Anh Trần Hồng Giang (Cầu Giấy – Hà Nội) hỏi: Tôi chở người bạn bằng xe máy, tôi thì đội mũ bảo hiểm (MBH), bạn tôi không đội mũ bảo hiểm. Trong trường hợp Cảnh sát giao thông lập biên bản và xử phạt vi phạm hành chính (XPVPHC) thì XPVPHC như thế nào?.
- Đây là 2 hành vi vi phạm khác nhau: hành vi vi phạm về người ngồi trên xe mô tô, xe gắn máy (kể cả xe máy điện), các loại xe tương tự mô tô và các loại xe tương tự xe gắn máy không đội MBH hoặc đội MBH không cài quai đúng quy cách khi tham gia giao thông; và hành vi chở người ngồi trên xe không đội MBH hoặc đội MBH không cài quai đúng quy cách, trừ trường hợp chở người bệnh đi cấp cứu, trẻ em dưới 06 tuổi, áp giải người có hành vi vi phạm pháp luật. Do vậy việc XPVPHC sẽ áp dụng cả 2 người: Người chở và người ngồi sau. Mức phạt từ 100.000 đồng đến 200.000 đồng cho mỗi hành vi vi phạm (Điểm I, k khoản 3 Điều 9 NĐ số 34/2010/NĐ-CP ngày 02/4/2010 của Chính phủ Quy định về xử phạt vi phạm hành chính trong lĩnh vực giao thông đường bộ)
Không tổ chức Hội nghị người lao động có vi phạm?
Anh Nguyễn Anh Quân (Dĩ An – Bình Dương) hỏi: Hai năm nay công ty nơi tôi làm việc không tổ chức Hội nghị người lao động. Như vậy công ty có vi phạm không?
- Theo quy định tại Điều 5 Quy chế dân chủ ở công ty cổ phần, công ty trách nhiệm hữu hạn (Ban hành kèm theo Nghị định số 87/2007/NĐ-CP ngày 28/5/2007 của Chính phủ), hàng năm người quản lý công ty có trách nhiệm chủ trì, phối hợp với BCH Công đoàn tổ chức Hội nghị người lao động (NLĐ) trong công ty.
Nội dung chủ yếu của Hội nghị NLĐ là bàn giải pháp thực hiện các chỉ tiêu kế hoạch sản xuất kinh doanh mà Đại hội cổ đông, Hội đồng thành viên đã thông qua; đánh giá việc thực hiện thoả ước lao động tập thể, các nội quy, quy chế của công ty; những vấn đề khác liên quan tới quyền và lợi ích hợp pháp, chính đáng của NLĐ.
Như vậy, việc công ty cổ phần nơi anh làm việc hai năm liền không tổ chức Hội nghị NLĐ là vi phạm Quy chế dân chủ ở công ty cổ phần, công ty trách nhiệm hữu hạn do Chính phủ quy định.
PLVN