Trong những ngày đầu tháng 8, thị trường ngoại tệ tự do tiếp tục có những diễn biến phức tạp trái ngược với công bố của các ngân hàng, tỷ giá VND/USD cơ bản ổn định. Đại diện các ngân hàng lớn khẳng định, vẫn đáp ứng đủ nhu cầu ngoại tệ cho các doanh nghiệp.
Nhân viên Ngân hàng Eximbank kiểm đếm ngoại tệ cho khách hàng Ảnh: Duy Thính |
Cung vẫn dồi dào
Giám đốc Vietinbank Hải Phòng Dương Bảo Toàn cho biết, nguồn cung ngoại tệ của Vietinbank Hải Phòng đủ để đáp ứng nhu cầu giải ngân của các doanh nghiệp đã được ngân hàng cho mở L/C thanh toán với nước ngoài. Các khách hàng thường xuyên của ngân hàng được cân đối đủ ngoại tệ cho các nhu cầu nhập khẩu hợp lý như máy móc, thiết bị, nguyên liệu sản xuất… Trong 7 tháng qua, Vietinbank mua ngoại tệ được 29,418 triệu USD, bán ra cho các doanh nghiệp 29,721 triệu USD. So với cùng kỳ năm ngoái, doanh số mua vào và bán ra ngoại tệ năm nay bằng 66-67% do xuất khẩu và nhập khẩu năm nay chững lại. Ngoài ra, với nguồn huy động vốn ngoại tệ quy đổi khoảng 282 tỷ đồng, ngân hàng còn cho các doanh nghiệp vay ngoại tệ, dư nợ quy đổi 440 tỷ đồng (dư nợ cao hơn do còn nguồn từ năm trước để lại và nguồn từ hội sở). Nguồn cung của ngân hàng có được đều đặn do một số doanh nghiệp xuất khẩu bán lại ngoại tệ cho ngân hàng như Công ty CP đóng tàu Sông Cấm xuất khẩu các tàu nhỏ, Công ty TNHH Việt Trường, xuất khẩu thủy sản, Công ty TNHH quốc tế Trường Thành xuất khẩu găng tay…
Đối với BIDV Hải Phòng, 7 tháng qua, ngân hàng mua ngoại tệ đạt 53,3 triệu USD, bán ra 43,29 triệu USD. Doanh số huy động: 39 triệu USD và 2,8 triệu EUR. Doanh số cho vay: 34,2 triệu USD và 3,4 triệu EUR. Nguồn ngoại tệ dư thừa.
Ngân hàng nhỏ như KienLong Bank Hải Phòng cũng cơ bản đáp ứng nhu cầu ngoại tệ của khách hàng với doanh số (6 tháng) mua ngoại tệ 718 nghìn USD, bán 787 nghìn USD. Trong tổng nguồn vốn huy động bằng ngoại tệ của KienLong Bank quy đổi được 39 tỷ đồng, cho vay 15 tỷ đồng, vẫn còn dư chuyển về hội sở.
Vấn đề là phương thức thanh toán
Theo một số lãnh đạo chi nhánh ngân hàng trên địa bàn thành phố, các trường hợp cần xem xét khi bán ngoại tệ là doanh nghiệp nhập khẩu những mặt hàng, nhóm hàng hạn chế nhập khẩu như hàng tiêu dùng, xa xỉ… Một số doanh nghiệp trên địa bàn thành phố xuất khẩu gạo, thủy sản nhưng không xuất khẩu trực tiếp mà qua các tổng công ty hoặc công ty khác ở tỉnh ngoài, không có nguồn ngoại tệ về ngân hàng, chưa được hưởng các ưu tiên về vay vốn lãi suất thấp cũng như ưu tiên mua ngoại tệ khi có nhu cầu, chỉ được đáp ứng nếu nguồn cung dư thừa. Ngoài ra, nếu các doanh nghiệp có nhu cầu vay hoặc mua các ngoại tệ khác như đồng yên Nhật hoặc ơ-rô, nhân dân tệ… ngân hàng luôn đáp ứng đủ. Vấn đề là, khi ký hợp đồng với các đối tác, thay vì thanh toán bằng USD Mỹ, doanh nghiệp nên yêu cầu thanh toán bằng các ngoại tệ khác.
Quản lý chặt chẽ thị trường ngoại tệ tự do là yêu cầu để ổn định nền kinh tế và tỷ giá. Trong khi đó, vẫn chưa có chế tài đủ mạnh để ngăn chặn các đối tượng kinh doanh ngoại tệ tự do trái phép.
Mai Hương