Hôm qua, giá vàng trong nước có lúc cao hơn giá thế giới đến 200.000 đồng một lượng nhưng rất hiếm giao dịch bán ra. Tình hình này khiến cán cân cung - cầu kim loại quý có lúc chao đảo.Ngân hàng đổ xô mua vàng Công ty vàng bạc đá quý Ngân hàng Sài Gòn Thương Tín (SBJ) có một ngày giao dịch đột biến, với hơn 5.000 lượng. Bà Nguyễn Hoàng Hạc, Trưởng bộ phận kinh doanh - SBJ, nói: “Một tuần gần đây, chúng tôi chỉ giao dịch vài trăm lượng mỗi ngày, nhưng trong ngày 27/9 tăng lên khủng khiếp, chủ yếu là bán ra”. Buổi sáng, SBJ đã bán đến 3.000 lượng. Việc tranh mua của nhà đầu tư khiến các công ty vàng bạc phải kéo giá lên cao và tăng chênh lệch giữa mua vào - bán ra. Có thời điểm, mức chênh lệch tại SBJ lên đến 120.000 đồng một lượng. Diễn biến cũng tương tự tại các đơn vị kinh doanh vàng miếng lớn như SJC, PNJ. Giao dịch trong ngày của SJC đến 4.000 lượng. Việc đổ xô đi mua vàng đã khiến giá trong nước cao hơn giá thế giới đến 200.000 đồng một lượng (chưa kể phí nhập khẩu). Để cân đối mua vào - bán ra, các đơn vị kinh doanh kim loại quý phải điều chỉnh biên độ mua - bán, với chênh lệch khủng khiếp, có lúc lên 150.000 đồng một lượng.
Giá vàng tăng chóng mặt trong phiên giao dịch hôm qua. (Ảnh: TNLinh) |
Tuy nhiên, vàng giá rẻ không còn, nên nhiều nhà đầu tư vẫn tranh mua, bất chấp sự chênh lệch và “giá nào cũng mua”. Phòng kinh doanh SJC, SBJ đều cho biết, khách hàng tranh mua nhiều nhất là các ngân hàng thương mại. Động thái đó là do các đơn vị này mua để cắt lỗ với người vay. “Các đơn vị này cần cân đối lượng kim loại quý đang nắm giữ, nên đẩy mua vào, và đến chiều lại xả hàng, khi giá đã quá sức chịu đựng. Vì thế, mua phần nhiều cũng là ngân hàng, bán phần nhiều cũng là ngân hàng”. Ông Nguyễn Công Tường, Phó phòng kinh doanh SJC, cho biết: “Từ sáng qua đến 15h, giá vàng tăng lên liên tục vì không có người bán, chỉ có người mua. Đến cuối giờ chiều, giá vàng trong nước giảm xuống 110.000 đồng một lượng so với lúc đỉnh là do nhà đầu tư và một số ngân hàng xả hàng”. Cung lên cao, trong khi người dân rất ít bán ra, đã khiến thị trường vàng vật chất hôm qua có dấu hiệu khan hàng. “Người dân nắm giữ vàng vào lúc này phần nhiều chỉ với mục đích an toàn vốn. Còn các nhà đầu tư thì không ai dám đầu cơ khi rủi ro đến 80% nên sáng qua cung đã vượt cầu quá lớn, giá vàng “dâng lên” gần 400.000 đồng một lượng”, ông Tường phân tích.Không có hiện tượng "làm giá" Việc khan kim loại quý hôm qua, có phải là do các ngân hàng đẩy mạnh lãi suất huy động? Theo ông Nguyễn Trung Anh, Phó Tổng Giám đốc Công ty vàng Vina, động thái đó không ảnh hưởng nhiều đến biến động của thị trường vàng vật chất, vì lãi suất huy động hiện tại chỉ đạt 3% một năm. Nhiều khả năng, một số ngân hàng bán “âm” vàng, bị Ngân hàng Nhà nước phát hiện. Theo quy định, vàng gửi tiết kiệm chỉ được đem cho vay, nhưng có thể một số đơn vị đã bán vàng “âm” hơn 10%, thậm chí 30%, nên họ phải gom lại bất chấp giá cao. Trước nhiều ý kiến cho rằng vàng trong nước đã bị “làm giá” trong phiên giao dịch hôm qua, ông Lưu Quang Điền, Phó tổng giám đốc Công ty CP vàng bạc đá quý SJC Hà Nội, cho rằng, việc giá tăng vọt từng giờ và có lúc lên tới 30,9 triệu đồng một lượng hoàn toàn là do diễn biến thị trường và tâm lý người dân, nhà đầu tư chứ không có hiện tượng “làm giá”. Cụ thể, nguyên nhân chính khiến giá trong nước tăng cao là giá thế giới bất ngờ nhảy lên 1.300 USD một ounce (tương đương 30,7 triệu đồng một lượng) và dao động quanh mốc này một thời gian. Bên cạnh đó, việc giá vàng chạm 1.300 USD khiến người dân và nhà đầu tư trong nước cho rằng vàng còn tăng nữa nên nhiều người khá sốt sắng. Chính điều này dẫn tới hiện tượng hôm qua khi giá tăng cao người dân, nhà đầu tư lớn nhỏ lại manh nha xu hướng mua vào, trong khi trước đó giá thấp hơn thì họ không mua. Cũng vì lý do này mà đã xuất hiện tin đồn vàng đang được “làm giá” hay một số tổ chức lớn đang “âm thầm” gom mua. “Tất cả chỉ là tin đồn không có căn cứ. Kể cả nhận định giá vàng còn tăng mạnh nữa cũng chưa chính xác thời điểm này, nếu có chỉ là trong dài hạn. Còn theo tôi, từ giờ tới đầu tháng 10, giá vàng khó mà vượt đỉnh 1.300 USD một ounce, như vậy giá trong nước nếu lực cầu có tăng thì cũng khó vượt ngưỡng 31 triệu đồng”, ông Điền nói. Cũng theo ông Điền, hôm qua lượng mua bán vàng tại SJC Hà Nội chỉ tăng gấp rưỡi so với các ngày trước đó, tuy nhiên một điều đáng chú ý là lượng khách mua vào đã tăng chút ít dù giá lên ngất ngưỡng. Song sang buổi chiều, thị trường gần như trầm lắng. Hôm qua dân mua bán vàng rỉ tai nhau có nhiều nhà đầu tư cá nhân mua một lúc cả nghìn lượng, điều này là có thật nhưng số nhà đầu tư mua chừng này vàng không nhiều. Song đây cũng là một yếu tố khiến nhiều người càng tin rằng thị trường đang bị “làm giá”. “Thực ra, trước đây việc nhà đầu tư mua cả nghìn lượng một lúc cũng là điều bình thường, song vào lúc vàng đang tăng mạnh mà họ lại mua vào thì càng khiến tâm lý người dân sốt sắng, dẫn đến nhiều tin đồn thất thiệt. Ông Nguyễn Thanh Trúc, Tổng giám đốc Tổng công ty vàng Agribank, cũng cho rằng, thị trường hôm qua khó có khả năng bị “làm giá". Việc giá trong nước lên tới 30,9 triệu đồng một lượng hoàn toàn có thể hiểu nguyên nhân chính là do giá thế giới chạm ngưỡng 1.300 USD một ounce, nên không có gì bất thường. Một lãnh đạo của một doanh nghiệp vàng lớn khác cho hay, tin đồn nguồn cung vàng đang khan hiếm cũng một phần tác động tới tâm lý người dân. Thực ra nguồn cung vàng không hề khan, mà do người đang nắm giữ vàng thì không bán lúc này, thậm chí họ còn muốn mua thêm. Còn người mua thì vẫn xoay tiền để mua từ trước tới giờ vì kỳ vọng giá cao, càng khiến cầu vượt cung, buộc doanh nghiệp phải đẩy giá lên. Đó là lý do vì sao giá thế giới chỉ tương đương 30,7 triệu đồng một lượng nhưng giá trong nước có thời điểm lên tới 30,9 triệu đồng. “Thực ra lượng vàng mà người dân và nhà đầu tư, tổ chức tại Việt Nam đang nắm giữ rất lớn, ước chừng khoảng 600 tấn, trong đó 1/3 nằm ở ngân hàng và 2/3 do người dân và các nhà đầu tư lớn, nhỏ nắm giữ. Trong khi đó, mỗi năm, lượng vàng tại Việt Nam xuất đi không đáng kể, chỉ khoảng vài chục tấn thông qua hình thức vàng nữ trang. Ở thời điểm này, do chênh lệch giữa giá thế giới và trong nước không đáng kể nên các doanh nghiệp kinh doanh vàng không có động thái xuất hay nhập vàng”, vị này nói.
Sau khi vọt lên 30,9 triệu đồng một lượng vào hôm qua, giá vàng trong nước bắt đầu quay đầu giảm. Đà giảm vẫn tiếp tục duy trì trong sáng nay. Hiện giá vàng miếng SJC tại thị trường Hà Nội đang được giao dịch mua bán tương ứng ở mức 30,7 - 30,76 triệu đồng một lượng. Vàng rồng Thăng Long có giá niếm yết 30,67 - 30,76 triệu đồng (mua - bán). Hiện giá vàng bán ra trên thị trường cao nhất ở mức 30,78 triệu đồng một lượng, áp dụng tại Công ty vàng bạc Sacombank (30,64 - 30,78 triệu đồng) hay Agribank (30,7 - 30,78 triệu đồng). |
Theo Mỹ Dung - Đông Nhiên
Đất Việt
Đất Việt