Hướng dẫn thực hiện chế độ phụ cấp thâm niên đối với nhà giáo tại Nghị định số 54/2011/NĐ-CP ngày 4/7/ 2011 của Chính phủ, liên Bộ Giáo dục và Đào tạo, Nội Vụ, Tài chính, Lao động - Thương binh và xã hội vừa ban hành Thông tư liên tịch hướng dẫn thực hiện chế độ này…
Hai đối tượng được thụ hưởng
Theo Thông tư, có 2 đối tượng được hưởng phụ cấp thâm niên theo quy định của Nghị định 54/2011/NĐ-CP của Chính phủ, bao gồm: Thứ nhất, nhà giáo trong biên chế, đang giảng dạy, giáo dục trong các cơ sở giáo dục công lập thuộc hệ thống giáo dục quốc dân và các trường, trung tâm, học viện thuộc cơ quan nhà nước, tổ chức chính trị, tổ chức chính trị - xã hội (gọi tắt là cơ sở giáo dục công lập) được nhà nước cấp kinh phí hoạt động (bao gồm nguồn thu từ ngân sách nhà nước cấp và các nguồn thu sự nghiệp theo quy định của pháp luật).
...phụ cấp thâm niên vượt khung (nếu có); từ năm thứ 6 trở đi, mỗi năm (đủ 12 tháng) được tính thêm 1% mức phụ cấp. |
Đối tượng thứ hai là nhà giáo trong biên chế đang làm nhiệm vụ giảng dạy, hướng dẫn thực hành tại các xưởng trường, trạm, trại, phòng thí nghiệm của các cơ sở giáo dục nghề nghiệp và cơ sở giáo dục đại học công lập.
Để được hưởng phụ cấp, các đối tượng quy định trên đã được chuyển, xếp lương theo Nghị định số 204/2004/NĐ-CP của Chính phủ về chế độ tiền lương đối với cán bộ, công chức, viên chức và lực lượng vũ trang. Cụ thể, các đối tượng thuộc trường hợp thứ nhất phải được xếp vào các ngạch viên chức ngành giáo dục và đào tạo (các ngạch có 2 chữ số đầu của mã số ngạch là 15).
Các đối tượng quy định tại trường hợp thứ hai không nhất thiết phải xếp vào các ngạch viên chức thuộc ngành giáo dục và đào tạo như quy định nêu trên.
Không hạn chế mức phụ cấp thâm niên
Thông tư quy định, thời gian tính hưởng phụ cấp thâm niên được xác định bằng tổng các thời gian sau: thời gian giảng dạy, giáo dục có đóng bảo hiểm xã hội bắt buộc trong các cơ sở giáo dục công lập; thời gian giảng dạy, giáo dục có đóng bảo hiểm xã hội bắt buộc trong các cơ sở giáo dục ngoài công lập (đối với nhà giáo đang giảng dạy, giáo dục trong các cơ sở giáo dục công lập mà trước đây đã giảng dạy, giáo dục ở các cơ sở giáo dục ngoài công lập); thời gian làm việc được tính hưởng phụ cấp thâm niên ở các ngành, nghề khác (gồm: thời gian làm việc được xếp lương theo một trong các ngạch hoặc chức danh của các chuyên ngành hải quan, tòa án, kiểm sát, kiểm toán, thanh tra, thi hành án dân sự, kiểm lâm, kiểm tra Đảng và thời gian làm việc được tính hưởng phụ cấp thâm niên trong quân đội, công an và cơ yếu, nếu có); thời gian đi nghĩa vụ quân sự theo luật định mà trước khi đi nghĩa vụ quân sự đang được tính hưởng phụ cấp thâm niên nghề.
Quy định về mức phụ cấp thâm niên, Thông tư nêu rõ, nhà giáo có thời gian giảng dạy, giáo dục được tính hưởng phụ cấp thâm niên theo quy định đủ 5 năm (60 tháng) thì được hưởng phụ cấp thâm niên bằng 5% mức lương hiện hưởng cộng phụ cấp chức vụ lãnh đạo và phụ cấp thâm niên vượt khung (nếu có); từ năm thứ 6 trở đi, mỗi năm (đủ 12 tháng) được tính thêm 1% mức phụ cấp.
Nhằm nâng cao trách nhiệm người đứng đầu cơ sở giáo dục công lập, Thông tư cũng quy định các đối tượng này phải giải quyết truy lĩnh và thực hiện chi trả tiền phụ cấp thâm niên đối với nhà giáo thuộc đối tượng được hưởng theo quy định của Nghị định số 54/2011/NĐ-CP và hướng dẫn tại Thông tư liên tịch này sau khi được cấp có thẩm quyền quản lý nhà giáo phê duyệt, quyết định.
Đồng thời, phải phối hợp với cơ quan bảo hiểm xã hội để thực hiện trích nộp bổ sung phần đóng bảo hiểm xã hội, bảo hiểm y tế, bảo hiểm thất nghiệp từ phụ cấp thâm niên và điều chỉnh lại mức lương hưu đối với nhà giáo đã nghỉ hưu trong khoảng thời gian từ ngày 1 tháng 5 năm 2011 cho đến ngày Thông tư liên tịch này có hiệu lực thi hành.
Thông tư liên tịch này có hiệu lực thi hành kể từ ngày 20/2/2012. Chế độ phụ cấp thâm niên quy định tại Thông tư liên tịch này được tính hưởng kể từ ngày 1/5/2011.
Thái Chi