Anh em Lê Công Xuyến (SN 1977) - Lê Công Lợi (SN 1989, quê Bắc Ninh), người nóng nảy, người lại ích kỷ "để bụng" không ai nhường ai, vì những mâu thuẫn rất nhỏ, đã hại nhau chết tại huyện Bình Chánh, TP HCM, vào ngày 4/7 vừa qua, để lại nỗi đau khôn nguôi cho người thân.
Ngôi nhà xảy ra vụ việc đáng tiếc |
“Huynh đệ tương tàn”
17h ngày 4/7, chàng thanh niên Lợi sau khi tan ca về nhà anh rể ở huyện Bình Chánh tắm rửa. Nhà không có nhiều người, chị gái của Lợi đi chợ mua đồ chuẩn bị bữa cơm chiều, anh rể ngồi đọc báo ở ghế đá trước nhà. Sau đó, anh Lợi là Lê Công Xuyến đi vào nhà.
Trước kia cả anh em Xuyến và Lợi ở nhờ nhà em rể, sau này hai người đều chuyển ra ngoài ở, người anh vợ ở nhờ một nhà kho gần đó, còn em vợ làm nghề lái xe thường ở lại công ty, thỉnh thoảng mới về nhà chị chơi. Do ở gần nên Xuyến thường xuyên qua lại nhà em rể hơn, vì vậy khi thấy anh rể phăm phăm bước vào nhà thì chàng rể cũng không ngạc nhiên, chỉ ngẩng lên chào anh rồi lại đọc báo tiếp.
Thế nhưng, vừa cúi xuống thì anh thấy bên ngoài có người la lớn: “Anh Xuyến mang dao”. Giật mình, anh chạy vào trong nhà, đến giữa phòng khách thì đã nghe thấy tiếng kêu thất thanh “Á” khá lớn, rồi tiếng đổ uỵch xuống nền.
Một cảnh tượng hãi hùng đập vào mắt mọi người. Lợi nằm gục dưới sàn phòng tắm, Xuyến vẫn đứng bên cạnh, tay còn dính máu, mắt mở to nhìn em trai vẻ hoảng hốt.
Khi người em rể lao vào quát lớn: “Sao anh lại đâm nó?”, Xuyến mới như tỉnh cơn mê, ú ớ vài câu rồi lao đi trốn chạy. Nạn nhân được đưa đi cấp cứu nhưng nhát đâm ác hiểm vào ngực trái, xuyên phổi đã khiến nạn nhân không qua khỏi, tắt thở ngay trên đường đi cấp cứu.
Sau khi bỏ trốn hai ngày, Lê Công Xuyến đã điện thoại cho em gái và em rể đến đón ở một nhà nghỉ gần đó để đưa đến công an đầu thú. Khi được hỏi tại sao lại làm vậy, người anh độc ác này bần thần: “Không biết tại sao?”.
Em chăm chỉ, anh cờ bạc
Anh rể nạn nhân cho biết vợ chồng anh cùng quê Bắc Ninh, vào TP HCM lập nghiệp đã hơn 20 năm. Tích góp làm ăn, vợ chồng mua được ngôi nhà nhỏ thuộc ấp 2, xã Vĩnh Lộc A, huyện Bình Chánh. Cách đây khoảng 10 năm, cậu em vợ là Lợi tốt nghiệp lớp 9 đã nghỉ học vào Nam xin việc làm rồi ở nhờ nhà anh rể.
Trong khoảng thời gian này do không đủ tuổi, cậu xin vào làm công nhân cho những cơ sở sản xuất tư nhân; đến khi đủ tuổi thì học lái xe và chuyển sang làm tài xế cho một công ty gần nhà. Mười năm ở cùng nhà, người anh rể coi cậu cậu em vợ thân thiết như em ruột: “Nó còn nhỏ tuổi nhưng sớm biết tự lập, suy nghĩ chín chắn lắm”.
Xuyến là anh cả trong gia đình, đã có gia đình và hai con, một trai một gái, vợ con nhà cửa đều ở Bắc Ninh. Tuy nhiên, mỗi năm vào thời điểm nông nhàn “lúa má cấy xong, không có việc gì làm”, thường là sau Tết, Xuyến sẽ xuôi tàu vào Nam tá túc ở nhà em rể đi làm thợ hồ kiếm thêm thu nhập.
Người em rể kể lại: “Năm thì anh ấy vào, năm thì không, mỗi năm vào khoảng 6 tháng, từ tháng 2 đến tháng 8 là lại về. Khoảng 3 năm gần đây anh ấy không vào. Năm nay mới vào lại từ Tết thì nay xảy ra chuyện”.
Trước đây hai anh em được bố trí ở căn phòng trên gác xép ngôi nhà vợ chồng em gái. Cả hai khá vui vẻ hòa thuận với em rể, nhưng anh em họ lại không hợp nhau mà “cãi cọ liên miên”. Nguyên nhân ban đầu do người anh vẫn mang thói quen ở quê, sinh hoạt khá bừa bãi và tùy tiện. Còn cậu em đã sống ở Sài Thành từ năm 15 tuổi nên mọi sinh hoạt có phần chỉn chu hơn, thấy anh bừa bãi thì hay nhắc nhở “sửa lưng”.
Ngoài ra, mọi người nhận xét tính cậu em tự lập từ nhỏ, tuy còn ít tuổi nhưng chí thú làm ăn; trong khi ông anh có một vợ hai con, đã gần 40 thì tuổi lại khá ham chơi, đặc biệt ham mê bài bạc. Một người quen của Xuyến nhớ lại: “Nói là đi xa nhà làm ăn để cuối năm mang tiền về cho vợ con nhưng số tiền Xuyến tích lũy được cuối năm chẳng đáng là bao”. Phần lớn thu nhập Xuyến đã bỏ vào thú vui đỏ đen.
Kém tuổi anh trai đến cả con giáp nhưng Lợi có vẻ chín chắn hơn, luôn nhắc nhở anh trai phải chịu khó làm ăn. Mỗi lần biết anh trai đánh bài, cậu đều can ngăn; nhắc nhiều lần không được thì quay sang chì chiết.
Em gái và em rể đối với Xuyến có phần “dĩ hòa vi quý” vì dù sao cũng ở hàng anh, hơn nữa vợ chồng em rể cho rằng đó cũng chỉ là thú vui của những người xa vợ xa con nên thông cảm với Xuyến. Nhưng đối với Lợi thì anh trai cậu là người nông cạn, đi xa để làm ăn mà lại không chăm chỉ, đồng tiền khó nhọc kiếm từ “xách vữa, bê gạch” lại nướng vào trò đỏ đen nên cậu tỏ vẻ khó chịu, thậm chí hơi có chút coi thường.
Cách “dạy dỗ” kỳ quái
Hai quan niệm, tính cách khác nhau như mặt trăng – mặt trời nảy sinh cự cãi thường xuyên, thời gian gần đây cả hai quyết định chuyển ra ngoài để khỏi làm phiền nhà em gái, phần khác cũng đã để tránh mặt nhau. Ban ngày cậu em lái xe, tối ngủ nhờ lại công ty. Người anh ngày theo đám thợ hồ đi làm thuê khắp nơi, tối ngủ ở nhà kho của một người bà con ở gần nhà em gái.
Sau khi “tự cách ly” nhau, có vẻ hai anh em này bớt căng thẳng hơn, chỉ gặp nhau cuối tuần khi tụ họp ở nhà em gái nấu ăn, kể chuyện vui vẻ. Theo lời người em rể chia sẻ thì anh không hiểu vì do gì mà anh vợ mình lại hại chết em vợ, bởi xích mích thì có nhưng không đến mức phải cướp mạng nhau.
“Từ trước tới giờ hai anh em chỉ cãi cọ chứ không hề đánh lộn. Hơn nữa hai anh em đều rất ít xuống rượu, nếu có thì cũng chỉ uống 2 - 3 chén chứ không hề say xỉn. Từ đầu đến cuối không hề cãi cọ, chỉ nghe đúng một tiếng la của em Lợi và sau đó anh Xuyến bỏ chạy”, nhân chứng này thuật lại. Người em rể thuật lại: “Trốn hai ngày rồi về. Khi biết em đã chết thì anh Xuyến run bần bật, ngã quỵ xuống nền nhà, ôm mặt khóc nức nở”.
Tuy nhiên, theo lời khai của hung thủ tại cơ quan điều tra thì mọi chuyện lại không đơn giản như vậy. Đối tượng khai mấy tháng gần đây Xuyến và em trai thường xuyên cãi lộn; bị em “dạy đời” với lời lẽ khó nghe, có phần coi thường nên Xuyến bực bội trong lòng.
Gần đây trong một lần cự cãi, hai anh em đã “tỉ thí” với nhau và sức khỏe không bằng em trai nên Xuyến không chống trả nổi. Tuy chỉ là cái nắm áo, cái xô đẩy không gây thương tích gì nhưng bị bẽ mặt trước mọi người; cộng với những bực bội vốn đã dồn nén từ lâu khiến Xuyến ôm hận trong lòng và quyết tâm sẽ có ngày cho em trai “biết tay”.
Chiều 4/7, sau khi đã uống vài ly rượu, nhớ lại chuyện cũ nên nỗi tức giận đứa em trai lại sôi sục. Xuyến thoáng nghĩ “dạy cho nó một bài học cho nó bớt coi thường người khác” rồi thủ dao đi tìm em trai. Khi biết em trai đang tắm, không nói không rằng gã lao vào vung dao.
Thấy em ngã gục, cơn giận dữ biến đâu mất, tỉnh hẳn rượu, Xuyến biết đã gây tội tày trời nên quýnh quánh bỏ chạy. Hai ngày nằm ở nhà nghỉ nghĩ đến em, đến gia đình, người anh càng ân hận day dứt và quyết định quay về đầu thú.
Tại phòng lấy cung, khi một điều tra viên đặt câu hỏi: “Chỉ vì mâu thuẫn nhỏ như thế mà sao anh nỡ hại chết em trai?”, Xuyến cúi đầu mắt ngấn lệ: “Tôi chưa bao giờ có ý định giết em, chỉ là bị em coi thường, làm bẽ mặt nên muốn “dạy một bài học”, không ngờ lại quá tay”.
Thủy Trúc