Chiều 13/6, Thứ trưởng Bộ Tư pháp Lê Hồng Sơn đã chủ trì cuộc họp báo công bố Quyết định số 896/QĐ-TTg ngày 08/6/2013 của Thủ tướng Chính phủ phê duyệt Đề án tổng thể đơn giản hóa thủ tục hành chính (TTHC), giấy tờ công dân và các cơ sở dữ liệu (CSDL) liên quan đến quản lý dân cư giai đoạn 2013-2020. Đây là một đề án thu hút sự chú ý của dư luận từ khi mới chỉ là dự thảo bởi nó tác động trực tiếp đến gần 90 triệu người dân Việt Nam.
Thứ trưởng Bộ Tư pháp Lê Hồng Sơn chủ trì họp báo |
Hết 2020, thông tin cơ bản của mọi công dân sẽ được cập nhập
Trên cơ sở mục tiêu tổng quát, Đề án đã xác định các mục tiêu cụ thể, nhiệm vụ và giải pháp thực hiện chủ yếu trong hai giai đoạn từ 2013 – 2014 và từ 2015 – 2020.
Theo đó, trong giai đoạn đầu, Bộ Tư pháp chủ trì giúp Chính phủ tiếp tục hoàn thiện, trình Quốc hội xem xét, thông qua Dự án Luật Hộ tịch; Bộ Công an chủ trì xây dựng, trình Chính phủ ban hành Nghị định về cấp, quản lý và sử dụng số định danh cá nhân, Nghị định sửa đổi, bổ sung một số điều của Nghị định số 90/2010/NĐ-CP về CSDL quốc gia về dân cư nhằm hoàn thiện cơ sở pháp lý cho việc cấp số định danh cá nhân, xây dựng CSDL quốc gia về dân cư.
Bước sang giai đoạn sau, đến hết năm 2020, thông tin cơ bản của mọi công dân sẽ được nhập, cập nhật vào CSDL quốc gia về dân cư và mỗi công dân đều có số định danh cá nhân…
Việc Thủ tướng phê duyệt Đề án tổng thể trong bối cảnh kinh tế còn khó khăn đã thể hiện quyết tâm cao của người đứng đầu Chính phủ và Chính phủ trong việc tạo thuận lợi tối đa cho công dân khi thực hiện các TTHC.
Tuy nhiên, Thứ trưởng Lê Hồng Sơn cũng thẳng thắn chia sẻ một số khó khăn, thách thức trong quá trình thực thi Đề án tới đây. Chẳng hạn như, với quy mô gần 90 triệu dân, việc thu thập, nhập thông tin của công dân để xây dựng CSDL quốc gia là vấn đề không thể giải quyết trong thời gian ngắn. Mặt khác, để các phương án đơn giản hóa TTHC, giảm giấy tờ công dân đi vào cuộc sống, theo tính toán sơ bộ của Bộ Tư pháp thì cần phải tiến hành sửa đổi, bổ sung 178 văn bản quy phạm pháp luật…
Sẽ không có “số xấu, số đẹp”
Hai trong số nhiều nội dung được dư luận và báo chí quan tâm chính là việc cấp số định danh cá nhân và người dân sẽ “bớt” phải cất giữ những giấy tờ nào khi triển khai Đề án?. Về việc đơn giản hóa giấy tờ công dân, theo Thiếu tướng Trần Văn Vệ - Phó Tổng cục trưởng Tổng cục Cảnh sát quản lý hành chính về trật tự an toàn xã hội (Bộ Công an), Đề án đã nêu rõ các Bộ, ngành cần nghiên cứu phát triển ứng dụng Thẻ công dân điện tử hoặc phương tiện điện tử khác để giảm giấy tờ công dân trong lĩnh vực quản lý hộ tịch, quản lý cư trú, quản lý trật tự xã hội và các lĩnh vực có liên quan như giấy khai sinh, giấy chứng nhận kết hôn, sổ hộ khẩu và các giấy tờ khác.
Ông Vệ khẳng định, trước mắt không thể bỏ chứng minh nhân dân bởi đây là giấy tờ tùy thân của công dân, phục vụ các giao dịch hàng ngày của mỗi công dân; chỉ khi nào có điều kiện mới tiến tới Thẻ công dân điện tử
Đối với số định danh cá nhân, việc cấp số phải gắn với việc xây dựng và vận hành CSDL quốc gia về dân cư do Bộ Công an chủ trì phối hợp với Bộ Thông tin và Truyền thông, Bộ Tư pháp, Bộ Ngoại giao, bảo đảm đến hết năm 2015, hoàn thành việc xây dựng hạ tầng kỹ thuật CSDL quốc gia về dân cư trong phạm vi cả nước. Từ năm 2016, thực hiện việc nhập thông tin cơ bản về công dân vào CSDL quốc gia về dân cư và cấp số định danh cá nhân.
Do số định danh là một dãy số tự nhiên mà tâm lý của người Việt lại thích “số đẹp”, không muốn bị cấp số xấu thì các Bộ, ngành sẽ có phương án xử lý như thế nào?. Trước câu hỏi này, Cục trưởng Cục Kiểm soát TTHC (Bộ Tư pháp) Ngô Hải Phan nhấn mạnh sẽ không có chuyện “số đẹp, số xấu” vì số định danh cá nhân được mã hóa và cấp theo một cách thức nhất định.
Thục Quyên