Năm 2003, UBND TPHCM ra quyết định thu hồi đất để thực hiện dự án Đại học Quốc gia TPHCM.
Từ quyết định này, nhiều hộ dân ở khu phố 6 phường Linh Trung (Thủ Đức) đời sống bất ổn vì nằm trong diện giải toả.
Điển hình là trường hợp gia đình bà Trần Thị Bích Lự liên tục nhận được “giấy triệu tập - quyết định cưỡng chế” và cũng từ đó, ròng rã suốt 8 năm trời, gia đình bà Lự lặn lội đội đơn kêu cứu khắp nơi...
Nỗi đau 8 năm đội đơn cầu cứu!
Để thực hiện dự án Đại học Quốc gia TPHCM, UBND TP ra quyết định thu hồi 108,8970ha đất, nhưng trong quyết định chỉ giao cho Đại học Quốc gia 95,8176ha đất, diện tích đất còn lại - hơn 13ha (được thu hồi) - không thấy giao cho ai và cũng không giao cho cơ quan nào quản lý? Người dân thấy có dấu hiệu không minh bạch đã làm đơn gửi đến Thanh tra Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ, các cơ quan ban ngành T.Ư và các cơ quan thông tấn báo chí.
Sau 3 năm ký QĐ thu hồi đất, UBND TP mới ra Quyết định số 2725 sửa sai: “Nay bổ sung (QĐ thu hồi đất - PV) như sau: Đối với phần đất chênh lệch giữa diện tích đất thu hồi và diện tích đất giao diện tích 130.794m2 thuộc lộ giới đường xa lộ Hà Nội và đường Trường Sơn, giao cho UBND quận Thủ Đức để thực hiện việc bồi thường hỗ trợ, tái định cư, giải phóng mặt bằng và quản lý khu đất không để lấn chiếm xây dựng trái phép cho đến khi thực hiện dự án mở rộng đủ lộ giới đường xa lộ Hà Nội và đường Trường Sơn...”.
Nhưng trớ trêu thay, trong phần diện tích đất thu hồi chênh lệch này có hơn 1.000 hộ dân đang sinh sống ổn định và dự án mở rộng lộ giới đường xa lộ Hà Nội - đường Trường Sơn lại chưa được cấp có thẩm quyền phê duyệt(?!). Thế là, căn cứ theo quyết định của TP, UBND quận Thủ Đức cứ “quyết” thu hồi, giải phóng đất ở của dân. Cũng từ năm 2003 cho đến nay, hơn 1.000 hộ dân khu phố 6 luôn sống trong nỗi lo sợ sẽ bị giải tỏa; điển hình là trường hợp gia đình bà Trần Thị Bích Lự liên tục nhận được “giấy triệu tập - quyết định cưỡng chế” - cũng là 8 năm mẹ con bà lặn lội đội đơn kêu cứu khắp nơi.
Trao đổi với PV, bà Lự nói trong nước mắt: “Gia đình tôi là gia đình có công với cách mạng, nếu có dự án thật và công khai minh bạch rõ ràng, tôi sẵn sàng hiến cả số đất này cho Nhà nước, kể cả lúc nửa đêm mẹ con tôi cũng dời khỏi đây! Nhưng lại không phải vậy, đây là mưu đồ của một số người lạm dụng dự án để trục lợi cá nhân”.
“Trên bảo dưới không nghe”
Ngày 14.10.2008, Văn phòng Chính phủ đã có công văn gửi cho UBND TPHCM và Đại học Quốc gia và nêu rõ có ý kiến chỉ đạo của Thủ tướng Chính phủ Nguyễn Tấn Dũng và yêu cầu báo cáo kết quả lên Thủ tướng Chính phủ trong tháng 12.2008; ngày 30.9.2009 Văn phòng Chính phủ có tiếp công văn gửi UBND TPHCM nêu rõ: “Bà Trần Thị Bích Lự gửi đơn phản ánh phần đất của gia đình bà không nằm trong dự án ĐHQG, không có quyết định thu hồi đất, nhưng UBND quận Thủ Đức vẫn quyết định đo vẽ để cưỡng chế thu hồi đất.
Văn phòng Chính phủ đề nghị UBND TPHCM kiểm tra, xem xét và thông báo cho Văn phòng Chính phủ biết kết quả”; ngày 21.5.2010 Viện Kiểm sát Nhân dân (KSND) Tối cao gửi đích danh ông Chủ tịch UBND TPHCM với nội dung: “Qua đơn và hồ sơ thể hiện, việc khiếu nại của các hộ dân khu phố 6 trong nhiều năm chưa được giải quyết, nên Thủ tướng Chính phủ đã có chỉ đạo yêu cầu giải quyết, báo cáo kết quả. Ngày 5.9.2008 UBND quận Thủ Đức ban hành quyết định giải quyết khiếu nại, nhưng đến ngày 29.7.2009 UBND quận lại có quyết định về việc thu hồi, hủy bỏ quyết định trên.
Sau gần 1 năm lại ban hành Quyết định 1357/QĐ-UBND ngày 25.3.2010 là chưa đúng quy định pháp luật, gây bức xúc cho người dân và công luận, nên họ lại gửi đơn khiếu nại tiếp đến các đồng chí lãnh đạo Đảng và Nhà nước. Viện KSNDTC đề nghị Chủ tịch UBND TPHCM ban hành quyết định giải quyết khiếu nại tố cáo đúng quy định Luật Khiếu nại tố cáo, báo cáo kết quả lên Thủ tướng Chính phủ”.
Thanh tra Bộ Tài nguyên và Môi trường (TNMT) cũng đã có công văn gửi UBND TPHCM nêu rõ: “Việc khiếu nại của người dân khu phố 6, phường Linh Trung, quận Thủ Đức đã kéo dài trong nhiều năm. Mặc dù có ý kiến chỉ đạo của Thủ tướng Chính phủ và nhiều cơ quan ban ngành, nhưng đến nay vẫn chưa được tổ chức thực hiện, giải quyết dứt điểm, các hộ dân liên tục đến Bộ TNMT trình bày khiếu nại. Để chấm dứt tình trạng khiếu kiện kéo dài, tập trung đông người tại các cơ quan T.Ư, Bộ TNMT đề nghị UBND TP sớm chỉ đạo, kiểm tra, giải quyết theo quy định”.
Dù đã có ý kiến các cơ quan của các cấp có thẩm quyền ở T.Ư, nhưng việc giải quyết khiếu nại của người dân khu phố 6 vẫn bị chính quyền địa phương làm ngơ. Tình trạng “trên bảo dưới không nghe” đã gây bất bình trong nhân dân khu phố 6. Đã nhiều năm trôi qua, mọi việc vẫn im lặng một cách đáng sợ. Quyền lợi chính đáng của người dân vẫn chưa được giải quyết dứt điểm. Thiết nghĩ UBND TPHCM cần sớm xem xét và giải quyết để bảo đảm quyền lợi chính đáng của các hộ dân liên quan đến dự án ĐHQG ở TPHCM.
Theo Nhóm P.V