Không có chuyện vỡ quỹ BHXH
Ông Đỗ Ngọc Thọ - Phó Trưởng ban Thực hiện chính sách BHXH (Bảo hiểm xã hội Việt Nam) phản ánh tình trạng nhiều doanh nghiệp nợ BHXH khó đòi dẫn đến tình trạng quyền lợi của người lao động chưa được đảm bảo; công tác chi trả lương hưu BHXH qua thẻ ATM khiến nhiều người bị tâm lý chưa yên tâm, chưa quen; một số doanh nghiệp, chủ doanh nghiệp ăn chặn tiền trợ cấp của người lao động...
Cùng với đó, một phần do lo ngại vỡ Quỹ, nhiều người lao động đòi hưởng BHXH 1 lần. Tuy nhiên, Phó Tổng Giám đốc BHXH Việt Nam Phạm Lương Sơn khẳng định: “Không có chuyện vỡ quỹ BHXH vì theo Luật BHXH, Nhà nước bảo hộ quỹ BHXH và có biện pháp bảo toàn, tăng trưởng quỹ”.
Ông Sơn thẳng thắn chia sẻ: “Việc người lao động được hưởng giải quyết BHXH 1 lần thực sự rất đáng tiếc. Bởi khi về già sẽ không còn gì tích lũy sẽ là gánh nặng cho chính bản thân người đó cũng như là gánh nặng cho xã hội”.
Vậy nên, ông Sơn cho rằng mỗi người lao động nên có trách nhiệm đối với chính bản thân mình và đối với xã hội. Hiện nay, vấn đề về tiền lương khi tham gia BHXH, phụ cấp lương có khác hơn so với trước đây: hướng tới việc khi người lao động về hưu, tiền lương hưu sát với lương khi đi làm nên thực hiện BHXH cũng hoàn toàn nhằm mục đích bảo vệ quyền lợi người lao động.
Ngoài ra, trong thời gian tới, BHXH Việt Nam sẽ tập trung tuyên truyền lợi ích đem lại cho người dân khi tham gia BHXH và chú trọng đến nhóm đối tượng tiềm năng: tự tạo việc làm, người di cư... do hiện nay nhóm đối tượng này chưa khai thác được hết tiềm năng.
Chỉ cho phép khám 50 bệnh nhân/ngày
Đó là một trong những giải pháp sẽ được áp dụng để ngăn chặn tình trạng nhiều phòng khám tư nhân sử dụng “chiêu” gom bệnh nhân, tặng quà... nên bệnh nhân đến ồ ạt, không đảm bảo được chất lượng khám và chữa bệnh dẫn đến chuyện cạnh tranh không lành mạnh giữa các cơ sở tư nhân.
Ông Lê Văn Phúc, Phó Trưởng ban Thực hiện chính sách BHYT (Bảo hiểm xã hội Việt Nam) cho biết, các cơ quan chức năng sẽ kiểm tra chặt chẽ điều kiện, quy trình cung cấp dịch vụ y tế của các cơ sở để giải quyết tình trạng nhiêu khê trong vấn đề khám chữa bệnh; việc thẻ BHYT bị các cơ sở giữ lại chứ không giao luôn cho người dân; đặc biệt là chuyện sụt giảm khám chữa bệnh tại các trạm y tế xã, đi ngược lại với vấn đề “đưa y tế về cơ sở” dẫn đến tình trạng quá tải tại các phòng khám.
Cùng với đó, để tăng cường chất lượng BHYT, ông Phạm Lương Sơn cho biết, trong 6 tháng cuối năm sẽ tiến hành điều chỉnh giá dịch vụ y tế, đồng thời nâng cao chất lượng khám chữa bệnh. “Chất lượng chuyên môn có thể thông cảm được nhưng chất lượng phục vụ và công tác quản lý phải được nâng cao. Đặc biệt, phải thay đổi từ quản lý bệnh viện sang quản trị bệnh viện để không còn tình trạng so sánh giữa bệnh viện tư và bệnh viện công nữa. Đó là việc khó nhưng chắc chắn sẽ làm được”, ông Sơn khẳng định.
Giải quyết chế độ BHXH qua giao dịch điện tử
Theo ông Đỗ Ngọc Thọ, Phó Trưởng ban Thực hiện chính sách BHXH, thời gian tới, BHXH Việt Nam tiếp tục thực hiện các nhiệm vụ theo quy định của Luật BHXH, Luật BHYT, trong đ ó đặc biệt chú trọng công tác cải cách hành chính và phát triển đối tượng tham gia. Trong năm 2016, BHXH sẽ triển khai thực hiện giao dịch điện tử trong lĩnh vực giải quyết hưởng các chế độ BHXH.