhà nước, chúng ta nhấn mạnh mục tiêu tăng minh bạch, tăng vai trò giám sát, đó là một tiến bộ. Nhưng muốn minh bạch, rõ trách nhiệm, chúng ta phải xác định quyền, trách nhiệm minh bạch hơn thì dễ giám sát hơn, còn không chúng ta rất khó làm.
Tổ chức chính quyền như hiện nay, bao nhiêu cấp phó cũng không đủ
Trong nhiều phát biểu, ông từng nói luật quy định làm sao để không biến cấp phó thành một cấp, ông có thể nói rõ hơn về điều này?
- Đây là vấn đề tôi đã kiến nghị bổ sung thêm trong Dự án Luật Tổ chức Chính phủ (sửa đổi) và Luật Tổ chức chính quyền địa phương mà hiện nay chưa rõ. Ví dụ, chúng ta nói Sở là cơ quan chuyên môn của Ủy ban, tham mưu cho Ủy ban trong vấn đề  quản lý nhà nước về ngành. Tôi nghĩ không phải vậy,  Sở thực chất là cơ quan quản lý nhà nước về ngành đó. 
Ví dụ, Sở Tài nguyên và Môi trường ở một địa phương thì tất cả các gì thuộc về trách nhiệm quản lý nhà nước về tài nguyên môi trường thì đó là trách nhiệm của ông Giám đốc Sở. Nếu làm được như vậy thì  nâng trách nhiệm lên để “ông” sở không đẩy trách nhiệm đó lên Ủy ban và không có chuyện ông Phó Chủ tịch Ủy ban phụ trách mảng đó biến thành một cấp quản lý. Dự án Luật Tổ chức chính quyền địa phương chưa làm rõ cái này.  
Hay như cấp Bộ, ví dụ ở Bộ Xây dựng có Cục Quản lý nhà, chính Cục đó là chịu trách nhiệm quản lý nhà nước về nhà ở, còn nói Cục đó tham mưu cho Thứ trưởng phụ trách mảng đó thì Thứ trưởng lại thành một cấp. Dự án Luật Tổ chức Chính phủ (sửa đổi) cũng chưa làm rõ được cái này. Nếu chúng ta làm được cái này thì sẽ giảm được hội họp, chỉ rút lại còn hội họp của Ủy ban hoặc cái gì mang tính liên ngành mà Sở không giải quyết được, cần Ủy ban, khi đó ông Phó Chủ tịch sẽ giúp Chủ tịch nghiên cứu trước khi trình ra cuộc họp về vấn đề đó.
Hiện nay, vấn đề liên quan đến cấp phó muốn lên Chủ tịch ký thì ông phó như một cấp, xem tới xem lui và “ông” sở không chịu trách nhiệm. Tôi nói lại, “ông” sở là cơ quan quản lý nhà nước chứ không phải chỉ là tham mưu. Đây là quan điểm của tôi...
Như vậy có nghĩa người đứng đầu sẽ phải chịu trách nhiệm?
- Đúng! Tôi không bàn đến “ông” phó. Xảy ra chuyện gì dù có “ông” phó phụ trách, “ ông” trưởng vẫn phải chịu trách nhiệm. Ở địa phương, Chủ tịch tỉnh phải chịu, ở Bộ cũng thế, trách nhiệm đứng đầu là Bộ trưởng...
Nhưng trong Dự án Luật, có ý kiến cho rằng chưa toát lên trách của Bộ trưởng?
- Tôi cho là tương đối rõ chứ không phải không rõ. Ví dụ nói đến vấn đề xây dựng, trách nhiệm trước Chính phủ là Bộ trưởng Bộ Xây dựng. Nhưng riêng từ cấp Bộ trở xuống cần phải là quy định rõ trách nhiệm quản lý nhà nước của các Vụ, Cục, Tổng cục. Nếu chúng ta cứ để các cơ quan này chỉ  là cơ quan tham mưu thì để bao nhiêu phó cũng không đủ. Nhưng trước mắt, Luật cũng hạn chế đi một phần, như cấp tỉnh chỉ có 3 phó, cấp Bộ có 5 phó gì đấy, nhưng muốn bớt phó nữa phải thay cơ chế trách nhiệm...
Trân trọng cảm ơn ông!

Đọc thêm

Tổng Bí thư Tô Lâm: Xây dựng tỉnh Đồng Tháp phát triển trong nhóm dẫn đầu vùng Đồng bằng sông Cửu Long

Tổng Bí thư Tô Lâm: Xây dựng tỉnh Đồng Tháp phát triển trong nhóm dẫn đầu vùng Đồng bằng sông Cửu Long
Sáng 11/12, Tổng Bí thư Tô Lâm cùng Đoàn Công tác của Trung ương đã thăm và làm việc với Ban Thường vụ Tỉnh ủy Đồng Tháp về tình hình thực hiện Nghị quyết Đại hội XIII của Đảng, Nghị quyết Đại hội đại biểu Đảng bộ tỉnh Đồng Tháp lần thứ XI, nhiệm kỳ 2020 - 2025; việc thực hiện Chỉ thị số 35-CT/TW của Bộ Chính trị về đại hội đảng bộ các cấp tiến tới Đại hội đại biểu toàn quốc lần thứ XIV của Đảng.

Việt Nam luôn tôn trọng, bảo đảm, bảo vệ quyền con người

Toàn cảnh Hội nghị tại Học viện Chính trị quốc gia Hồ Chí Minh. Ảnh: V.Anh
(PLVN) - Sáng 11/12, Hà Nội và các điểm cầu trực tuyến tại 63 tỉnh, thành phố diễn ra Hội nghị toàn quốc về giáo dục quyền con người, do Học viện Chính trị quốc gia Hồ Chí Minh tổ chức. Thủ tướng Chính phủ Phạm Minh Chính chủ trì hội nghị.

Giai cấp công nhân Việt Nam ngày càng đóng góp cho sự phát triển của đất nước

Giai cấp công nhân Việt Nam ngày càng đóng góp cho sự phát triển của đất nước
(PLVN) -  Sáng 10/12, Tổng Liên đoàn Lao động (LĐLĐ) Việt Nam tổ chức hội nghị đánh giá kết quả 15 năm thực hiện Chương trình hành động triển khai Nghị quyết số 20-NQ/TW ngày 28/1/2008 của Ban Chấp hành Trung ương Đảng khóa X về “Tiếp tục xây dựng giai cấp công nhân Việt Nam thời kỳ đẩy mạnh công nghiệp hóa, hiện đại hóa đất nước”.

Ông Phạm Đức Ấn làm Chủ tịch UBND tỉnh Quảng Ninh

Ông Phạm Đức Ấn làm Chủ tịch UBND tỉnh Quảng Ninh
HĐND tỉnh Quảng Ninh nhất trí bầu bà Trịnh Thị Minh Thanh – Phó Bí thư Thường trực Tỉnh ủy Quảng Ninh, làm Chủ tịch HĐND tỉnh Quảng Ninh; ông Phạm Đức Ấn - Phó Bí thư Tỉnh ủy làm Chủ tịch UBND tỉnh Quảng Ninh khóa XIV...