Tiếp tục phiên làm việc thứ 3, hôm qua (14/8), Ủy ban Thường vụ Quốc hội (UBTVQH) đã cho ý kiến Luật Đấu giá tài sản. Đa số các ý kiến của UBTVQH cho rằng, Ban soạn thảo cần xem xét, bổ sung các quy định để tránh tình trạng “quân xanh, quân đỏ” trong bán đấu giá.
Doanh nghiệp “èo uột”, hồ sơ lại hoành tráng
Cho ý kiến dự thảo, Chủ nhiệm Ủy ban Pháp luật của QH Nguyễn Khắc Định và Chủ nhiệm Ủy ban Tư pháp của QH Lê Thị Nga cho rằng cần xem xét thêm phạm vi điều chỉnh và đối tượng áp dụng. Ví dụ, bên cạnh các tài sản được luật quy định thì tài sản của cá nhân, tổ chức tự nguyện thông qua bán đấu giá cũng phải được luật điều chỉnh.
Nêu lên tình trạng, thực tiễn có nhiều tiêu cực, nhiều cá nhân lợi dụng kẽ hở trong bán đấu giá tài sản để thu lợi, gây bức xúc trong dân hiện nay, Chủ nhiệm Ủy ban Quốc phòng và An ninh của QH Võ Trọng Việt đề nghị Luật cần xử lý nghiêm minh doanh nghiệp khai gian và cơ quan thẩm quyền xác nhận không đúng trong việc thẩm định giá. “Thực tế lâu nay doanh nghiệp èo uột nhưng hồ sơ hoành tráng, đấu thầu, đấu giá xong rồi thì mới vỡ lẽ. Vấn đề này ai thẩm tra và ai chịu trách nhiệm?”, ông Việt đặt câu hỏi.
Theo ông Việt, đấu giá tài sản nhà nước phải lấy lợi ích tập thể của Nhà nước là chính, là chủ yếu nhưng thực tế cá nhân vẫn lợi dụng. Rà lại thủ tục thì đầy đủ nhưng người ta vẫn lợi dụng được. Ông Việt đề nghị: “Phải quy định để làm sao cá nhân tham gia muốn lợi dụng cũng không lợi dụng được, lách cũng không lách được”.
Đề cập đến quy định thành lập trung tâm đấu giá, ông Việt cho rằng quy định như trong luật vừa nhiêu khê, vừa hạch sách, rất khổ cho doanh nghiệp tham gia đấu giá. “Do vậy, theo tôi cần trung tâm đấu giá theo hình thức doanh nghiệp để thị trường chi phối. Công chức nhà nước là tốt nhưng tôi cho rằng cũng không ít người lợi dụng để tạo nhiêu khê, làm lệch lạc những quy định của luật”, ông Việt thẳng thắn.
Không có đặc ân cho bất kỳ doanh nghiệp nào
Liên quan đến việc cho phép Công ty Mua bán nợ (VAMC) được quyền bán đấu giá (Điều 54) là không minh bạch, không rõ ràng, chưa đảm bảo tính khách quan, Chủ tịch QH Nguyễn Thị Kim Ngân đặt câu hỏi: “Luật Đấu giá tài sản chúng ta quy định doanh nghiệp mới thành lập như trên mà được hưởng quyền này là vô lý lắm. Tại sao lại có một đặc ân, một doanh nghiệp mới thành lập gần đây, chưa đánh giá hoạt động có hiệu quả hay không và nợ xấu còn treo đó chứ chưa giải quyết được”. Từ nhận xét này, Chủ tịch QH đề nghị: “Ban soạn thảo cần nghiên cứu cái này để luật điều chỉnh tất cả các tổ chức, cá nhân chứ không phải là đặc ân cho một doanh nghiệp được hưởng quyền đấu giá tài sản”.
Cùng chung quan điểm, Chủ nhiệm Ủy ban Tư pháp QH Lê Thị Nga nhận định, nếu quy định như dự thảo Luật thì vô hình trung đã luật hoá mô hình này, trong khi chưa có tổng kết, đánh giá tác động và chưa biết nợ xấu đang được xử lý đến đâu. Chủ nhiệm Ủy ban Tài chính - Ngân sách Nguyễn Đức Hải cũng đề nghị không nên quy định về quyền đấu giá của VAMC.
Giải trình thêm về những ý kiến nêu trên, Bộ trưởng Bộ Tư pháp Lê Thành Long cho biết, cơ quan soạn thảo đã cố gắng đến mức tối đa để có quy định chặt chẽ, rõ ràng. Về Trung tâm dịch vụ đấu giá tài sản, thời gian qua nợ xấu nổi nên là một thực trạng tức thời, bất thường của nền kinh tế. Chính phủ đã có Nghị định 53 về tổ chức thành lập VAMC và Bộ Tư pháp cũng có thông tư hướng dẫn bán đấu giá tài sản. Theo đó, VAMC có một số đặc thù về bán đấu giá so với Nghị định 17 bán đấu giá chung.
“Theo các ý kiến của UBTVQH cho thấy, chúng ta chưa sẵn sàng và cần tổng kết lại quá trình hoạt động của VAMC. Vì thế, Ban soạn thảo sẽ nghiên cứu thật kỹ vấn đề này”, ông Long cho biết.