Thế nên, cảnh sinh viên các trường danh giá, dù khi thi đầu vào “chật như nêm” nhưng ra trường lại trở thành “xế” chở nước, chở gas đã không còn là hiếm. Trong khi đó, những cô, cậu bạn ngày nào rẽ ngang học nghề, bị bạn bè cười cợt, lại đàng hoàng sống với năng lực và thu nhập xứng đáng của mình…
Câu chuyện của lạc đà trong sở thú
Ở một sở thú nọ, có cặp mẹ con lạc đà. Một hôm, lạc đà con hỏi mẹ: “Mẹ ơi, tại sao lạc đà lại có bướu?”. “Con trai à, bướu để trữ nước. Ta không thể sống trên sa mạc mà không có nước” – lạc đà mẹ trả lời. “ Thế tại sao chân mình lại dài và bàn chân tròn thế mẹ và còn lông mi nữa, thỉnh thoảng nó cọ cọ làm che tầm nhìn của con?” – lạc đà con vẫn tiếp tục hỏi.
“Con hỏi hay lắm, chân mình như thế để là phương tiện đi trên sa mạc tốt hơn bất cứ loài nào khác. Còn lông mi dài và dày là để bảo vệ mắt khỏi cát và gió sa mạc” – lạc đà mẹ từ tốn trả lời. “ Dạ con hiểu rồi, bướu là để trữ nước, chân để đi bộ, lông mi để che chắn khi sống trên sa mạc. Thế thì mình ở trong sở thú để làm gì hả mẹ?” – câu hỏi của lạc đà con là khiến lạc đà mẹ thật khó trả lời.
Kể lại câu chuyện của mẹ con lạc đà, Thạc sĩ Hoàng Khắc Hiếu – Khoa Tâm lý giáo dục, Đại học Sư phạm TP HCM muốn nói đến một vấn đề, đó là tiềm năng của lạc đà đã bị thui chột vì ở sai môi trường. Chọn cho mình một ngành nghề cũng là chọn một môi trường sống cho những tiềm năng. Nếu là lạc đà, phải tìm ra sa mạc. Nếu là cá, phải chọn nước. Nếu là chim, phải sống ở bầu trời. Là con người, nghề nghiệp phải hợp với tiềm năng của bản thân.
Thầy Hoàng Khắc Hiếu kể: “Khi giảng dạy tại các trường đại học, tôi thường làm một cuộc khảo sát nho nhỏ: “Nếu có cơ hội lần 2, anh chị nào đang ngồi đây quyết định sẽ chọn lại ngành học cho mình?”. Kết quả vô cùng bất ngờ: 60 – 70% giơ tay nhanh chóng. Có thể độ tin cậy không hoàn toàn, nhưng đó đáng để thừa nhận rằng, đó là một thực trạng gây sốc.
Khi điều tra lý do cụ thể, 2 lý do phổ biến nhất là: Học xong em mới thấy ngành này không giống em hình dung như hồi trước (tìm hiểu không kỹ); Vì em thi theo bắt buộc của gia đình. Ba em bắt học ngành này để tốt nghiệp ba đưa vào công ty của ba, mẹ muốn em học ngành này để sau này giàu có.
Giờ thì “đã phóng lao nên phải theo lao”, các em tự ép mình học ngành mà mình không hứng thú, cũng chẳng phù hợp. Cuối cùng, các em cố học cho có, cố thi cho ra trường, đi làm thì trở thành những cái bóng vật vờ ở công sở nơi họ không thích, không phù hợp”.
Theo Thạc sĩ Hoàng Khắc Hiếu, muốn có một nghề nghiệp hợp lý nhất, phải thỏa mãn cả 3 đỉnh của tam giác chọn nghề. Đó là Đam mê (muốn sống chung trọn đời với nghề nghiệp ấy, muốn có động lực để rèn luyện chuyên môn thì phải có sự yêu thích, có động cơ) – Năng lực (nghề nghiệp chọn phải hợp với tiềm năng của bản thân) – Cơ hội nghề nghiệp (một cái chậu có 10 con cá và một cái chậu có 2 con cá, hãy chọn lựa một cách khôn ngoan, cơ hội nghề nghiệp còn là cơ hội thực hiện ước mơ trong đời qua nghề nghiệp đó). Nhưng thông thường, cha mẹ chỉ yêu cầu con chỉ vì một tiêu chí duy nhất: cơ hội nghề nghiệp mà không tính đến những yếu tố quan trọng khác.
Sẽ không ân hận vì “cú bẻ lái cuộc đời”
Mùa thi năm 2019 có một tín hiệu đáng mừng là cả nước có hơn 886.000 thí sinh đăng ký dự thi, nhưng trong số này có đến hơn 233.000 em không đăng ký xét tuyển đại học mà chỉ xét tốt nghiệp. Số liệu này tăng cao nhất trong những năm gần đây.
Đã có những địa phương có con số thí sinh không đăng ký xét tuyển đại học rất cao. Thực tế này cho thấy đã có sự thay đổi rõ rệt trong nhận thức của phụ huynh và học sinh về vấn đề học nghề.
85% học sinh có việc sau khi tốt nghiệp trường nghề đó là con số mà Tiến sĩ Trương Anh Dũng – Phó Tổng cục trưởng Tổng cục Giáo dục nghề nghiệp đưa ra. Năm 2017 là năm đầu tiên giáo dục nghề nghiệp đạt 100,2% chỉ tiêu tuyển sinh, so với kết quả tuyển sinh rất thấp của những năm trước đó. Đến thời điểm này, các cơ sở giáo dục nghề nghiệp cũng đã có kết quả tuyển sinh vượt trội so với cùng kỳ năm ngoái.
Tỷ lệ học sinh sau khi học nghề có việc làm tăng 5%. |
Tỷ lệ học sinh có việc làm sau khi tốt nghiệp trường nghề đã tăng 5% thời gian gần đây, đưa con số học sinh trường nghề có việc ngay sau khi tốt nghiệp lên 85%, tại nhiều lễ tốt nghiệp ở các trường nghề, doanh nghiệp đã đến để tuyển người luôn với mức thu nhập bình quân nhiều ngành nghề rất tốt.
Có thể nói, quyết định rẽ ngang đi học nghề không phải là quyết định dễ dàng gì với nhiều gia đình và bản thân mỗi người trẻ. Dù vẫn biết rằng xã hội đang quá “thừa thầy, thiếu thợ” và “ruộng bề bề không bằng có nghề trong tay”.
Nguyễn Ngọc Lan là một cô gái xuất thân từ miền Tây Nam Bộ, hiện đang là đầu bếp trong một nhà hàng tiệc cưới ở Bình Dương với mức thu nhập ổn định. Cách đây nhiều năm, khi bạn bè cùng lớp hớn hở ôn luyện để thi vào cấp 3 thì Lan lại chọn cho mình con đường riêng – đó là đăng ký học nghề quản trị bếp và ẩm thực tại một trường trung cấp nghề.
Lan nghĩ rằng, ngay từ nhỏ Lan đã đam mê với việc nấu những bữa ăn thật ngon cho gia đình, người thân và hàng ngàn thực khách, nếu tiếp tục theo học 3 năm cấp 3 nữa thì e rằng đam mê sẽ bị mai một dần… Học trường nghề 3 năm, sau khi tốt nghiệp một thời gian, Ngọc Lan đã hành nghề đầu bếp, trải nghiệm cuộc sống tự lập, không còn phụ thuộc vào gia đình nhiều. Lan đang dự định học liên thông lên cao đẳng để nâng cao tay nghề và kiến thức chuyên môn.
Trong khi đó, kỳ thi vào lớp 10 những năm vừa qua cho thấy một thực tế là số lượng học sinh tốt nghiệp THCS tăng mạnh, trong khi chỉ tiêu tuyển của các trường THPT có hạn. Khi không vào cấp III thì ở độ tuổi 15-16, các em sẽ đi đâu, làm gì, học gì?
Câu chuyện của Ngọc Lan cho thấy việc chuyển sang hệ trung cấp nghề ngay sau khi học sinh tốt nghiệp lớp 9 là một “cú bẻ lái” không tồi. Thay vì mất thêm 3 năm theo học THPT và 4 – 5 năm học đại học, ngay từ khi học xong lớp 9 như Ngọc Lan, học sinh học hệ trung cấp, cao đẳng và sẽ học nghề và gia nhập thị trường lao động sớm hơn.
Tại một buổi giao lưu trực tuyến, Thứ trưởng Bộ LĐ-TB&XH Lê Quân cho biết thời gian qua, Bộ LĐ-TB&XH đã triển khai, cho phép các trường mở rộng mô hình đào tạo 9+ dành cho học sinh tốt nghiệp THCS. Mô hình 9+ đang được nhiều nước tiên tiến trên thế giới áp dụng như Đức, Nhật Bản, Hàn Quốc. Theo đó, học sinh hết lớp 9 được học chương trình kéo dài từ 3 - 5 năm tùy ngành nghề để nhận bằng cao đẳng, cử nhân thực hành, kỹ sư thực hành.
Hiện nay, Bộ LĐ-TB&XH đã có những giải pháp và cách làm để phân luồng người học bằng chính sách hấp dẫn người học như: Miễn học phí 100% cho học sinh tốt nghiệp THCS vào học trung cấp; miễn học phí trình độ trung cấp, cao đẳng cho các đối tượng chính sách xã hội, học theo chế độ cử tuyển, người học các nghề khó tuyển sinh nhưng xã hội có nhu cầu, nghề đặc thù; chính sách nội trú cho người học là người dân tộc thiểu số hộ nghèo, cận nghèo, người khuyết tật, học sinh phổ thông dân tộc nội trú; hỗ trợ chi phí và vay vốn để đi làm việc ở nước ngoài…
Ở góc độ khác, bà Trần Thị Cẩm Ngân - Phó Tổng Giám đốc Công ty Truyền thông giải trí và du lịch Việt Nam cho biết: “Có một thực tế là tại Việt Nam, nhiều người chạy đua nhau lên THPT, thi đại học đơn giản vì tấm bằng có giá mà không biết mình học để làm gì. Chúng tôi luôn đánh giá cao những người chọn nghề sớm.
Họ biết mình là ai, mình muốn gì và mình phải làm như thế nào. Nhiều người đến xin việc mà không hiểu rằng chúng tôi sẵn sàng trả lương cao cho một người biết làm việc chứ không cần những tấm bằng chỉ biết nói”.
Như vậy, nếu các bạn khác còn đằng đẵng con đường học cấp ba và đại học phía trước kéo dài gần chục năm mà chưa biết tương lai thế nào, các em học sinh chọn con đường học nghề đã biết trước con đường mình đã chọn, ra đời mình sẽ làm gì...
Bình luận
Ý kiến của bạn sẽ được biên tập trước khi đăng. Xin vui lòng gõ tiếng Việt có dấu