Xây dựng môi trường thân thiện, dân chủ, tôn trọng lẫn nhau trong quá trình đánh giá; không tạo nên sự căng thẳng cũng như không gây áp lực cho cả phía quản lý và giáo viên, đó là một trong những yêu cầu của Bộ GD&ĐT trong hướng dẫn đánh giá, xếp loại giáo viên tiểu học.
Việc đánh giá, xếp loại giáo viên được thực hiện theo 3 bước: Giáo viên tự đánh giá, xếp loại; tổ chuyên môn đánh giá, xếp loại và hiệu trưởng đánh giá, xếp loại.
Để đạt được điểm 10 cho mỗi tiêu chí, giáo viên ngoài nỗ lực, có tinh thần trách nhiệm cao, luôn tự hoàn thiện bản thân, hoàn thành các nhiệm vụ với chất lượng và hiệu quả cao, tâm huyết với công việc, tập thể và học sinh còn cần chứng tỏ được sự vượt trội về chất lượng và hiệu quả trong đơn vị mà giáo viên sinh hoạt (tổ, khối).
Chấm điểm thấp nhất 1-2 điểm cho những giáo viên chưa thực hiện tiêu chí hoặc thực hiện còn nhiều sai sót, không đạt hiệu quả.
Đối với mỗi yêu cầu của Chuẩn, nếu giáo viên có đến hai tiêu chí ở mức điểm 1-2 thì xếp yêu cầu đó loại kém. Đối với mỗi lĩnh vực của Chuẩn, nếu giáo viên có đến ba yêu cầu ở mức kém thì xếp lĩnh vực đó loại kém…
Trong quá trình đánh giá, xếp loại, giáo viên có quyền khiếu nại về việc xếp loại của tổ chuyên môn, của hiệu trưởng. Khi có khiếu nại, hiệu trưởng cần tham khảo thêm ý kiến của các phó hiệu trưởng, chi bộ đảng, công đoàn, đoàn thanh niên, tổ trưởng chuyên môn, các tổ chức khác trong hoặc ngoài nhà trường và đưa ra những minh chứng để việc đánh giá, xếp loại được chính xác. Văn bản giải quyết khiếu nại được gửi đến cho người khiếu nại.
Việc đánh giá của giáo viên tiểu học được thực hiện thường niên vào cuối mỗi năm học.
Theo GD&TĐ