Không có nơi nào an toàn cho các nhà ngoại giao Mỹ bằng Cuba?

Đường kè biển Malecón nổi tiếng thanh bình của Cuba
Đường kè biển Malecón nổi tiếng thanh bình của Cuba
(PLO) -Theo nhận định của tuần báo Progreso Semanal (xuất bản tại Mỹ bằng tiếng Tây Ban Nha), không có nơi nào an toàn cho các nhà ngoại giao Mỹ bằng Cuba. 

Tại đảo quốc Caribe này, có thể thường xuyên nhìn thấy họ chạy bộ trên đường kè biển Malecón nổi tiếng, ăn tại các nhà hàng tiếng tăm nhất và thả mình tắm nắng tại các bãi biển. Tại đây, họ chẳng bao giờ phải e sợ vì nguy cơ bị giết hay bắt cóc, như ở nhiều nơi khác trên thế giới.

Chẳng điều gì có thể chứng minh rằng hiện trạng đó đã thay đổi, và càng không phải qua câu chuyện thần bí và phi lý về các cuộc “tấn công sóng âm” chống lại các cán bộ trong phái đoàn ngoại giao Mỹ. 

Muốn đổ lỗi, thiếu bằng chứng

Các nhà khoa học được tham vấn tại khắp nơi trên thế giới đều phủ định khả năng một cuộc tấn công như vậy có thể diễn ra, và chính Chính phủ Mỹ cũng thừa nhận chưa hiểu rõ về vụ việc và thiếu bằng chứng để đổ lỗi cho Cuba, hay nói cách khác là cơ sở để tiến hành các biện pháp chống lại đảo quốc Caribe này. 

Lập luận duy nhất của họ là La Habana phải có nghĩa vụ bảo vệ- nhưng chẳng ai biết phải bảo vệ khỏi nguy cơ nào hay điều gì- các nhà ngoại giao Mỹ. Nếu Mỹ áp dụng “nguyên tắc” này với phần còn lại của thế giới, hẳn họ sẽ có quan hệ với rất ít quốc gia. Hơn nữa, không được đạo đức lắm khi yêu cầu điều này với một quốc gia từng có các nhà ngoại giao bị tấn công và thậm chí sát hại một cách dã man trên lãnh thổ Mỹ. 

Có lẽ yêu cầu về văn minh ngoại giao và tính khách quan báo chí đã buộc các phương tiện truyền thông phải sử dụng những khái niệm như “giả định”, “không xác định” hay “chưa kiểm chứng” khi đề cập tới các cuộc “tấn công sóng âm” được quảng bá một cách đầy mưu đồ này, nhưng bất cứ độc giả nào tiếp nhận thông tin một cách đa chiều và có suy ngẫm đều biết rằng đây là một điều dối trá.

Ở Cuba đúng là có rất nhiều tiếng ồn, của các buổi hòa nhạc ngoài trời, các hoạt động văn hóa, các cuộc diễu hành, của các bài diễn văn, nhưng đó chẳng phải là sóng siêu âm hay hạ âm (trên và dưới mức tai nghe) mà là những âm thanh hoàn toàn rõ ràng và dân chủ và tác động đều tới tất cả mọi người. 

Đại sứ quán Mỹ tại thủ đô Cuba
Đại sứ quán Mỹ tại thủ đô Cuba

Động cơ nào?

Như vậy vấn đề giờ đây chỉ là nhận định động cơ nào đã thúc đẩy chính phủ Mỹ phải lừa dối theo cách này và sử dụng vụ việc trên như cái cớ để đưa ra các biện pháp làm tổn hại hơn nữa mối quan hệ song phương vốn đã đầy sóng gió này. 

Giả thuyết đầu tiên là các hiện tượng gây ra sự cố sức khỏe cho các cán bộ ngoại giao Mỹ, dù nó có phải sóng âm hay không, chính là việc áp dụng các phương tiện kỹ thuật phục vục công tác tình báo của chính phía Mỹ. Trong một bản tin được hãng AP đưa ra từ ngày 17/9- mà kỳ lạ là giới truyền thông không chú ý lắm- đã dẫn lời của một quan chức Cơ quan Hàng không và Vũ trụ Mỹ (NASA) nhận định các sự cố y tế này bắt nguồn từ việc sử dụng các thiết bị phát sóng LRAD-RX, do công ty American Technology Corporation (ATC) của Mỹ thiết kế, nhằm phục vụ công tác liên lạc giữa Cục Tình báo liên bang Mỹ (CIA) và các điệp viên của mình. 

Theo nguồn tin này, khi biết được những tác hại tới sức khỏe mà các thiết bị này gây ra, phía Mỹ đã quyết định tháo dỡ hệ thống thiết bị đó, và để làm điều này Đại sứ quán Mỹ tại Cuba phải tạm đình chỉ các hoạt động lãnh sự và một số hoạt động khác. Lời bào chữa ban đầu là do những thiệt hại mà cơn bão Irma gây ra, nhưng sau đó động thái này là trùng khớp với câu chuyện về “bảo vệ sức khỏe các cán bộ nhân viên ngoại giao Mỹ”. 

Giả thuyết này cũng không thể trái ngược hay loại bỏ một giả thuyết rộng lớn, toàn diện hơn và đồng điệu với cách hành xử của Chính quyền Mỹ hiện tại. Đối với ông Donald Trump, điểm cốt yếu chính sách đối ngoại của Mỹ là reo rắc sợ hãi ở khắp nơi. Phong cách đàm phán của vị nguyên thủ tài phiệt này làm người ta nhớ lại nhân vật “Bố già”: Nếu anh làm theo lời tôi, tôi sẽ chiếu cố cho anh, nếu không, tôi sẽ chặt đầu con ngựa yêu thích của anh. 

Không phải ngẫu nhiên mà những nhân vật như chính trị gia thạo tin người Mexico Jorge Castañeda, người hiểu biết mọi góc khuất trên chính trường Mỹ, đã tuyên bố rằng chỉ có sự can thiệp của Cuba mới có thể phế truất được Tổng thống Venezuela Nicolás Maduro.

Có thể giả sử rằng sức ép đối với Cuba đã được thực hiện theo hướng này, nhưng La Habana chưa bao giờ ngừng ủng hộ chính phủ theo tư tưởng Bolivar tại Venezuela; và việc Cuba không “nghe lời” đã khiến Donald Trump nổi điên và vị nguyên thủ khác người này đang chứng minh chẳng cần tới “tấn công sóng âm”, ông vẫn “nghễnh ngãng” trước cả loạt lời khuyên nhủ ông nên kiềm chế những câu nói “văng mạng” của mình. 

Vũ khí sóng âm tầm xa đang trở thành cái cớ khiến quan hệ Mỹ - Cuba căng thẳng
Vũ khí sóng âm tầm xa đang trở thành cái cớ khiến quan hệ Mỹ - Cuba căng thẳng

Cơ hội “khuấy bão”

Yếu tố thứ ba cần tính tới là áp lực từ những thành phần chống Cuba tại Quốc hội Mỹ. Đối với Trump, Cuba là cái giá quá rẻ để thỏa mãn các thành phần cực đoan này và giành lấy sự ủng hộ mà ở các khía cạnh khác trong cả chính sách đối nội lẫn đối ngoại đã trở nên tuyệt vọng, khi chính phủ thậm chí còn phải đứng trước nguy cơ tồn vong, bị tố cáo và điều tra ở khắp nơi. 

Tóm lại, những cuộc “tấn công âm học giả định” này đúng là cơ hội vàng để Chính quyền Trump khuấy động một “cơn bão hoàn hảo” chống lại Cuba, bao gồm từ việc dọa dẫm các du khách Mỹ không nên đến đảo quốc Caribe này và ngừng vô thời hạn hoạt động cấp thị thực, động thái trên thực tế đã đưa Cuba vào danh sách các nước có công dân bị cấm nhập cảnh vào Mỹ mặc dù không công khai tuyên bố điều này. 

Diễn biến này xảy ra đúng thời điểm Cuba đang trải qua tình trạng kinh tế khó khăn, bị chồng chất thêm bởi những thiệt hại khổng lồ chưa tính toán hết của siêu bão Irma. Không lạ khi không có bất cứ cử chỉ thân thiện, thăm hỏi hay chia sẻ nào từ phía Chính phủ Mỹ tới nhân dân Cuba, mà ngược lại chỉ có các hành vi theo hướng “ném đá xuống giếng”.

Trên thực tế, hệ thống của Mỹ không được thiết kế để giúp đỡ giải quyết khủng hoảng, mà là làm trầm trọng thêm những khủng hoảng đó, cho tới khi các nước bị ảnh hưởng phải quỳ gối đầu hàng. Dường như đó cũng là sách lược mà “chú Sam” đang áp dụng với “hòn đảo tự do”…/. 

Tin cùng chuyên mục

Đọc thêm

Loạt thảm họa xảy ra trên thế giới tuần qua

Loạt thảm họa xảy ra trên thế giới tuần qua
(PLVN) - Tuần qua, thế giới chứng kiến hàng loạt sự cố khiến nhiều người chết và bị thương, từ vụ cháy rừng kinh hoàng ở California, va chạm tàu điện tại Pháp, nổ trạm xăng tại Yemen... đến những tai nạn giao thông nghiêm trọng ở Cuba, Pakistan và Nam Phi.

Bác sĩ quân y thừa nhận lạm dụng tình dục 41 nạn nhân

Bác sĩ quân y thừa nhận lạm dụng tình dục 41 nạn nhân
(PLVN) - Bác sĩ quân y Michael Stockin đã nhận tội lạm dụng tình dục hàng chục binh sĩ tại căn cứ Lewis-McChord, Washington, Mỹ. Vụ việc được xem là một trong những bê bối lạm dụng tình dục lớn nhất trong lịch sử quân đội Mỹ, đặt ra yêu cầu khẩn cấp về việc giám sát và cải thiện chính sách tuyển dụng trong quân đội.

Đã có ít nhất 125 người thiệt mạng trong vụ động đất ở Tây Tạng, Trung Quốc

Những ngôi nhà bị hư hại được chụp ảnh sau trận động đất (Ảnh: Reuters)
(PLVN) - Trận động đất mạnh 7,1 độ richter đã xảy ra tại khu vực hẻo lánh ở phía nam Tây Tạng, gần biên giới Trung Quốc và Nepal, khiến ít nhất 125 người thiệt mạng và 188 người bị thương. Sự kiện đau lòng này đã làm sụp đổ hàng nghìn ngôi nhà và gây ảnh hưởng nghiêm trọng đến đời sống của người dân địa phương.

Phát hiện thi thể một nhà báo chống tham nhũng trong bể phốt

Nhà báo Mukesh Chandrakar (Ảnh: The Guardian)
(PLVN) - Anh Mukesh Chandrakar, một nhà báo nổi tiếng ở bang Chhattisgarh, Ấn Độ, đã bị phát hiện tử vong trong một bể phốt với dấu hiệu bị sát hại. Sự việc gây chấn động dư luận và đặt ra yêu cầu cấp bách về việc bảo vệ an toàn cho các nhà báo trong môi trường làm việc nguy hiểm.